Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bollywood chia rẽ trước phong trào ủng hộ người da màu

Dù bày tỏ sự ủng hộ phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng giá trị) nhưng nữ diễn viên Priyanka Chopra và nhiều đồng nghiệp vẫn bị chỉ trích.

Cái chết của người đàn ông da đen George Floyd tại Mỹ và phong trào Black Lives Matter đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ. Nhiều người thậm chí còn liên hệ hoàn cảnh của người Mỹ gốc Phi với tình trạng phân biệt đối xử mà người Hồi giáo Ấn Độ phải gánh chịu.

Rất nhiều ngôi sao Bollywood đã cất tiếng nói trên mạng xã hội bày tỏ sự ủng hộ cuộc biểu tình chống lại sự bất bình đẳng sắc tộc lan khắp nước Mỹ. Nhưng việc bày tỏ quan điểm này cũng vấp phải không ít chỉ trích từ phía khán giả Ấn Độ nói riêng và chính những nghệ sĩ Ấn Độ nói chung.

Tranh cãi vô tình đã cho thấy một bức tranh Bollywood kém rực rỡ và hào nhoáng hơn những câu chuyện trên màn ảnh. Nó để lộ ra hàng loạt vấn đề nhức nhối vẫn tồn tại trong kinh đô điện ảnh Ấn Độ, và nội tại xã hội đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Nghệ sĩ bị phản đối khi kèm quảng cáo

Người phản đối chỉ ra một vài người đẹp ủng hộ phong trào bình đẳng sắc tộc đang quảng cáo cho những sản phẩm làm trắng da, hay đã giữ im lặng trước hoàn cảnh của những người thiểu số di cư tại Ấn Độ.

Danh sách này gồm những cái tên như Priyanka Chopra - người được tạp chí Forbes gọi bằng danh xưng “minh tinh Bollywood có sự nghiệp thành công nhất tại Hollywood”, Sonam Kapoor – người chiến thắng giải thưởng Filmfare Award danh giá của Ấn Độ năm 2017 và Disha Patani – nữ diễn viên sánh vai cùng Thành Long trong bộ phim Kung Fu Yoga (2017)…

Bollywood anh 1
Sonam Kapoor là một trong những minh tinh bị chỉ trích vì tuyên bố ủng hộ bình đẳng sắc tộc nhưng lại quảng cáo các sản phẩm sáng da.

Các nghệ sĩ bị chỉ trích vì một mặt ủng hộ bình đẳng xã hội và mọi màu da đều xứng đáng được tôn trọng, một mặt vẫn quảng bá cho những sản phẩm làm thay đổi màu da tự nhiên của chủng tộc mình.

Trong một bài phỏng vấn năm 2017 với tạp chí Vougue, Priyanka Chopra, cựu Hoa hậu Thế giới, cho biết cô rất hối hận vì đã nhận lời quảng cáo các sản phẩm làm trắng da khi còn trẻ. Người đẹp cũng chia sẻ về tuổi thơ từng bị bạn bè cô lập vì làn da sẫm màu. Nhưng giờ đây, cô tự hào vì màu da sẫm của mình.

Dù người đẹp đã bày tỏ sự hồi tâm chuyển ý, nhưng khán giả, và không ít đồng nghiệp gốc Ấn của minh tinh vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận tiếng nói của cô. “Cám ơn vì đã lên tiếng vì chất lượng cuộc sống của người da đen. Nhưng trước hết, có lẽ cô nên dừng quảng bá cho các sản phẩm làm trắng da đi đã” - một người dùng đã bình luận dưới bài đăng của nữ diễn viên.

Minh tinh Ấn Độ bị chỉ trích vì thái độ "ủng hộ có chọn lọc"

Priyanka Chopra tiếp tục bị chỉ trích qua sau khi chồng cô, Nick Jonas của ban nhạc The Jonas Brother nức tiếng một thời, đăng bài viết bày tỏ cặp đôi cam kết chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc và các tư tưởng bài trừ cực đoan.

Bài đăng viết: “Trái tim của tôi và Pri giờ đang nặng trĩu… Thực trạng bất bình đẳng tại Mỹ cũng như trên thế giới đã đến hồi báo động. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài trừ cực đoan đã tồn tại quá lâu trong xã hội này, và sự im lặng của chúng ta không chỉ khiến nó ngày càng ăn sâu bám rễ, mà còn khiến nó có thêm cơ hội để phát triển”.

Amsi, nhạc sĩ / ca sĩ gốc Ấn đang sống và làm việc tại Mỹ, nhanh chóng mở màn cuộc tranh luận bằng việc chỉ ra Chopra, được gọi bằng cái tên thân mật “Pri” trong bài đăng của Jonas, chưa từng lên tiếng về nạn phân biệt chủng tộc diễn ra tại Ấn Độ, đặc biệt là với những phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ, tôn giáo lớn nhất trong cộng đồng người thiểu số của quốc gia này.

Bollywood anh 2

Priyanka Chopra cũng hứng chịu chỉ trích vì làm ngơ trước các vấn đề nhức nhối của xã hội Ấn Độ.

Một người khác đã nhắc lại việc Jonas và Chopra đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – chính quyền của ông đã bị buộc tội không có những hành động ngăn chặn các hành vi bạo lực nhắm vào người Hồi giáo – tới lễ cưới của mình.

Diễn viên, kiêm nhà sản xuất Abhay Deol làm việc tại Bollywood đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này trong một bài viết đầy cảm xúc hôm thứ ba tuần trước. Bài viết đăng tải trên Instagram có đoạn: “Giờ những người nổi tiếng Ấn Độ ‘được giác ngộ’ và giới trung lưu đang bày tỏ tinh thần đoàn kết với những người da màu chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, liệu họ có phiền nếu dành chút thời gian xem qua tình hình đang diễn ra ở sân sau nhà mình không?”.

“Tôi không nói họ xứng đáng nhận về hậu quả ấy mà muốn các bạn quan sát toàn cảnh bức tranh. Tôi đang nói hãy giúp đỡ họ bằng cách nói về những vấn đề của chính xã hội chúng ta, bởi sớm muộn rồi tất cả những vấn đề riêng rẽ ấy sẽ dẫn đến cùng một kết cục. Tôi muốn nói rằng, hãy học tập họ, nhưng đừng chỉ lặp lại y nguyên. Hãy hành động vì đất nước của các bạn, vì những vấn đề nhãn tiền nằm trong đó. Đấy mới là ý nghĩa của phong trào Black Lives Matter”, Abhay Deol nói thêm.

Làn da sáng màu - vấn nạn của Bollywood và xã hội Ấn Độ

Abhay Deol cũng chia sẻ một phân tích về vấn đề kem làm trắng da tại Ấn Độ, nhấn mạnh vào cách sử dụng từ ngữ mà những công ty hóa mỹ phẩm đã sử dụng để quảng cáo hiệu quả thay đổi màu da mà sản phẩm của họ mang lại, từ “sáng rõ” (fairness) tới làm trắng da / làm sáng da (brightening / whitening) tới trắng sáng (white glow)…

Tại Bollywood, nhiều nhà phê bình điện ảnh đã chỉ ra chính các tác phẩm điện ảnh và truyền hình Ấn Độ là nhân tố chịu trách nhiệm cho xu hướng kỳ thị làn da sẫm màu lây lan trong xã hội.

Các nhà sản xuất thường có xu hướng lựa chọn những diễn viên có làn da sáng màu vào tác phẩm của mình. Theo thời gian, sự phủ sóng của làn da sáng màu trên màn ảnh đã hình thành trong đầu khán giả một phép ám thị da sẫm màu là xấu, sáng màu mới là đẹp.

Cùng với đó, việc các nhãn hàng hóa mỹ phẩm ưa chuộng những gương mặt tài tử, minh tinh Bollywood làm gương mặt đại diện cho những sản phẩm làm trắng da càng góp phần khiến vấn nạn coi làn da sáng màu trở thành giá trị sắc đẹp duy nhất tại Ấn Độ trở nên trầm trọng.

Nhìn vụ George Floyd, nhớ ‘Detroit’

Vụ George Floyd hiện khiến cả nước Mỹ sôi sục. Sự kiện cho thấy nỗi đau mà người Mỹ gốc Phi phải trải qua từ mùa hè năm 1967, hay xa hơn nữa về thế kỷ XIX, chưa bao giờ nguôi.

Câu chuyện về người da màu và nạn phân biệt chủng tộc trên phim Mỹ

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Hollywood đã có những tác phẩm xuất sắc lấy đề tài về phân biệt chủng tộc.

Anh Phan

Bạn có thể quan tâm