“6-7 năm trước, Australia gần như chưa có cơ chế, quy định cụ thể về năng lượng tái tạo ngoài khơi, cũng như không có đề xuất nghiêm túc từ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, 2 năm trước, chúng tôi thiết kế hệ thống để xây dựng năng lượng tái tạo ngoài khơi".
Đó là chia sẻ về kinh nghiệm của Australia từ giáo sư David Leary - Đại học Công nghệ Sydney (Australia) - tại hội thảo Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề: “Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với quá trình chuyển đổi xanh”. Sự kiện được tổ chức vào ngày 23/3, do Học viện Ngoại giao Việt Nam và viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức.
Vị giáo sư nói thêm: "Luật này đã có hiệu lực, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp đầu tư. Xây dựng năng lượng tái tạo ngoài khơi từng được coi là không khả thi về mặt tài chính, nhưng tới nay đã có khoảng 20 đề xuất dự án trang trại điện gió ngoài khơi".
"Không phải mọi đề xuất đều có thể hiện thực hóa, nhưng điều này cho thấy mối quan hệ mật thiết của khung pháp luật với thu hút đầu tư điện gió ngoài khơi”.
Ông Leary dẫn câu chuyện trên sau khi nhận định hiện tại, nhiều quốc gia chưa có quy định cụ thể về năng lượng tái tạo ngoài khơi. Với những quốc gia đã có cơ chế, luật thường phức tạp, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
“Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cấu trúc, cơ chế pháp luật rõ ràng, tường minh. Bất cứ quốc gia nào muốn tận dụng tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi đều cần thiết kế và ban hành hệ thống pháp luật trong nước rõ ràng, nhằm hiện thực hóa quyền chủ quyền trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế”, vị giáo sư nhận định.
Không chỉ vậy, ông Leary còn cho rằng các nước cần thực hiện nghĩa vụ của quốc gia ven biển, tránh xung đột: “Điều quan trọng là thể hiện vai trò quan trọng của cơ chế ngoại giao thiện chí, hợp tác trong giải quyết tất cả vấn đề liên quan tới năng lượng tái tạo ngoài khơi”.
Cần quy hoạch không gian biển trước
Trong buổi hội thảo, giáo sư Llewelyn Hughes - thuộc Đại học Quốc gia Australia - đã nêu lên 3 điểm không chắc chắn về tương lai, công nghệ, chi phí của điện gió ngoài khơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong số đó chính là xây dựng chuỗi cung ứng, đổi mới và đặc biệt quan trọng là chính sách công, “bởi chính sách sẽ dẫn tới chi phí và công nghệ”.
Ông Hughes nêu một số yếu tố giúp giảm chi phí trước và sau năm 2030. “Kịch bản đầu tiên là chính sách một cửa, khi cơ chế điều tiết sẽ thông thoáng và dễ kiểm soát hơn. Điểm thứ 2 là chỉ tiêu về mặt chính sách cần ổn định, hiểu một dự án từ khi bắt đầu đến lúc vận hành và hoàn tất, nhằm khích lệ sự hứng thú từ các nhà đầu tư”, ông nói.
Giáo sư dẫn ví dụ về Australia, khi vào năm 2021, chính phủ liên bang đã ban hành luật về cơ sở hạ tầng điện ngoài khơi. Ông cho rằng chính sách này rất phù hợp, trong đó thiết lập cơ chế cho phép cung cấp giấy ủy quyền ở các khu vực cụ thể, cũng như bộ máy điều tiết để quản lý và cung cấp hỗ trợ liên quan,...
“Ở Australia có 4 loại giấy phép. Giấy phép tính khả thi, như hình thức đấu thầu cạnh tranh, với thời hạn 7 năm ghi rõ loạt yếu tố cần phải đánh giá. Thứ hai là giấy phép thương mại, với thời hạn 40 năm. Có một số loại giấy phép khác như nghiên cứu, chuyển giao hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông liệt kê.
Quang cảnh một phiên thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 10 tổ chức ở Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN. |
Trong khi đó, ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) - cho biết trên thế giới, có 2 phương thức để chính phủ xây dựng chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, đó là cạnh tranh một vòng và cạnh tranh 2 vòng.
Về cạnh tranh 2 vòng, vòng một bao gồm việc chính phủ cho thuê khu vực biển, vòng hai là bỏ thầu. Theo đó, chính phủ lựa chọn nhà thầu để giao khu vực cho công ty xây dựng các dự án. Sau khoảng 2-3 năm, chính phủ sẽ thực hiện vòng thứ 2, cạnh tranh về giá. Mô hình này áp dụng thành công nhất ở Vương quốc Anh. Trong khi đó, cạnh tranh một vòng là chính phủ chỉ định khu vực biển, sau đó kêu gọi các công ty đấu thầu về giá.
Ông Thắng cho biết tại Việt Nam ưa thích cạnh tranh hai vòng hơn, khi giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, bởi khi giao vùng biển cho công ty thì công ty sẽ là bên bỏ tiền. Tuy nhiên, khi chính phủ giao cho nhà đầu tư vùng biển để triển khai dự án, thì Việt Nam cần có quy hoạch không gian biển trước.
Hợp tác năng lượng xoa dịu căng thẳng địa chính trị
Cũng trong chiều 23/3, tiến sĩ Aswani RS - Đại học Nghiên cứu Dầu khí và Năng lượng, Ấn Độ, nhận định những bất đồng tại Biển Đông không chỉ liên quan tới địa chính trị giữa các quốc gia, mà còn cả về năng lượng.
Vị diễn giả nhận định khu vực Biển Đông trong tương lai sẽ ngày càng bận rộn hơn, một phần là nhờ các dự án điện ngoài khơi. Những dự án này đòi hỏi diện tích và đầu tư lớn, cần có quy hoạch không gian biển nhằm tăng mức độ lợi nhuận cho nhà đầu tư, cũng như đảm bảo bền vững cho hệ sinh thái.
"Điểm quan trọng là chúng ta cần đảm bảo an toàn cho tuabin gió, bên cạnh tạo ra vùng năng lượng tái tạo ngoài khơi, góp phần đảm bảo an ninh của các tuabin điện gió và khu vực nhà máy điện", bà nói.
Ngoài ra, vị tiến sĩ cho rằng quy hoạch không gian biển còn giúp các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp với vị trí, đặc điểm của họ. Hơn nữa, họ cũng có thể áp dụng công nghệ theo phương thức chuẩn hóa, dựa trên đặc điểm của mặt biển hoặc đáy biển.
Cần có chính sách rõ ràng nếu muốn tận dụng tiềm năng của năng lượng tái tạo ngoài khơi. Ảnh: Reuters. |
"Tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của hydro xanh. Hydro xanh có thể áp dụng vào giai đoạn không có gió hoặc gió yếu, qua đó tăng hiệu suất của nhà máy điện. Chúng ta cũng có thể xuất khẩu hydro xanh qua các thị trường khác, tạo ra nguồn doanh thu mới cho các nhà đầu tư", bà Aswani RS nói thêm.
Từ đó, bà nhận định phát triển bền vững là quá trình, hướng tới vượt qua những bất đồng về địa chính trị nhằm đạt mục tiêu về một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
"Năng lượng tái tạo và năng lượng điện gió ngoài khơi có tiềm năng thúc đẩy phát triển bền vững, xóa bỏ bất đồng về địa chính trị trong khu vực. Lĩnh vực này cũng có thể làm thay đổi cơ cấu cân bằng về năng lượng trong khu vực, vì sẽ tạo ra mối quan hệ hợp tác, cơ hội để chia sẻ kiến thức", tiến sĩ kết luận.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.