Bệnh viện nơi đảo xa
Tâm sự về câu chuyện nghề của mình, thạc sĩ Lĩnh đôi chút nghẹn giọng vì xúc động khi nhắc tới niềm hạnh phúc mà ông nhận được từ bà con nhân dân quanh đây.
Bác sĩ Lĩnh tới dự đại hội thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ 6. |
Đảo Phú Quý nằm giữa biển Đông, cách xa đất liền 100km, giao thông đi lại giữa đảo và đất liền vô cùng khó khăn, phức tạp, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thất thường, khi có những đợt sóng to, gió lớn kéo dài liên tục nhiều ngày.
Những khó khăn đó làm ảnh hưởng rất nhiều tới công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là việc vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ đảo vào đất liền.
Cách đây 29 năm bác sĩ Lĩnh được Sở Y tế Thuận Hải điều động ra Đảo cùng với một số cán bộ y tế khác để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân, và lực lương vũ trang đóng trên đảo tiền tiêu của tổ quốc. Đó là thời kỳ bao cấp, khi đời sống bà con dân đảo và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn.
Thạc sĩ Lĩnh kể, trên đất liền khó một thì nơi đầu song ngọn gió như đảo Phú Quý còn nhân lên gấp bội. Huyện đảo Phú Quý những năm ấy cái gì cũng thiếu, đường xá trên đảo chưa “tượng hình”, bốn bề toàn cát trắng.
Bệnh viện Phú Quý không hơn gì một trạm y tế xã. Khu điều trị bệnh nhân là căn nhà cấp 4 rộng 360 mét vuông. Máy móc trang thiết bị y tế là những thiết bị cơ bản như ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế.
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng chứ không có máy siêu âm, chụp xquang, xét nghiệm như hiện tại. Vì vậy các bác sĩ của bệnh viện phải kiên trì, chịu khó khám đi khám lại nhiều lần. Ghi chép so sánh giữa lần khám sau và lần khám trước mới đi đến kết quả cuối cùng với tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn.
Bác sĩ Lĩnh và các đồng nghiệp giải quyết thành công nhiều ca bệnh trên đảo, đem lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh cận kề cái chết.
Bác sĩ Lĩnh tới dự đại hội thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ 6. |
Trong điều kiện khó khăn của bệnh viện không có ánh sáng điện, không có thiết bị, không có dụng cụ phẫu thuật các bác sĩ của bệnh viện quân y huyện đảo đã sử dụng những gì mình có như đèn dầu, bếp dầu, bàn sanh (bàn đẻ), máy hút đạp chân để tiến hành phẫu thuật cứu sống nhiều người bệnh một cách không tưởng.
Ca mổ để đời của bác sĩ
Gần 30 năm gắn bó với nơi đảo xa, thạc sĩ Lĩnh đã khám và cứu sống hàng nghìn ca bệnh hiểm nghèo. Nhớ về quãng thời gian ở đây, giọng bác sĩ Lĩnh vui vẻ khi kể về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Mọi ở xã Long Hải bị viêm ruột thừa khi đang đánh bắt hải sản xa bờ.
Khi về đến đảo đã chuyển thành viêm phúc mạc toàn thể sau 20 ngày ủ bệnh trên biển. Để thực hiện ca mổ, các bác sĩ đã phải hấp dụng cụ bằng bếp dầu, hút dịch bằng máy hút đạp chân không, ánh sáng mổ lấy từ máy phát điện mượn của người dân địa phương.
Giọng bác sĩ Lĩnh trầm xuống khi nhớ về ca mổ để đời của người bác sĩ khi dụng cụ thiết bị thiếu, thô sơ là vậy nhưng mở ổ bụng bệnh nhân ra, khó khăn nhân lên gấp bội. Ổ bụng đầy mủ đặc quánh màu socola. Các bác sĩ đã phải hút sạch mủ ở ổ bụng, lấy 1 số quai ruột và ruột thừa đã hoại tử tím đen.
“Để có được ca mổ thành công tôi và hai kỹ thuật viên gây mê hồi sức đã phải thay nhau ăn ngủ bên giường bệnh nhân suốt 10 ngày đêm liên tục để chăm sóc, hút dịch cho ruột được thông.
Niềm hạnh phúc khi tiếp tục được sống, đi biển đánh cá của bệnh nhân Nguyễn Mọi cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi và các đồng nghiệp từ đó đến nay. Đó là kết quả của tinh thần yêu thương người bệnh khắc phục khó khăn đem lại sự sống cho người bệnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – bác sĩ Lĩnh xúc động.
Trong những năm gần đây, Bệnh viện Quân y huyện đảo Phú Quý đã được xây dựng cơ sở vật chất khang trang, thiết bị y tế được bổ sung nhưng giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển tuyến của đơn vị.
Với tinh thần yêu thương người bệnh, ý trí quyết tâm khắc phục khó khăn bác sĩ Lĩnh cùng các đồng nghiệp đã giải quyết nhiều ca bệnh cấp cứu tại chỗ nhiều cách thành công mà lẽ ra những bệnh nhân đó phải chuyển lên tuyến trên theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đã được quy định.
Nhiều lần muốn chuyển tuyến bệnh nhân, các bác sĩ lại lo không biết tính mạng của những bệnh nhân đó sẽ như thế nào khi phải vượt qua hải trình hơn 100km trong điều kiện sóng to, gió lớn. Và cứ như thế họ quyết tâm cao độ để cứu chữa cho bệnh nhân.
Để có được thành công đó, bác sĩ Lĩnh thầm cảm ơn bà con nhân dân huyện đảo đã hỗ trợ bệnh viện rất nhiều. Bác sĩ cho biết “nếu bà con nhân dân địa phương không mang máy phát điện cho chúng tôi mượn thắp sáng để phẫu thuật thì bác sĩ không thể thực hiện được những ca phẫu thuật đó”.
Cuộc đời làm bác sĩ của người thầy thuốc quê lúa Thái Bình ấy mang nặng ưu tư khi nhắc tới gia đình của mình. Có lúc, giọng ông lạc đi vì nghĩ đến vai trò người con trai duy nhất trong gia đình mình. Bác sĩ Lĩnh là con nhưng cả hai đám tang của cha và mẹ mình ông không về để chịu tang kịp.
Mỗi lần ông định chia tay đảo để về quê, về đất liền là người dân lại giữ ông ở lại. Thấm thía tình cảm của bà con huyện đảo tiền tiêu ấy, bác sĩ Lĩnh đã ba lần quyết định về quê nhưng rồi lại thôi.