Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóc mẽ mức giá cao 'trên trời' của hàng hiệu

Ngoài việc sở hữu chất lượng tuyệt hảo, hàng hiệu còn là minh chứng cho sự chịu chơi và chịu chi của các "thượng đế".

Bóc mẽ mức giá cao 'trên trời' của hàng hiệu

Ngoài việc sở hữu chất lượng tuyệt hảo, hàng hiệu còn là minh chứng cho sự chịu chơi và chịu chi của các "thượng đế".

Có nhiều lý do để hàng hiệu có giá cao hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Hàng hiệu – thuật ngữ để chỉ những sản phẩm cao cấp, sành điệu và đắt tiền.  Có nhiều sản phẩm cũng cao cấp, cũng đẹp và lung linh, nhưng nếu như không đắt so với những mặt hàng tương tự trên thị trường, cũng chưa chắc đã được coi là hàng hiệu.

Vì sao hàng hiệu lại đắt đến vậy? Những chiếc va li, túi xách Gucci, Hermes có giá lên đến hàng chục nghìn USD, liệu có đẹp và chất lượng vượt trội hơn so với những chiếc túi khác? Những chiếc áo sơ mi Lacoste liệu có tính năng tốt hơn hẳn so với những chiếc áo sơ mi khác? Những đôi giày Louboutin, kính Chanel phải chăng luôn có kiểu dáng độc đáo và khác hẳn so với những sản phẩm cùng loại?

Chắc chắn là không. Hàng hiệu là những sản phẩm nổi tiếng, với những mức giá trên trời, chỉ một phần là do yếu tố chất lượng. Có nhiều nguyên nhân khác khiến hàng hiệu đắt hơn rất nhiều so với số tiền được trả để làm ra nó, bao gồm cả nguyên vật liệu, nhân công cùng các chi phí khác.

Thương hiệu

 Gucci đã có lịch sử hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ. Uy tín, danh tiếng có hãng góp phần không nhỏ trong giá trị và giá thành sản phẩm.

Giá trị của thương hiệu góp một phần không nhỏ trong giá trị của sản phẩm, và từ đó, được quy thành giá bán trên thị trường. Danh tiếng, uy tín của một hãng, càng lớn bao nhiêu, thì sự đóng góp của nó vào giá của mặt hàng càng lớn bấy nhiêu. Cùng kiểu dáng, chất liệu tương đương nhau, nhưng sản phẩm của thương hiệu lớn, có tên tuổi trên toàn thế giới sẽ được gắn mác hàng hiệu và có mức giá cao ngất ngưởng, trong khi sản phẩm còn lại, chỉ có thể được coi là sản phẩm có chất lượng tốt mà thôi.

Nếu như thương hiệu góp đến 80% vào giá trị sản phẩm thì cũng không có gì quá đáng, bởi để có được như vậy, các doanh nghiệp đã phải trải qua một hành trình xây dựng, phát triển và phấn đấu để đứng vững trong những thăng trầm của thời cuộc, để có thể khẳng định được tên tuổi của mình trong lòng người tiêu dùng. Chỉ cần nêu tên là khách hàng đã có niềm tin – không phải thương hiệu nào cũng có thể làm được như vậy.

Chất lượng hàng đầu

 Các sản phẩm hàng hiệu đều có chất lượng khiến khách hàng có thể yên tâm

Khách hàng chấp nhận con số "khủng" trên mác giá của các sản phẩm hàng hiệu, bởi hàng hiệu đồng nghĩa với chất lượng. Nếu chất lượng không đảm bảo thì sản phẩm đó không thể coi là hàng hiệu.

Có thể phải bỏ ra những khoản tiền rất lớn để có thể sở hữu một sản phẩm cao cấp, nhưng khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng. 5, 10 hay 15 năm sau, bạn xách một chiếc túi Gucci ra đường, bạn vẫn có thể hoàn toàn yên tâm về độ bền của nó, cũng như sẽ không ai nói rằng chiếc túi Gucci này đã lỗi mốt.

 Váy cưới Vera Wang được "chăm sóc"  đến từng chi tiết.

Các nguyên vật liệu để sản xuất ra các sản phẩm hàng hiệu đều có chất lượng hàng đầu. Túi Hermes luôn làm từ da thật cao cấp, váy Elie Saab có nguồn vải do công ty tự sản xuất thay vì nhập khẩu hay sử dụng từ một nhà cung cấp khác, giày Louboutin có lớp sơn đỏ ở gót là hàng cao cấp được đặt sản xuất dành riêng cho hãng…

Quy trình sản xuất các sản phẩm cao cấp luôn chặt chẽ, quy cổ, tiên tiến và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất. Không những vậy, đại đa số các sản phẩm hàng hiệu đều được làm thủ công toàn bộ hoặc ở một số khâu quyết định nào đó.

Những chiếc túi Hermes Birkin trị giá tiền tỷ là vì được làm thủ công 100% bởi những người thợ lành nghề. Riêng việc để đào tạo ra  những người thợ này, cũng là cả một quá trình không đơn giản. Giày Jimmy Choo được làm thủ công 100%, từ khâu tạo hình giày, đáp da, đến hoàn thiện các chi tiết trang trí. Để có được những sắc màu đặc biệt cho chiếc áo cưới, Vera Wang cùng các cộng sự của mình đã nhúng hàng trăm mét vải trắng vào từng bồn tắm đựng nước trà với độ đậm đặc khác nhau để tìm ra một sắc màu trắng ngà ưng ý nhất. Những điều này làm nên giá trị của sản phẩm, và cũng đẩy giá thành của hàng hiệu lên cao.

Sản xuất giới hạn và đặc biệt

Không phải mọi sản phẩm hàng hiệu đều sản xuất giới hạn, nhưng những sản phẩm được sản xuất với số lượng nhất định thường bao giờ cũng có giá đắt hơn. 

 Chiếc áo ngực đắt nhất thế giới do Victoria's Secret thiết kế, với giá 15 triệu USD.

Những sản phẩm như thế luôn mang một yếu tố đặc biệt nhất định, khiến việc sản xuất hàng loạt mất đi giá trị của nó. Chiếc áo ngực phủ đầy ngọc ruby trị giá 15 triệu USD của hãng thời trang Victoria’s Secret chỉ có duy nhất một chiếc trên thế giới. Có thể giá trị sử dụng của nó không cao, nhưng vẫn có những khách hàng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để được sở hữu, với mục đích là ngắm chứ không phải mặc.

 Quần jeans kết hợp giữa Levis và Dameil Hirst có giá 27.000 USD, sản xuất giới hạn 8 cái trên toàn cầu.

Chiếc quần jeans đậm phong cách đường phố - sản phẩm kết hợp giữa Levi’s và nhà thiết kế, kiến trúc sư Damiel Hirst sản xuất giới hạn 8 chiếc trên toàn thế giới. Thiết kế không quá xuất sắc, không phải ai cũng có thể diện để dạo phố, nhưng bởi “lần đầu tiên kết hợp” của một thương hiệu nổi tiếng trong thế giới jeans và một nhà thiết mế tên tuổi, nên chiếc quần theo phong cách denim có giá lên tới 27 nghìn USD. Vậy mà  ngay từ khi chưa xuất xưởng, 8 chiếc quần đã được đặt hàng.

 Túi Hermes Birkin - một trong những dòng túi xách hàng hiệu đắt nhất thế giới.

Những chiếc túi Hermes Birkin có giá di động từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD. Không phải trên thế giới không có những hãng sản xuất những chiếc túi da xịn, được làm thủ công 100% như Hermes Birkin, nhưng sản xuất giới hạn, đặt mua cực kỳ khó và thường xuyên phải đợi từ 1 đến 2 năm là những “chiêu” độc mà nhà sản xuất muốn nói rằng: sản phẩm của chúng tôi không chỉ hàng hiệu, cao cấp, mà còn độc đáo, có một không hai và giúp bạn thể hiện đẳng cấp. Không phải ai cũng mua được Hermes Birkim và một khi bạn có được nó, người xung quanh sẽ nhìn bạn bẳng con mắt khác. Nhiều khi, người ta mua một chiếc Hermes Birkin là mua đẳng cấp cho chính mính. Đẳng cấp thì không thể nào rẻ và ai cũng có. Do đó, những chiếc túi nổi tiếng này có giá cao "trên trời".

Nhà sản xuất biết rằng, nếu như đưa ra thị trường vài trăm sản phẩm “giới hạn” như thế nữa, chắc chắn, vẫn có người mua ủng hộ. Nhưng tính độc đáo của sản phẩm sẽ giảm xuống, độ thỏa mãn của khách hàng cũng giảm theo, và giá thành không thể nào còn giữ ở mức quá cao khi chỉ có khoảng mươi sản phẩm được bán ra thị trường. Do đó, thay vì sản xuất thêm những sản phẩm tương tự, họ sẽ đưa ra thị trường những mặt hàng giới hạn khác với giá cao ngất ngưởng. Và khách hàng, lại tiếp tục mải mê trong cơn săn đuổi những sản phẩm có số lượng hạn chế này.

Tâm lý thích xài hàng hiệu

Với nhiều người, mua hàng hiệu không chỉ là sở thích, mà còn là một nhu cầu và là cách để khẳng định bản thân, thể hiện đẳng cấp. Do đó, họ không thích những hàng hiệu tầm trung, hay nói chính xác, với nhiều khách hàng, hàng hiệu chỉ xứng danh hàng hiệu khi nó có mức giá cao mà không phải ai cũng dám bỏ tiền ra mua. Do đó, có những trường hợp, các nhà cung cấp sẵn sàng định ra giá mức cao hơn nhiều so với giá trị món hàng, chỉ để chiều lòng các thượng đế muốn mua hàng hiệu giá cao để đạt được hai chữ xứng tầm.

 Túi Valentino Demetra, sản xuất giới hạn với 3 màu có giá 19.500 USD

Câu chuyện hàng hiệu, với những sản phẩm có giá không dành cho đại đa số người tiêu cùng chắc chắn vẫn còn kéo dài mãi. Có thể nhiều người vẫn không sao hiểu nổi, một chiếc túi Valentino dòng Demetra, sản xuất giới hạn 3 màu trên toàn thế giới, lại có giá cao đến 19.500 USD. Nhưng hiểu những giá trị đằng sau nó, hay sẵn sàng bỏ tiền ra mua một chiếc túi như vậy, lại là những câu chuyện khác nhau.

Q.N

Theo Infonet

Q.N

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm