Từ cuối tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra có “nguy cơ vừa phải”. Theo số liệu thống kê của tổ chức này, chỉ sau 10 ngày, ca mắc trên toàn cầu đã tăng 65%. Đặc biệt, một ca tử vong đã được ghi nhận và một trường hợp nghi ngờ khác đang được điều tra.
Ca tử vong đầu tiên ở Nigeria
Theo báo cáo của WHO, trong hai tuần gần đây, số ca mắc đậu mùa khỉ đều tăng 64-65%/tuần. Tính đến ngày 17/6, tổ chức này đã nhận được báo cáo về 2.103 trường hợp ở 42 quốc gia ở 5 khu vực WHO quản lý. Đây đều là những quốc gia chưa từng phát hiện người mắc đậu mùa khỉ trước đó.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát này, ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận ở Nigeria. Theo The Guardian Nigeria, nạn nhân 40 tuổi, mắc nhiều bệnh lý khác và đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Nigeria cũng đã phát hiện 21 ca mắc tính đến cuối tháng 5.
Ngoài ra, một trường hợp tử vong khác ở Brazil cũng đã được báo cáo cho WHO và cơ quan này đang xác minh.
Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Bệnh viện La Paz, Madrid, Tây Ban Nha, đặt các mẫu đậu mùa khỉ nghi ngờ vào máy xét nghiệm axit nucleic tự động trước khi chuyển sang xét nghiệm PRC. Ảnh: Pablo Blazquez Dominguez. |
Ở các quốc gia bệnh đậu mùa khỉ là đặc hữu, tính đến ngày 10/6, 71 ca tử vong đã được ghi nhận, tại Cameroon (2), Cộng hòa Trung Phi (2), Cộng hòa Congo (3), CHDC Congo (64).
Trong đợt bùng phát này, hầu hết (84%) được phát hiện ở châu Âu, châu Mỹ đứng thứ hai với 12% (245 ca), theo sau là châu Phi (3%).
Chỉ 14 quốc gia có thông tin nhân khẩu học và đặc điểm cá nhân của người mắc, với 468 bệnh nhân. Trong số này, 99% là nam giới 0-65 tuổi, độ tuổi trung bình là 37. Hầu hết họ đều có quan hệ tình dục đồng giới.
Không khuyến nghị tiêm vaccine đại trà
Theo khuyến cáo của WHO, biện pháp kiểm dịch chính vẫn là giám sát, theo dõi tiếp xúc, cách ly và chăm sóc bệnh nhân. Tổ chức này không khuyến khích tiêm vaccine đại trà đậu mùa đang có sẵn cho người dân.
WHO khuyến nghị tiêm vaccine cho những người có nguy cơ bị phơi nhiễm cao như nhân viên y tế thường xuyên làm việc với người bệnh, nhân viên y tế công cộng, nhân viên phòng thí nghiệm. Đây là biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm với vaccine đậu mùa khỉ.
Việc tiêm vaccine cũng có tác dụng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) trong vòng 4 ngày kể từ ngày đầu tiên tiếp xúc với virus đậu mùa khỉ. Thời gian này có thể kéo dài đến 14 ngày khi các triệu chứng chưa xuất hiện. WHO cũng không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại cụ thể nào do dịch bệnh bùng phát.
Tổ chức này cho biết: "WHO đánh giá nguy cơ ở cấp độ toàn cầu là vừa phải. Chúng tôi coi đây là lần đầu tiên nhiều trường hợp và cụm lây nhiễm được báo cáo đồng thời ở nhiều khu vực địa lý khác nhau”.
WHO không khuyến khích tiêm vaccine đậu mùa đại trà. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp báo ở Geneva ngày 14/6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết họ sẽ triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá liệu đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện tại có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) hay không. Cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần này.
WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC): "Một sự kiện bất thường được xác định là có thể tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp".
Trong các bản cập nhật ngày 10/6, WHO liệt kê cả các ca nghi ngờ, tử vong ở khu vực châu Phi. Hiện tại, tổ chức này cho biết họ tập trung chủ yếu vào các trường hợp đã xác nhận và nghi ngờ, bao gồm cả ca tử vong.
Đến nay, biểu hiện lâm sàng của ca mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này đã thay đổi. Nhiều trường hợp không có bệnh cảnh lâm sàng cổ điển của người mắc đậu mùa khỉ.
Trong các trường hợp được mô tả cho đến nay của đợt bùng phát, các triệu chứng phổ biến gồm tổn thương bộ phận sinh dục và quanh hậu môn, sốt, sưng hạch bạch huyết và đau khi nuốt.
Ngoài ra, các vết loét ở miệng vẫn là đặc điểm chung, kết hợp với sốt và sưng hạch bạch huyết. Phát ban phân bố cục bộ ở bộ phận sinh dục (với các tổn thương mụn nước, mụn mủ hoặc loét) đôi khi xuất hiện trước tiên và ít khi lây lan sang các bộ phận khác.
Trong nhiều trường hợp, triệu chứng ban đầu là phát ban ở bộ phận sinh dục hoặc quanh hậu môn. Điều này cho thấy việc tiếp xúc thân thể có thể là con đường lây truyền của bệnh.
Một số trường hợp cũng được mô tả là có mụn mủ xuất hiện trước khi có các triệu chứng điển hình (như sốt) và có tổn thương ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Cả hai triệu chứng này đều không điển hình như bệnh đậu mùa khỉ từng biểu hiện trong lịch sử.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).