Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Ca sĩ Mỹ mặc áo dài không quần: Cứ Tây làm thì là sáng tạo?

Nếu một ca sĩ Việt Nam mặc áo dài không quần, liệu những người ủng hộ Kacey Musgraves vẫn tiếp tục hài lòng? Những um sùm quanh câu chuyện này còn có những tầng tranh cãi khác.

ca si My mac ao dai khong quan anh 1

Ca sĩ Mỹ mặc áo dài không quần: Cứ Tây làm thì là sáng tạo?

Nếu một ca sĩ Việt Nam mặc áo dài không quần, liệu những người ủng hộ Kacey Musgraves vẫn tiếp tục hài lòng? Những um sùm quanh câu chuyện này còn có những tầng tranh cãi khác mà ít người nhận ra.

ca si My mac ao dai khong quan anh 2

ca si My mac ao dai khong quan anh 3

Nguyễn Phương Mai

Nhà nghiên cứu đa văn hoá

PGS.TS Nguyễn Phương Mai giảng dạy chuyên ngành Giao tiếp & Quản Trị đa văn hoá với các nghiên cứu và khoá đào tạo liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Chị đã có một thời gian dài làm báo trước khi về công tác tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị cũng là tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa Con Đường Hồi Giáo. Đây là bài viết riêng của chị cho Zing.vn.

Năm 2012, một người mẫu của Victoria Secret xuất hiện trên sân khấu với chiếc mũ rực rỡ của thủ lĩnh da đỏ. Vấn đề là, với hãng nội y này, chiếc mũ lông chim là một vật để trang trí, còn với người da đỏ, nó là một biểu tượng tâm linh, thường đi kèm với sự kính trọng dành cho người già.

Mỗi chiếc lông chim cũng thể hiện một hành động dũng cảm của người chiến binh. Vấp phải sự phản đối dữ dội, Victoria Secret phải công khai xin lỗi.

Kacey Musgraves mắc một lỗi hệt như vậy khi cô ca sĩ này diện chiếc áo dài quốc phục của Việt Nam mà không mặc quần. Những hành động vay mượn văn hoá mà thiếu hiểu biết và tôn trọng như vậy được gọi là cultural appropriation. Chữ "appropriation" có nghĩa là "sự tương thích", những nghĩa thực sự của thuật ngữ này được hiểu là "cưỡng đoạt văn hoá".

Tuy nhiên, những um sùm quanh câu chuyện này còn có những tầng tranh cãi khác mà ít người nhận ra.

Pizza không nhân, sushi toàn gạo

Chúng ta luôn vay mượn văn hoá của những cộng đồng khác, hàng ngày hàng giờ: Bạn ăn món Nhật, mặc đồ Tây, lấy cảm hứng từ châu Phi để trang trí phòng khách...

Nhưng hành vi cưỡng đoạt văn hoá chỉ diễn ra khi chúng đi kèm với hai yếu tố. Thứ nhất, người vay mượn kiếm lợi từ yếu tố văn hoá này mà không thừa nhận nguồn gốc, không tìm hiểu, hoặc không tôn trọng bản sắc văn hoá đó. Thứ hai, người vay mượn kiếm lợi từ yếu tố văn hoá này nhưng bỏ qua sự bất công quyền lực mà người dân của nền văn hoá này phải chịu đựng.

Không những vay mượn văn hoá để kiếm lời, mà trong mắt những người phản đối, họ còn thể hiện sự thiếu tôn trọng và hiểu biết với nền văn hoá đang góp phần làm ví tiền họ dày hơn.

Trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp bị tẩy chay vì cưỡng đoạt văn hoá.

Ví dụ như người thiết kế của Nike đã sử dụng hoạ tiết dân gian của người Samoa mà không hề thừa nhận nguồn gốc của hoạ tiết này. Topshop từng sử dụng hoạ tiết caro trên chiếc khăn trùm đầu của người Palestine mà không hề có động thái gì thể hiện trách nhiệm cộng đồng với hàng triệu người Palestine.

Mục tiêu kiếm tiền, bòn rút, và khai thác như vậy từng bị phê phán là một biểu hiện của tư tưởng thuộc địa, coi văn hoá của xứ sở bị chiếm đóng là đồ chơi, vật trưng bày, thứ trang điểm cho lạ mắt.

Ở trường hợp của Victoria Secret và Kacey Musgraves, trong mắt những người phản đối, họ không những vay mượn văn hoá để kiếm lời, mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng và hiểu biết với nền văn hoá đang góp phần làm ví tiền mình dày hơn.

Thế nhưng, những ai ủng hộ Kacey Musgraves có thể biện hộ rằng cô đang biến tấu văn hoá phục vụ cho sự sáng tạo. Chúng ta hãy so sánh điều này với việc chiếc áo dài Việt Nam được cách tân cổ thuyền bởi vợ chồng một nhà thiết kế người Nhật Bản. Bà Trần Lệ Xuân nhìn thấy mẫu này trên sàn diễn đã rất ưng ý và hết sức cổ động để sự cách tân này lan toả trong xã hội Việt Nam ngày đó.

Như vậy, sự biến tấu văn hoá nếu đi theo chiều hướng tích cực, nhằm tôn vinh nhưng không xoá bỏ hoặc bóp méo tinh chất văn hoá của chủ thể sẽ được hoan nghênh chào đón. Đây là điều chúng ta thấy khá rõ trong các món ẩm thực quốc hồn quốc tuý như pizza hay sushi.

Vượt ra ngoài biên giới, hai món ăn này đã được nhiều đầu bếp thiện nghệ biến tấu với vô vàn mùi vị và công thức khác nhau. Người Italy có thể hậm hực khi ăn chiếc pizza ở Mỹ dày cộp với đủ thứ hầm bà lằng. Thậm chí, có nhà hàng chủ nhân người Italy ghi một cái biển rõ to "Ở đây không bán pizza có dứa". Tương tự với sushi đã được biến tấu với rất nhiều kiểu cuộn gói và gia vị mà đồng nghiệp người Nhật của tôi kiên quyết không ăn.

Tuy nhiên, hiếm có người Italy hay Nhật nào cảm thấy bị xúc phạm khi món ăn truyền thống của họ bị hay được biến tấu và chào đón nồng nhiệt như vậy. Đó là vì những tinh thần của pizza hay sushi vẫn được giữ nguyên: Chẳng ai nướng một chiếc pizza không có nhân hay cuộn một cái sushi chỉ toàn gạo.

Việc vay mượn biến tấu văn hoá của cộng đồng khác và việc cưỡng đoạt văn hoá đôi khi rất khó xác định ranh giới.

UNESCO công nhận văn hoá là một tài nguyên, và người bản địa có quyền tác giả với tài nguyên đó. Trên lý thuyết là vậy.

Trong thực tế, việc vay mượn biến tấu văn hoá của cộng đồng khác và việc cưỡng đoạt văn hoá đôi khi rất khó xác định ranh giới.

Những người tự hào về văn hoá của chính dân tộc mình có thể biểu hiện ra hai xu thế hoàn toàn khác nhau.

Kẻ thích thú vì có người bắt chước, kể cả khi sự bắt chước đó đem lại lợi nhuận khủng cho người vay mượn và đào sâu hố ngăn cách quyền lợi cũng như quyền lực. Người phản đối vì thấy bị xúc phạm khi văn hoá của họ bị đem ra làm đồ trang trí hoặc bị bóp méo, hoặc không được công nhận nguồn gốc.

Văn hoá, vì vậy, là một địa hạt vừa hào phóng vừa nhạy cảm mà doanh nghiệp luôn cần tìm hiểu kỹ lưỡng khi tung sản phẩm ra thị trường.

Ca sĩ Việt Nam mặc áo dài không quần thì sao?

Ngoài cuộc tranh luận về cưỡng đoạt văn hoá, không hề ngạc nhiên khi chuyên gia trang điểm nổi tiếng gốc Việt Michelle Phan lên tiếng phản đối chiếc áo dài không quần là một hành động dục tính hoá phụ nữ châu Á (sexual fetishization of Asian women), gắn liền hình ảnh họ với sự phục tùng tình dục.

Sự dục hoá phụ nữ Á Đông bắt nguồn từ cách phương Tây tò mò với những miền đất mới mà họ chinh phục và giao thương. Trong thế kỷ thứ 19 và nhiều thập kỷ sau đó, phụ nữ Á Đông gắn liền với hình ảnh geisha trên các sản phẩm gốm sứ.

Điều này tạo ra khởi điểm của định kiến rằng phụ nữ Á Đông đẹp như một đồ trang trí. Trong văn hoá đại chúng, từ "China doll" - búp bê Trung Hoa - cũng hàm ý tương tự, ở tầng vô thức ám chỉ người phụ nữ đẹp, im lặng, thụ động, thậm chí bị phi nhân hoá như một thứ đồ để chơi và phục vụ.

Bước vào thế kỷ 20, phụ nữ Á Đông tiếp tục gắn liền với hình ảnh những người đàn bà ngoan ngoãn, phục tùng, trẻ con, ngây ngô, và sẵn sàng phục vụ tình dục. Điều này trở nên tệ hại hơn với những cuộc chiến ở châu Á nơi nhục dục là mặt sau của đạn pháo.

Trong xã hội hiện đại, phụ nữ Á Đông vẫn tiếp tục bị nhìn qua lăng kính như vậy. Trong bài Yellow Fever của The Bloodhound Gang, lời hát được dịch ra tiếng Việt như sau: "Nàng là một tấm thảm Á Đông, bởi ta có thể trải ra đâu tuỳ ý"; "Rồi ta sẽ bịt mắt nàng và bắt nàng quỳ xuống".

Việc tôn sùng phương Tây và coi mình là nền văn hoá hạng hai sẽ dẫn đến việc hài lòng với bản sắc cùa mình dưới nhãn "đồ lạ".

Trên những website hẹn hò, những cô gái châu Á thường bị coi là mục tiêu tình dục. Sự tán tỉnh thường có mùi sex vì nhiều lý do khác nhau như "chưa ngủ với gái châu Á bao giờ", "gái châu Á đẹp kiểu lạ lùng", "ngủ với gái châu Á họ rất biết phục tùng".

Một số website tìm vợ qua môi giới hay bộ phim tư liệu Seeking Asian Female (Tìm vợ người Á) cũng tiết lộ rằng đàn ông mong đợi ở cô dâu châu Á sự ngoan ngoãn vâng lời của một nô lệ tình dục. Trên các trang sex, phụ nữ châu Á đóng phim khiêu dâm cũng thường bị đặt vào các tư thế bị chiếm hữu, bị khuất phục, hoặc bị ép buộc.

Việc coi sắc đẹp châu Á là "của lạ" thể hiện sự tự ti văn hoá rất rõ ràng. Lẽ ra, với việc chiếm đa số trên thế giới, sắc đẹp của người Á phải là "quen", là "chính", là "chủ đạo", là "đại chúng" mới đúng. Tuy nhiên, việc tôn sùng phương Tây và coi mình là nền văn hoá hạng hai sẽ dẫn đến việc hài lòng với bản sắc cùa mình dưới nhãn "đồ lạ".

Tuy nhiên, sắc đẹp châu Á khi bị tính dục hoá trong khuôn khổ định kiến thì không những thể hiện sự tự ti văn hoá mà còn nguy hiểm. Năm 2000, hai cô gái người Nhật bị bắt cóc và lạm dụng tình dục. Kẻ bắt cóc đặc biệt chỉ nhằm vào đối tượng phụ nữ châu Á vì chúng cho rằng họ dễ phục tùng nhu cầu tình dục, không chống cự, và không dám báo cảnh sát.

Liệu chúng ta có thấy sự tự ti văn hoá nếu ta sẽ cho rằng Tây làm thì được chứ mình làm y hệt lại thành sai?

Như vậy để kết luận rằng ta thích thì mới bắt chước và vay mượn. Nhưng văn hoá không chỉ là một mẩu hiện vật. Đằng sau đó là tâm linh, hồn cốt, danh tính và niềm tự hào của người chủ, cũng như sự tôn trọng, trân quý và trách nhiệm của người nhận.

Ngoài mối quan hệ vay mượn ấy, sự cẩn trọng với văn hoá tồn tại ngay trong nội bộ những người chủ thể. Hãy tưởng tượng một ca sĩ Việt Nam mặc áo dài không quần, liệu những người ủng hộ Kacey Musgraves vẫn tiếp tục hài lòng?

Liệu chúng ta có thấy sự tự ti văn hoá nếu ta sẽ cho rằng Tây làm thì được chứ mình làm y hệt lại thành sai?

Nguyễn Phương Mai

Illustration: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm