Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của TS Nguyễn Đức Nhật - Trung tâm trị liệu Tâm lý Touching Soul
Thử hình dung một viễn cảnh bạn là nữ và một ngày bạn ngủ dậy bỗng thấy mình đang ở trong một hình hài nam giới. Bạn cố gắng giải thích cho người xung quanh hiểu bản chất của mình là một phụ nữ, bạn muốn mặc váy, trang điểm, để tóc dài, và làm tất cả hoạt động của phái nữ.
Song, mọi người đều không thể hiểu bạn lấy đâu ra ý nghĩ ấy. Họ chế nhạo, chỉ trích bạn là kẻ bệnh hoạn, đua đòi, hay thậm chí còn bắt bạn phải cởi sạch quần áo để chứng minh giới tính của mình. Kể cả gia đình nhất quyết ép bạn phải sống cho đúng giới tính của cơ thể hiện tại, vì đó là con người duy nhất họ biết và chấp nhận là bạn. Cũng cùng một bối cảnh như thế, nếu bạn là nam giới, hãy hình dung trải nghiệm khi ở trong thân xác nữ giới. Với tình cảnh như thế, bạn sẽ cảm thấy như thế nào?
Các suy tư trên có thể sẽ khá xa lạ đối với đại đa số chúng ta, nhưng những tình cảnh này phản ánh trải nghiệm của rất nhiều người chuyển giới phải trải qua mỗi ngày kể từ lúc họ nhận thức về bản dạng giới của mình.
Một đứa trẻ khi sinh ra sẽ được người lớn ấn định giới tính sinh học là nam hoặc nữ, thông thường là dựa trên cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, một người sẽ có cảm nhận về bản dạng giới của mình đồng nhất hoặc khác biệt với giới tính sinh học của mình.
Bức bối giới là tình trạng người chuyển giới cảm nhận rõ ràng bản dạng giới của họ khác biệt với giới tính ấn định khi sinh ra. |
Bản dạng giới do tâm trí quyết định thay vì do cơ thể tự nhiên. Người hợp giới là các cá nhân có bản dạng giới đồng nhất và tương hợp với các vai trò xã hội của giới tính sinh học. Nói cách khác, đó là những người sinh ra là nam và thấy mình là đàn ông hoặc sinh ra là nữ và thấy mình là phụ nữ. Trái lại, người chuyển giới lại cảm nhận mạnh mẽ và rõ ràng về bản dạng giới của họ khác biệt với giới tính ấn định khi sinh ra, đó là tình trạng bức bối giới. Ở các cá nhân này tồn tại một thôi thúc mãnh liệt thay đổi cơ thể hay các mặt đời sống xã hội của họ để phù hợp với bản dạng giới của mình.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên tất cả con số này trên thực tế có thể cao hơn báo cáo, do các e ngại về kỳ thị. Dù quan niệm xã hội ở Việt Nam đã cởi mở hơn, các nhóm thiểu số “lệch chuẩn” xã hội về bản dạng giới và xu hướng tính dục vẫn phải đối mặt với đa tầng phân biệt đối xử, trở ngại trong tiếp cận các dịch vụ công lẫn thiếu vắng sự thừa nhận và bảo vệ về mặt pháp lý.
Xã hội thường quá bận tâm tại sao một người lại muốn thay đổi giới tính của mình và đôi khi dán nhãn chuyển giới là một căn bệnh, trào lưu, giả vờ, học đòi. Đây là một diễn trình phức tạp của các mặt sinh học, tâm lý, xã hội và có tính chất bẩm sinh. Về mặt phát triển, một đứa trẻ trước tuổi lên 4 đã có ý niệm rõ ràng về bản dạng giới của mình và có thể xuất hiện bức bối giới nếu cảm nhận bản thân khác biệt với giới tính được ấn định.
Việc một người muốn chuyển giới không phải hệ quả của cách nuôi dạy, môi trường xã hội, hay do tác động của sang chấn. Các nghiên cứu thần kinh xác nhận người chuyển giới có các đặc điểm não bộ tương đồng với giới tính họ cảm nhận ở mình, thay vì giới tính được ấn định khi sinh ra. Chịu đựng tình trạng bức bối một thời gian dài dễ kéo theo các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống, cho đến các hành vi nguy cơ như nghiện chất, tự hại, hay tự tử.
Bức bối giới nên được nhìn nhận là tình trạng sức khỏe cần được hỗ trợ y tế lẫn tâm lý phù hợp nhằm giúp người chuyển giới được sống đúng với giới tính họ mong muốn. Hiện nay, tại Việt Nam có rất ít cơ sở và nhân lực có chuyên môn lẫn thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ chất lượng cho cá nhân và gia đình người chuyển giới. Để thay đổi thực trạng này cần có sự chung tay phối hợp của gia đình, cơ quan đoàn thể, các nhà chuyên môn và ban ngành.
Chẳng hạn, các chương trình giáo dục, phổ biến về đa dạng giới và tính dục trong môi trường học đường sẽ giúp nâng cao nhận thức cá nhân lẫn cộng đồng, xóa đi các hiểu biết sai lệch và kỳ thị về người chuyển giới. Trước khi một cá nhân quyết định can thiệp nội tiết tố hay giải phẫu, điều cần thiết là người đó được tư vấn tâm lý để xử lý tình trạng bức bối giới, cũng như ý thức rõ về tiến trình chuyển đổi giới tính. Cuối cùng ở bình diện vĩ mô, các thông tư và chỉ đạo liên ngành có vai trò quan trọng trong kết nối nguồn lực và hướng đến xây dựng hệ thống chăm sóc toàn diện cho người chuyển giới tại Việt Nam.