Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bóng đá Mỹ còn lại gì khi Messi rời đi

Giá trị các đội bóng Mỹ đã tăng 3,2 tỷ USD từ khi Messi đến Inter Miami. Liên đoàn bóng đá Mỹ đang chênh vênh, không rõ điều gì sẽ xảy ra sau khi siêu sao Argentina giải nghệ.

messi vao inter miami anh 1

Tỷ phú Jorge Mas đã nâng đỡ Lionel Messi, đưa cầu thủ người Argentina vào Mỹ. Ngược lại, Messi cũng mang đến lợi ích khổng lồ cho ông Jorge Mas, Bloomberg nhận định.

Chỉ hơn một năm sau khi Messi rời Paris Saint-Germain đến Inter Miami, vận mệnh của đội bóng này đã thay đổi hoàn toàn. Với sức hút của siêu sao có 625 triệu người theo dõi, Inter Miami hiện là đội thể thao Mỹ nổi tiếng nhất trên mạng xã hội.

Doanh thu của câu lạc bộ tăng gấp 4 lần, lên gần 200 triệu USD. Trong khi đó, người hâm mộ đổ xô tới các trận đấu, còn chiếc áo đấu Inter Miami màu hồng của Messi là chiếc áo đấu bán chạy nhất thế giới.

Không chỉ có Inter Miami được hưởng lợi. Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (Major League Soccer - MLS) cho biết giá trị các đội đã tăng thêm 3,2 tỷ USD kể từ khi có Messi. Đầu năm 2024, siêu sao Argentina trở thành cầu thủ bóng đá đầu tiên nằm trong bảng xếp hạng vận động viên được người Mỹ yêu thích nhất.

Ở tuổi 37, Messi là động lực lớn nhất thúc đẩy nền bóng đá Mỹ khi nước này chuẩn bị đăng cai World Cup 2026 cùng Canada và Mexico. Ông Mas dự đoán hiệu ứng Messi thậm chí chưa dừng lại ở đó, và sẽ nâng giá trị của Inter Miami lên 2 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, ông Mas và nhiều chủ tịch đội bóng Mỹ khác đang đối mặt với một vấn đề nan giải: Họ sẽ phải làm gì nếu Messi không còn ở đây nữa.

Hiện ứng chưa từng có

Bóng đá Mỹ từ lâu có truyền thống mua lại các ngôi sao lớn tuổi. Pele rời Brazil và nhận lời thi đấu cho New York Cosmos vào năm 1975. Sự kiện chấn động tiếp theo là David Beckham chuyển từ châu Âu đến LA Galaxy vào năm 2007.

Các cầu thủ khác như Thierry Henry, Wayne Rooney và Zlatan Ibrahimović sau đó đều gia nhập giải Vô địch quốc gia Mỹ. Sức hút của các cầu thủ này thúc đẩy sự cuồng nhiệt của người hâm mộ trong ngắn hạn, nhưng vị thế của bóng đá Mỹ vẫn chưa thể sánh ngang bóng rổ, bóng chày hay bóng đá châu Âu.

Tuy nhiên, Lionel Messi là một hiện tượng chưa từng xuất hiện trước đây. Là một biểu tượng toàn cầu có sức hấp dẫn trải rộng khắp các nền văn hóa, anh đã bốn 4 lần vô địch Champions League cùng Barcelona, ​​vô địch World Cup cùng Argentina và giành được 8 Quả bóng vàng.

Khi ký hợp đồng với Inter Miami vào tháng 7/2023, Messi được cho là đã từ chối lời đề nghị trị giá 400 triệu USD/năm từ Saudi Arabia. Đây được coi là một chiến thắng lớn bất ngờ với ông Mas và bóng đá Mỹ vào thời điểm Saudi Arabia đang lôi kéo một loạt tên tuổi quen thuộc từ Anh, Tây Ban Nha và Pháp.

Một nguồn tin cho biết hợp đồng của Messi gồm 10% cổ phần của Inter Miami sau khi giải nghệ, tương đương khoảng 200 triệu USD. Câu lạc bộ cũng trả khoảng 60 triệu USD/năm cho Messi. Theo Sportico, vào cuối năm 2025, anh sẽ kiếm được khoảng 1,6 tỷ USD trong suốt sự nghiệp và trở thành tỷ phú.

Trước Inter Miami, Messi đã được Barcelona trả 613 triệu USD trong 4 năm, trước khi chuyển đến Paris Saint-Germain vào năm 2021.

messi vao inter miami anh 2

Lionel Messi cùng với ông chủ Inter Miami, Jorge Mas. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, bóng đá Mỹ, đặc biệt là Inter Miami, đang đối mặt với câu hỏi liệu môn thể thao này có thể tiếp tục phát triển nhanh chóng thế nào nếu không có tài năng người Argentina.

“Liệu các con tôi và các con của bạn còn muốn mua áo đấu Inter Miami khi Messi không còn ở đó không?, tác giả sách Simon Kuper nói.

Hợp đồng của Messi sẽ hết hạn vào cuối mùa giải 2025, và khi đó anh đang ở độ tuổi mà nhiều cầu thủ bóng đá đỉnh cao thường đã giải nghệ. Trước khi trở lại sân cỏ vào tuần trước, anh đã không thi đấu kể từ khi bị chấn thương mắt cá chân trong trận chung kết Copa America vào ngày 26/7, đồng thời bỏ lỡ hơn 20 trận đấu cho Inter Miami và Argentina kể từ khi chuyển đến South Florida.

Ông Mas tự tin ngôi sao lớn nhất của bóng đá Mỹ sẽ quyết định tiếp tục thi đấu. Trong lúc đó, chủ sở hữu các đội bóng đang tăng cường chi tiêu, tận dụng sức nhiệt do Messi thúc đẩy và World Cup đang tới gần.

Các sân vận động đang được xây dựng, trong đó có một dự án 780 triệu USD ở Queens, New York, và một dự án khác 425 triệu USD của Inter Miami. Nhiều kế hoạch khác đang trong giai đoạn đàm phán, như đề xuất xây một địa điểm mới cho Câu lạc bộ New England Revolution ở Everett, Massachusetts.

Thành công cả trong lẫn ngoài sân

Inter Miami gặt hái được thành công cả trên sân lẫn ngoài sân cỏ sau khi Messi gia nhập. Câu lạc bộ thu hút hàng chục thương hiệu ký hợp đồng tài trợ, dự kiến có 55 triệu USD trong mùa giải này.

Đội bóng cũng có thêm những tên tuổi lớn khác, như Luis Suarez, đồng đội cũ của Messi tại Barcelona. Những cầu thủ này giúp Inter Miami giành chiến thắng ngay cả khi Messi vắng mặt. Đội hiện đứng đầu bảng xếp hạng miền Đông sau khi thắng 19 trận trong mùa giải.

Quan trọng hơn nữa, câu lạc bộ đang có lãi.

Bầu không khí sôi động tại các trận đấu của Inter Miami, với một nhóm cổ động viên liên tục hát những bài ca bóng đá Nam Mỹ theo nhịp trống riêng, là một phần quan trọng trong mô hình kinh doanh của đội bóng.

Nguồn thu lớn nhất của Inter Miami đến từ việc bán vé, thức ăn, và đồ dùng (như áo đấu) vào các ngày diễn ra trận đấu. Ngược lại, chỉ có 4% doanh thu hàng năm đến từ bán bản quyền phát sóng, trong đó có cả lợi nhuận từ hợp đồng 10 năm trị giá 2,5 tỷ USD với AppleTV+.

Các trận đấu cháy vé cũng là nguồn lợi đáng kể. Giá vé bùng nổ trong mọi trận đấu có Messi. Vé hàng trên cho trận đấu ngày 21/9 tới giữa New York City với Inter Miami tại sân vận động Yankee có giá khởi điểm khoảng 170 USD, cao hơn 10 lần giá của trận đấu trước đó với Philadelphia. Và chưa có gì đảm bảo Messi sẽ ra sân. Một số câu lạc bộ còn từng phải hoàn lại tiền cho người hâm mộ khi anh không thi đấu.

messi vao inter miami anh 3

Áo đấu Inter Miami màu hồng của Messi là chiếc áo đấu bán chạy nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Có những dấu hiệu cho thấy một số câu lạc bộ đang phát triển mạnh ngay cả khi không có Messi trên sân. Năm 2024, Atlanta United thu hút trung bình 47.000 khán giả mỗi trận tại sân vận động Mercedes-Benz. Các chủ sở hữu khác lạc quan giải vô địch quốc gia Mỹ sẽ tiếp tục lớn mạnh khi không có Messi, đặc biệt khi World Cup sắp tổ chức tại Bắc Mỹ.

“World Cup chắc chắn là chất xúc tác cho sự phát triển của MLS”, Clark Hunt - chủ sở hữu và giám đốc điều hành của FC Dallas - cho biết. “Hãy nhìn vào hiệu ứng dây chuyền ở mọi quốc gia đăng cai World Cup trong 20 năm qua, các giải đấu trong nước đều có bước chuyển mình lớn”.

Inter Miami đang lùng sục tài năng khắp Nam Mỹ, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, khó tìm được cầu thủ đạt được mức độ nổi tiếng toàn cầu như Messi. Cristiano Ronaldo năm nay 39 tuổi và cam kết thi đấu ở Riyadh, trong khi những siêu sao mới nổi như Jude Bellingham, Erling Haaland và Kylian Mbappé không có kế hoạch đến Mỹ khi đang ở thời kỳ đỉnh cao.

Sau 30 năm hoạt động ổn định, không rõ bóng đá Mỹ kiếm được lợi nhuận thế nào vì các đội không tiết lộ báo cáo thu nhập. Liên đoàn cho biết các câu lạc bộ trị giá tổng cộng 20 tỷ USD - tăng gấp 7 lần trong một thập niên.

Trong lúc đó, giới siêu giàu vẫn để mắt tới bóng đá Mỹ. Tỷ phú người Ai Cập Mohamed Mansour được cho là đã trả khoản phí 500 triệu USD để biến San Diego FC thành đội thứ 30 của giải đấu vào năm 2025.

“Liệu bóng đá Mỹ có thực sự mang lại lợi nhuận?”, Stefan Szymanski - giáo sư quản lý thể thao của Đại học Michigan - đặt câu hỏi. “Một trong những đặc điểm nổi bật của các tỷ phú là họ có lòng kiên nhẫn vô tận”.

Những cuốn sách hay về thể thao

Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...

Bà Harris 'hổ thẹn' vì thành phố ở Mỹ bị dọa khủng bố hàng chục lần

Trong cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gọi các mối đe dọa đánh bom ở Ohio là "đáng hổ thẹn".

Ông Trump phản ứng việc Fed cắt giảm lãi suất

Cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng quy mô cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần này cho thấy nền kinh tế xứ cờ hoa có thể đang gặp rắc rối.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm