Nhớ về một ngày giữa tháng 9, hình ảnh cô bé 3 tuổi sợ sệt nép sau lưng mẹ - một bên mắt hấp háy quan sát gương mặt của vị bác sĩ trẻ, bên còn lại đờ đẫn không tri giác, ùa vào tâm trí BSCKI Huỳnh Hữu Danh - Chuyên gia can thiệp nội mạch, Bệnh viện FV.
Mang trong mình cái tên ngập tràn ánh sáng là An Hạ, nhưng cô bé lại mắc phải căn bệnh ung thư quái ác khi chỉ mới vài tháng tuổi. Sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi với mẹ bé, BSCKI Huỳnh Hữu Danh không khỏi trăn trở: “Sức mạnh nào giúp em bé 3 tuổi có thể trải qua 1 cuộc đại phẫu, 7 lần hóa trị đau đớn như vậy?”.
Nỗ lực thắp sáng hy vọng cho bệnh nhân
Sinh ra lành lặn nhưng sau một lần đi khám mắt, bé An Hạ (sinh năm 2021, Đồng Nai) được chẩn đoán mắc u nguyên bào võng mạc và trải qua nhiều lần hóa trị đau đớn.
Đầu năm 2024, các bác sĩ phải mổ bỏ nhãn cầu và gắn mắt giả để giúp An Hạ giữ tính mạng do khối u phát triển. Nhưng đến tháng 8, thử thách tiếp tục ập đến với gia đình khi bác sĩ thông báo khối u mới xuất hiện trong mắt còn lại của An Hạ.
“Việc giữ được mắt còn lại rất khó, phải bỏ nhãn cầu vì lúc này u có nguy cơ di căn não. Mỗi lần nghĩ đến việc con gái bé bỏng có thể mù lòa khi chưa đầy 3 tuổi, tôi lại không cam lòng”, mẹ An Hạ thổn thức.
Dẫu trải qua nhiều nỗi đau, cuộc sống vẫn luôn tràn đầy niềm hy vọng qua góc nhìn và ánh mắt lấp lánh của cô bé. Và người chắp cánh cho niềm tin đó chính là BSCKI Huỳnh Hữu Danh.
Tiếp nhận ca bệnh của An Hạ, sau nhiều trăn trở, bác sĩ Danh trao đổi với gia đình về phương pháp hóa trị nội động mạch để giảm kích thước và loại bỏ u.
“Trước giờ, u nguyên bào võng mạc chủ yếu điều trị bằng kỹ thuật hóa trị, xạ trị, laser, đông lạnh... trường hợp cuối cùng là phẫu thuật. Tại FV, chúng tôi bắt đầu áp dụng kỹ thuật mới là can thiệp hóa trị nội động mạch. Nếu đáp ứng tốt thì khối u sẽ tan, bé có thể bảo tồn mắt còn lại”, bác sĩ Danh nhấn mạnh.
Câu nói của bác sĩ Danh đã thắp lên hy vọng cho người mẹ trẻ sau 3 năm đồng hành cùng con đi tìm ánh sáng. Tìm hiểu về phương pháp này, chị mới vỡ lẽ trong khi thế giới phổ biến từ lâu, rất ít bệnh viện tại Việt Nam triển khai. May mắn là Bệnh viện FV không chỉ thực hiện tốt thủ thuật hóa trị nội động mạch, mà còn áp dụng song song các phương pháp khác để điều trị toàn diện, cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.
Phác đồ điều trị mà bác sĩ Danh chỉ định cho An Hạ là bơm thuốc hóa trị trung bình 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng, đến khi hình ảnh học MRI hoặc soi đáy mắt không còn bằng chứng của khối u. Trong lần can thiệp đầu tiên, bệnh nhi được thực hiện thủ thuật tại phòng Cathlab của Bệnh viện FV, với sự phối hợp của ê kíp gồm bác sĩ can thiệp hóa trị nội động mạch, bác sĩ gây mê hồi sức chuyên gây mê trẻ em và bác sĩ nhi.
Kỹ thuật này giúp bệnh nhi giảm đau đớn vì thuốc hóa trị được bơm “trúng đích” thay vì toàn thân, rút ngắn thời gian hồi phục bởi ít xâm lấn, giảm nguy cơ gặp biến chứng.
“Nửa tháng sau khi thực hiện thủ thuật và tái khám, khối u nhỏ lại 20-30%. Đây là kết quả rất khả quan. Bác sĩ dặn tôi cố gắng cho con theo liệu trình điều trị để giữ được mắt trái, không di căn lên não”, mẹ An Hạ hạnh phúc kể lại.
Ánh mắt lấp lánh, chị không ngừng nói lời cám ơn “người thầy thuốc nhiệt tình, dễ thương hiền hậu” đã nỗ lực giữ lại tia sáng cuối cùng cho đôi mắt của con gái.
Câu chuyện đằng sau ca bệnh kỳ tích mang tên An Hạ khép lại, nhưng cũng mở ra chương mới trên hành trình sự nghiệp của bác sĩ Huỳnh Hữu Danh tại Bệnh viện FV - nơi anh tiếp tục hiện thực hóa tâm huyết về kỹ thuật hóa trị nội động mạch nói riêng và can thiệp mạch nói chung.
Say mê công việc, tận tụy với bệnh nhân như người thân
Khi đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bác sĩ Danh vừa học, vừa làm, vừa tìm cơ hội liên hệ với các giáo sư nước ngoài để trao đổi chuyên môn. Sau nhiều nỗ lực, anh cũng đợi được các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam “cầm tay chỉ việc”. Với một bác sĩ trẻ, đây là nền tảng kiến thức vô giá, tạo nền móng cho những bước tiến chuyên môn về sau như khóa đào tạo Hình ảnh học can thiệp tại King Hamad University Hospital, Bahrain năm 2019 và khóa điều trị bệnh lý đột quỵ năm 2020.
Trong suốt quá trình công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bác sĩ Danh thực hiện thành công hàng trăm ca khó, đòi hỏi bản lĩnh và tay nghề cao. Với nền tảng chuyên môn tốt, anh nhuần nhuyễn các kỹ thuật can thiệp phức tạp, trong đó có thuyên tắc dị dạng động tĩnh mạch não đã vỡ, tiêm xơ dị dạng tĩnh mạch, thuyên tắc mạch cho bệnh nhân ung thư, lấy huyết khối cấp tính... với tỷ lệ biến chứng rất thấp.
Nhưng bên cạnh những thành quả, những ca bệnh hiểm nghèo, thể bệnh không giống nhau khiến bác sĩ Danh không ngừng trăn trở. Nguyên tắc điều trị cho người lớn và trẻ nhỏ là giống nhau, tuy nhiên bệnh lý của trẻ em khác biệt, dị dạng mạch máu nhiều hơn, mạch máu nhỏ hơn; trong khi người lớn thì chủ bị yếu xơ vữa động mạch, mạch máu cong hơn trẻ em…
Để linh hoạt và cá nhân hóa trong điều trị, người làm nghề y cần trau dồi và nâng cao tay nghề liên tục. Xuất phát từ tâm niệm đó, bác sĩ dành nhiều thời gian để nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật mới, với mục tiêu mang lại phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
“Khiêm tốn chính là một phần tạo nên y đức”
Giữa tháng 7/2024, bác sĩ Danh bắt đầu công tác tại Bệnh viện FV. Dưới sự hỗ trợ của lãnh đạo và đồng nghiệp, bác sĩ Danh đã có cơ hội triển khai thành công các kỹ thuật hóa trị nội động mạch, bước đầu mang đến hy vọng mới cho người bệnh.
“Tôi nhận thấy môi trường làm việc rất thoải mái, đồng nghiệp giỏi chuyên môn và tốt bụng”, bác sĩ Danh chia sẻ.
Là người sát cánh làm việc cùng bác sĩ Danh trong các ca can thiệp, anh Lâm Văn Kiệt - Trưởng nhóm Cathlab, Bệnh viện FV - cho biết không ít lần bác sĩ đối mặt những ca khó. Căng thẳng, tập trung cao độ nhưng anh luôn giữ thái độ hòa nhã, gần gũi để tạo sự thoải mái cho cả ê kíp, đảm bảo mọi người phối hợp nhịp nhàng, đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc.
Trải qua 8 năm gắn bó với nghề y dẫu nhiều thăng trầm, vị bác sĩ trẻ vẫn luôn khắc ghi lời dạy vô giá từ người thầy đáng kính về sự khiêm tốn.
“Tôi may mắn khi được học hỏi từ một trong những bác sĩ can thiệp đầu tàu ở miền Nam. Dù rất giỏi, anh chưa bao giờ tự cao, luôn tận tâm với bệnh nhân và sẵn lòng truyền thụ kiến thức - kinh nghiệm cho bác sĩ trẻ. Tôi xem anh như thần tượng, luôn ghi nhớ dạy để học tập và phát triển”, bác sĩ Danh tâm sự.
Gương mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm là điều mà mọi người cảm nhận trong lần đầu tiếp xúc với bác sĩ Danh, nhưng chính sự khiêm tốn và tận tụy với người bệnh mới là điều đọng lại trong tâm trí của người trò chuyện. Dẫu kiệm lời khi nói về thành tựu đã đạt được, bác sĩ Danh lại có thể say sưa nói về những kỹ thuật y khoa mới. Với anh, đây là cơ hội để người bệnh được tiếp cận những phương pháp điều trị tối ưu hơn, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của nền y học nước nhà.