Chương trình âm nhạc do đài truyền hình tổ chức và phát sóng thường được coi như một phần quan trọng trong quá trình hoạt động của ca sĩ thần tượng Kpop.
Không ít người cho rằng để đạt hiệu quả quảng bá tối đa, thần tượng cần tích cực tham gia chương trình âm nhạc mỗi khi phát hành ca khúc mới. Đặc biệt, trong quan niệm của người hâm mộ Kpop, chỉ ngôi sao nổi tiếng, gặt hái thành tích đáng kể mới có thể tham dự lễ hội âm nhạc cuối năm do đài truyền hình thực hiện.
Lễ hội âm nhạc cuối năm được coi như nơi quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng hàng đầu. Ảnh: Naver. |
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, vị thế của show âm nhạc đã có nhiều biến đổi. Khi nhu cầu dành cho concert không tiếp xúc trực tiếp gia tăng dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc vô số công ty quản lý sở hữu công nghệ hiện đại giúp họ tự sản xuất nội dung giải trí chất lượng cao, tờ Kookmin Ilbo nhận xét rằng dường như "không còn nhiều lý do để Kpop tập trung vào chương trình âm nhạc tại đài truyền hình nữa".
Đài truyền hình kiếm lợi từ fancam
Nếu so sánh với nội dung giải trí khác do nhà đài công chiếu, điển hình như chương trình thực tế và phim truyền hình, show âm nhạc hàng tuần có mức tỷ suất người xem thấp đáng kể. Thông thường, rating của chương trình âm nhạc chỉ nằm trong khoảng 0-2%. Điều này khiến nhiều khán giả thắc mắc về nguồn lợi nhuận giúp show âm nhạc hàng tuần - nơi cần sử dụng nhiều thiết bị, công nghệ, đạo cụ đắt đỏ - có thể duy trì phát sóng.
Kookmin Ilbo tiết lộ rằng bên cạnh tỷ suất người xem, show âm nhạc còn kiếm tiền thông qua đăng tải fancam của nghệ sĩ lên nền tảng mạng xã hội.
Ban đầu, "fancam" là từ chỉ video quay cận cảnh người nổi tiếng. Loại video này thường do người hâm mộ thực hiện ghi hình. Tuy nhiên, bên cạnh fan Kpop, đài truyền hình Hàn Quốc đã trở thành đối tượng sử dụng văn hóa này nhiều nhất.
Bằng cách tận dụng kỹ thuật được họ tích lũy qua nhiều thập kỷ, điển hình như công nghệ dàn dựng sân khấu và kỹ năng chỉnh sửa video, fancam do đài truyền hình đăng tải giúp thỏa mãn nhu cầu theo dõi nghệ sĩ yêu thích biểu diễn ở góc độ gần hơn, rõ ràng hơn của người hâm mộ Kpop.
Đặc biệt, khi nền âm nhạc Hàn Quốc trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới, kéo theo đó là lượng khán giả đông đảo tại khu vực nước ngoài - những người không có nhiều cơ hội chứng kiến ca sĩ Kpop biểu diễn - fancam trở thành nguồn thu nhập vững chắc cho đài truyền hình. Phần lợi nhuận này hoàn toàn không được trả cho công ty giải trí.
Khi ấy, công ty giải trí không có khả năng sản xuất fancam một cách độc lập. Họ không có studio riêng và công nghệ, kỹ thuật ghi hình cần thiết. Do vậy, nhằm quảng bá cho nghệ sĩ trực thuộc công ty, họ buộc đầu tư chi phí cao để thần tượng xuất hiện trên chương trình âm nhạc, dù đây không phải lựa chọn được các công ty yêu thích.
Phần lợi nhuận kiếm được từ fancam không được đài truyền hình chi trả cho công ty giải trí. Ảnh: Mnet. |
Mâu thuẫn giữa công ty giải trí và nhà đài
Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi nhà đài không trao bất kỳ quyền sở hữu nào cho ca sĩ xuất hiện trong fancam. Đài truyền hình tuyên bố quyền sở hữu riêng với fancam, đồng thời cấm công ty giải trí đăng tải video này lên tài khoản mạng xã hội khác.
Mâu thuẫn ngày càng gia tăng khi đài truyền hình cho thấy dấu hiệu lạm dụng fancam để kiếm tiền. Kết quả, nhiều công ty giải trí tại Kpop bắt đầu lên tiếng phản đối hành động này.
Vào tháng 7/2020, Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, Liên đoàn Quản lý Hàn Quốc và Hiệp hội Nhà sản xuất Giải trí Hàn Quốc đã yêu cầu Ủy ban Công bằng Thương mại thiết lập bản hợp đồng quy chuẩn.
Đại diện của hiệp hội khẳng định việc đài truyền hình tự ý chỉnh sửa, sau đó "bán lại" video không phát sóng công khai trên chương trình âm nhạc cho nền tảng khác để kiếm lợi là không công bằng. Hành động này trực tiếp xung đột với lợi ích của công ty giải trí, những người tự sản xuất ra nội dung âm nhạc đó. Có ý kiến cho rằng khi dùng loại video này cho mục đích khác ngoài việc phát sóng, chẳng hạn như đăng tải fancam lên nền tảng mạng xã hội riêng, đài truyền hình cần tham khảo ý kiến từ công ty giải trí.
Đại diện của Ủy ban Công bằng Thương mại giải thích rằng hợp đồng cho chương trình âm nhạc giữa đài truyền hình và công ty giải trí thường chỉ cấp quyền sử dụng nội dung cho mục đích phát sóng truyền hình, chứ không phải cho nền tảng trực tuyến khác. Nhà đài không được phép "bán lại" nội dung này để thu lợi nhuận. Nếu có phát sinh thêm hành động sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ để thu lợi nhuận, họ phải đưa ra thay đổi trong hợp đồng, hoặc trả thêm một phần lợi nhuận cho công ty giải trí.
Nhiều công ty giải trí phản đối việc đài truyền hình tự ý đăng tải fancam lên nền tảng phát trực tuyến khác. Ảnh: Mnet. |
Công ty giải trí không còn phụ thuộc vào nhà đài?
Tại thời điểm mâu thuẫn nổ ra, hầu hết công ty giải trí chưa có khả năng sản xuất nội dung sở hữu chất lượng ngang bằng với đài truyền hình, do vậy, viêc công ty giải trí và nhà đài điều chỉnh ý kiến để hòa giải là hành động dễ hiểu.
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã mở màn cho sự phát triển của mô hình concert không tiếp xúc trực tiếp. Bằng việc kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau, giờ đây, công ty giải trí có thể sản xuất nội dung riêng mang chất lượng ngang bằng, thậm chí là vượt trội hơn, so với show âm nhạc trên đài truyền hình.
Buổi concert miễn phí SMTOWN Live 2022: SMCU Express @ Kwangya do SM công chiếu vào ngày 1/1 đã gặt hái nhiều thành tích ấn tượng. Chương trình thu về tổng cộng 51 triệu lượt xem tại 161 khu vực trên toàn thế giới. Khán giả đánh giá concert mang tới màn biểu diễn "vượt xa show âm nhạc của đài truyền hình".
"Tôi chỉ định theo dõi nghệ sĩ mình yêu thích, nhưng tôi lại vô thức xem hết mà không nhận ra", "chất lượng hình ảnh này là thật sao?", "trình độ sân khấu của họ thật tuyệt vời", Kookmin Ilbo trích dẫn một số bình luận phổ biến.
Lễ hội âm nhạc thường niên MBC Gayo Daejejeon do đài MBC tổ chức vào ngày cuối cùng trong năm đã bộc lộ rõ sự đi xuống trong vị thế của chương trình âm nhạc được đài truyền hình sản xuất.
Kể từ năm 2020, HYBE Labels - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý BTS - quyết định phát sóng concert chung dành cho nghệ sĩ trực thuộc công ty trong cùng một ngày với MBC Gayo Daejejeon.
Từ lâu, dưới ảnh hưởng của mâu thuẫn giữa MBC và HYBE, BTS không còn tham dự chương trình âm nhạc của đài MBC. Sau khi đầu quân cho HYBE, nhiều nhóm nhạc nổi tiếng khác như GFriend, Seventeen và NU'EST cũng không còn xuất hiện trên show âm nhạc tại MBC.
Không chỉ đài MBC đối mặt với tình trạng này. Sau khi theo dõi lễ hội âm nhạc cuối năm của ba đài truyền hình lớn là MBC, SBS và KBS, vô số khán giả Hàn Quốc lên tiếng than phiền về "sự thiếu vắng của loạt ngôi sao nổi tiếng" như BTS, BlackPink, TWICE... Từ nơi hiếm hoi quy tụ loạt nghệ sĩ Kpop hàng đầu, giờ đây đài truyền hình gặp không ít khó khăn trong việc thu hút thần tượng đình đám tới tham dự chương trình của mình.
Các công ty giải trí lớn ưu tiên tự sản xuất nội dung giải trí riêng. Ảnh: Naver. |
Có thể thấy, xuất hiện trên chương trình âm nhạc không còn là cách tốt nhất để nâng cao độ nhận diện cho thần tượng. Trước đây, việc tham gia show âm nhạc được coi như thang đo đánh giá mức độ thành công của thần tượng. Tuy nhiên, giờ đây, các công ty giải trí đang tìm kiếm sự đột phá riêng với nội dung do chính họ sản xuất.
Đại diện một công ty giải trí chia sẻ cùng Kookmin Ilbo: "Sở dĩ thần tượng xuất hiện trên chương trình âm nhạc là vì fancam, nhưng trong vài trường hợp, chúng tôi phải chi trả hàng chục nghìn won chỉ cho một lần xuất hiện. Tuy nhiên, phương thức này rất kém hiệu quả, vì thời gian ghi hình quá lâu và đài truyền hình không cung cấp fancam cho công ty giải trí".
Anh cho biết trong vấn đề liên quan tới fancam, công ty giải trí từng không có cách nào khác ngoài mượn sự trợ giúp của đài truyền hình. Tuy nhiên, khi hiện họ đã có công nghệ tương tự, họ có thể quảng bá cho nghệ sĩ trực thuộc công ty thông qua fancam mà không cần tham dự chương trình âm nhạc.
"Nếu tình trạng này tiếp diễn, rất có thể ca sĩ từ công ty lớn sẽ không xuất hiện trên show âm nhạc trong thời gian gần. Tuy nhiên, thần tượng tới từ công ty quy mô vừa và nhỏ - những đơn vị không thể cạnh tranh với đài truyền hình - vẫn xem chương trình âm nhạc như một kênh truyền thông chính để quảng bá", anh tiết lộ.