Tai biến mạch máu não là bệnh nghiêm trọng. Bệnh không chỉ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba mà còn khiến người mắc tàn phế số một trên thế giới trong các loại bệnh tật.
Bệnh có thể khiến một người đang có sinh hoạt bình thường đột ngột liệt nửa người (méo miệng, liệt tay, chân một bên). Nếu may mắn sống sót, nhiều bệnh nhân phải sống cảnh tàn phế trong phần đời còn lại. Phần lớn họ đều suy sụp tinh thần, từ một người độc lập hay đang gánh vác trọng trách trong gia đình, xã hội lại trở thành gánh nặng cho người thân về nhiều mặt. Không ít trường hợp còn phải lệ thuộc vào người khác cả việc vệ sinh cá nhân.
Tai biến mạch máu não xảy ra khi một hoặc nhiều mạch máu não bị tắc lại hoặc vỡ ra khiến vùng não được các mạch máu này nuôi ngưng hoạt động. Chúng sẽ chết đi nếu tuần hoàn không được tái lập nhanh chóng.
Khoảng 80-85% các trường hợp mắc bệnh là do tắc mạch máu não. Trong đó, đa số là do có huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch. Nếu cục máu đông được làm tan đi, tuần hoàn tái lập kịp thời sẽ cứu được mô não giúp người bệnh giảm nguy cơ tử vong và tàn phế.
Kịp thời là một yêu cầu quan trọng và khó khăn để đạt được. Mô não chỉ chịu đựng được sự thiếu máu nuôi rất ngắn so với những mô khác trong cơ thể. Do đó, yếu tố thời gian rất quan trọng.
Giải pháp làm tan huyết khối tái lập tuần hoàn não đã được y học thế giới trăn trở trong nhiều năm trước đây nhưng không thành công. Một số thuốc có thể làm tan huyết khối và cũng được sử dụng trong những bệnh lý có huyết khối khác như nhồi máu cơ tim và đạt thành công nhất định như Streptokinase.
Tuy nhiên, những thử nghiệm điều trị trên bệnh lý tắc mạch não không thành công, nguy cơ tử vong hoặc chuyển nặng cao hơn diễn biến tự nhiên của bệnh khá lớn, chủ yếu do biến chứng xuất huyết nên không thể chấp nhận.
Ước mơ cứu mô não đã thành hiện thực
Năm 1987, Alteplase, rTPA được FDA Mỹ phê chuẩn cho sử dụng trong điều trị nhồi máu cơ tim. Alteplase, rTPA (recombinant tissue plasminogen activator: chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp) là thuốc tổng hợp với công nghệ DNA tái tổ hợp, có tác dụng giống như chất hoạt hóa plasminogen - mô của cơ thể. Alteplase làm tan cục máu đông bằng cách phân hủy fibrin (sợi huyết).
Năm 1995, một nghiên cứu của Viện Quốc gia về Bệnh Thần kinh và Đột quỵ Mỹ cho thấy hiệu quả to lớn của rTPA trong điều trị TBMMN do tắc mạch não. Liệu pháp làm giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế đáng kể mà nguy cơ chảy máu không cao.
Có đến 80-85% các trường hợp bị TBMMN là do tắc mạch máu não. Ảnh: Mdlinx. |
Thông tin về liệu pháp mới đã khuấy động ngành thần kinh thế giới. Những thông tin này được các bác sĩ thần kinh Việt nam, thường chịu trách nhiệm điều trị tai biến mạch máu não, rất phấn khích, sôi nổi theo dõi, thảo luận.
Trước liệu pháp rTPA, việc điều trị tai biến do tắc mạch não giai đoạn cấp tại Việt Nam cũng chủ yếu là điều trị nâng đỡ, điều trị bệnh kèm theo và các biến chứng. Các phương pháp này tương tự hàng chục năm trước đó dù hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của bệnh đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ước mơ làm tan được cục máu đông sớm trong não để tái lập được tuần hoàn nuôi não, cứu lấy mô não vẫn là ước mơ.
Với liệu pháp rTPA, ước mơ đó đã có thể thành hiện thực. Phương pháp này giúp làm tan cục máu đông và ít gây biến chứng chảy máu. Lợi ích của thuốc vượt xa nguy cơ.
Bước tiến quan trọng
Tại TP.HCM, năm 2005, GS Lê văn Thành, chủ nhiệm bộ môn Thần kinh Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và các bác sĩ khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định với trưởng khoa là BS Phan công Tân đã đi những bước đầu tiên trong việc sử dụng liệu pháp rTPA điều trị tai biến mạch máu não.
Sau 4 trường hợp được áp dụng liệu pháp này, GS Lê văn Thành quyết tâm bước vào ứng dụng rTPA bài bản, khoa học, thuyết phục hơn. Ông quyết định tiến hành nghiên cứu ứng dụng đa trung tâm.
Đề tài "Điều trị tiêu huyết khối đường tĩnh mạch trên bệnh nhân nhồi máu não cấp trong 3 giờ tại TP.HCM" được đăng ký là nghiên cứu khoa học cấp thành phố với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Giáo sư Lê văn Thành và BSCKII Nguyễn Thị Kim Liên là đồng chủ nhiệm.
Trong suốt hơn một năm sau đó, GS Lê văn Thành và 3 cơ sở y tế (Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện 115) đã tích cực chuẩn bị để thực hiện nghiên cứu này. Tất cả quy trình trị liệu đều theo Hướng dẫn điều trị của AHA/ ASA (Hiệp hội Tim Mỹ/Hiệp hội Đột quỵ Mỹ).
Để đạt chuẩn một hướng dẫn điều trị của nền y học như Mỹ, GS Lê văn Thành và các bệnh viện tham gia nghiên cứu, đặc biệt là các khoa thần kinh phải nỗ lực rất nhiều.
Tiêu chuẩn chỉ được dùng thuốc trong 3 giờ kể từ thời điểm khởi phát bệnh đã buộc phải xem tai biến mạch máu não là cấp cứu tối khẩn. Điều đó đòi hỏi bệnh viện phải có chuỗi hành động nhịp nhàng, khoa học của tất cả bộ phận liên quan để thu ngắn thời gian chẩn đoán ra quyết định dùng thuốc. Vì vậy, nó vượt khỏi tầm điều hành của một khoa thần kinh.
Người tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên phải nhận ra tình trạng tai biến mạch máu não để kích hoạt quy trình cấp cứu, bước đầu tiên là gọi bác sĩ trực đột quỵ. Tất cả phải theo quy trình nghiêm ngặt và người có liên quan phải được huấn luyện, hiểu rõ mục tiêu của hoạt động, vai trò từng người.
Thông tin về liệu pháp điều trị đột quỵ mới đã khuấy động ngành thần kinh thế giới. Ảnh minh họa. Centerforbetterhearing. |
Cùng lúc với việc triển khai liệu pháp rTPA ở 3 bệnh viện, GS Lê Văn Thành cũng quan tâm việc phổ cập kiến thức về liệu pháp mới qua truyền thông. Bên cạnh đó, ông mở nhiều lớp huấn luyện về liệu pháp này cho các bác sĩ thần kinh phía Nam.
Hiệu quả của liệu pháp trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong, phục hồi vận động cho bệnh nhân rất ngoạn mục. Một bệnh nhân nhập viện liệt nửa người, ngày sau đó đã tự đi lại được không còn là hình ảnh hiếm gặp.
Nghiên cứu cứu này đã cho thấy 43% bệnh nhân có phục hồi vận động ở mức độ tự sinh hoạt hàng ngày ở thời điểm 3 tháng sau khởi bệnh.
Một nghiên cứu của Bệnh viện An Bình so sánh tỷ lệ tử vong trước và sau khi thành lập Đơn vị đột quỵ có sử dụng liệu pháp rTPA là 10,58%/5,56% đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não do tắc mạch não.
Đề tài trên được tổ chức đánh giá và nghiệm thu vào ngày 27/8/2010 tại Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM. Đồng thời, nghiên cứu được báo cáo trong Hội nghị Đột quỵ Việt Nam vào tháng 10/2010 và đăng trên European Journal of Neurology.
Liệu pháp tiêu huyết khối với rTPA là một giải pháp cấp cứu, giúp giảm tàn phế cho bệnh nhân ở thời điểm mạch não bị tắc. Đây không phải là giải pháp trị liệu tận gốc nhưng rất quan trọng vì khi bệnh nhân đã tàn phế, các trị liệu khác nhằm giải quyết nguyên nhân, phòng ngừa tái phát cũng giảm ý nghĩa rất nhiều.
Hiện nay, cùng với việc đưa vào hoạt động các đơn vị đột quỵ, liệu pháp tiêu huyết khối đường tĩnh mạch vẫn là hòn đá tảng trong điều trị tai biến mạch máu não do tắc mạch não như Hướng dẫn điều trị đột quỵ 2021 của châu Âu vừa tái khẳng định. Năm 2019, rTPA đã được WHO đưa vào danh mục thuốc thiết yếu toàn cầu cho điều trị đột quỵ do tắc mạch não.
Tại Việt Nam, đến nay, liệu pháp tiêu huyết khối đường tĩnh mạch đã được triển khai nhiều nơi trên toàn quốc, góp phần tích cực trong điều trị TBMMN.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn là nguyên Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện An Bình, TP.HCM.