Cà phê trứng là thức uống phổ biến của người dân Hà Nội, nhất là vào những ngày trời se lạnh. Tách cà phê trứng "nồng nàn Hà Nội" níu giữ vị giác thực khách bởi vị đắng, thơm nồng của cà phê hòa quyện cùng lớp trứng sữa béo thơm, ngọt ngào. Ảnh: Lesbaget. |
Cà phê trứng ngon hơn khi được thưởng thức lúc còn ấm. Lớp cà phê đậm đà thường được cho vào đáy cốc, sau đó là lớp trứng đánh kem sánh mịn phủ bên trên. Khi thưởng thức, bạn có thể trộn đều 2 thành phần này để vị đắng, ngọt, béo được hòa quyện. Ảnh: Mokhoet_hanoi. |
Cà phê muối là thức uống được người dân xứ Huế nhâm nhi vào mỗi sáng sớm. Một cốc cà phê muối được phục vụ rất đơn giản, chỉ với một ít sữa lên men với muối, một phin cà phê nhôm truyền thống cùng vài viên đá con... Ảnh: Lantrannn. |
Vị mặn mà của muối cộng hưởng béo thơm của váng sữa, cân bằng đắng đậm đà của cà phê sẽ khiến bạn "say" ngay lần đầu thưởng thức. Tỷ lệ muối, sữa, cà phê sẽ quyết định hương vị của thức uống. Nếu cho quá nhiều muối, vị mặn sẽ lấn át vị béo, thơm của cà phê, sữa. Ngược lại, nếu quá nhiều cà phê hay sữa, thức uống sẽ rất đắng hoặc rất ngấy. Ảnh: Candykun107. |
Cà phê cốt dừa là thức uống được thực khách ưa chuộng tại TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung. Món này là sự kết hợp của các nguyên liệu như cốt dừa, dừa bào sợi, cà phê, sữa tươi, thạch cà phê... Hương vị béo ngậy của cốt dừa hòa quyện cùng vị đắng quyến rũ của cà phê kích thích vị giác của bạn. Món này không có công thức chung, tùy vào từng nơi sẽ gia giảm thêm một vài nguyên liệu như kem dừa, dừa khô... Ảnh: Angibando. |
Có nguồn gốc ở nhiều nước châu Âu, cà phê viên là thức uống được nhiều người Việt yêu thích về sự tiện lợi. Cà phê được cho vào khuôn, đông đặc trong tủ lạnh, khi thưởng thức sẽ lấy vài viên đá cà phê cho vào cốc, thêm sữa tùy thích. Bạn có thể nhâm nhi món này mà không sợ vị cà phê bị nhạt đi. Bởi đá càng tan, hương vị đậm đà của cà phê càng lan tỏa. Ảnh: Delish.com. |