Tân Hoa Xã đưa tin chiếc hố có niên đại khoảng cuối nhà Thương (1600 đến 1046 trước Công nguyên).
Những bộ hài cốt được tìm thấy nằm trong khu di tích mà các nhà khảo cổ từ Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Nam đã tiến hành khai quật từ năm 2019. Khu đất rộng 300.000 m2 tại Chiazhuang.
Khu di tích có hệ thống nhà cửa, giếng nước, bếp lò và một số ngôi mộ chứa đồ gốm, hài cốt, đồ trang sức và vài dấu hiệu cho thấy việc sử dụng pháo hoa. Con số cụ thể về hài cốt chưa được tiết lộ.
Những bộ hài cốt vừa được tìm thấy tại Chaizhuang, Jiyuan, tỉnh Henan. Ảnh: Xinhua. |
Ông Liang Fawei, người đứng đầu dự án nghiên cứu về khu mộ cổ, trả lời China Daily rằng những bộ xương được bảo quản khá tốt. Các bộ hài cốt bị chặt đầu, hướng về phía bắc, quỳ gối và hai bàn tay đan chéo trước mặt.
Đây là bằng chứng cho giả thuyết những người này bị hiến tế theo phong tục xã hội, nghi lễ cổ xưa.
Ngoài ra, nhóm khảo cổ còn tìm thấy trên các mảnh xương còn sót lại có các ký tự cổ như "She," "Shi," "Tan" và “Kan”. Theo ông Liang Fawei, những ký hiệu này dùng để biểu thị các hoạt động hiến tế trong nhiều nghi lễ khác nhau.
Một mảnh giáp cốt văn - hình thức bói toán của Trung Quốc cổ được tìm thấy bên trong những ngôi mộ. Ảnh: China Daily. |
Trước đây, nhóm người chết vì các phong tục cổ thường được chôn cất trong tư thế nằm. Do đó, tư thế ngồi của những bộ hài cốt tại Chaizhuang khiến nhóm nghiên cứu tò mò, chưa thể lý giải nguyên nhân.
Các nghi lễ hiến tế bắt nguồn từ triều đại nhà Thương. Khi đó, dân thường được chôn cất với những con vật thuần hóa như chó, lợn.
Còn giới thượng lưu, khi một nhân vật chết thì vợ, thê thiếp, vệ sĩ, người hầu và nô lệ, được chôn theo. Họ bị chặt đầu như một cách thức để xoa dịu các vị thần và linh hồn người đã chết.