Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Các biến chủng mới sẽ làm tăng số ca mắc Covid-19

Ngày càng nhiều người trên thế giới nhiễm biến chủng virus mới. Điều đó khiến giới chức y tế toàn cầu lo ngại đợt bùng phát mới có thể tới bất kỳ lúc nào.

Chỉ trong vòng 2 tháng, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lan ra gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng được miêu tả là dễ lây truyền hơn và thậm chí có thể thoát khỏi miễn dịch tự nhiên hay kháng vaccine. Biến chủng B117 từ Anh và B1351 từ Nam Phi còn được cảnh báo có thể ảnh hưởng tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19.

Theo các chuyên gia, còn quá sớm để khẳng định những biến chủng này sẽ tạo ra một đại dịch mới. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Nam Phi, Brazil, Ireland, Bồ Đào Nha và Israel, giới chức đã sửa đổi quy định, khuyến cáo trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến xấu hơn.

Ba biến chủng virus mới được quan tâm nhiều nhất hiện nay gồm có: B117 (phát hiện lần đầu tại Anh), B1351 (Nam Phi) và P.1 (Brazil).

Trong đó, biến chủng B117 có 23 đột biến. Một số nằm trong protein S - loại mà virus sử dụng để tự gắn vào tế bào người. Do đó, biến chủng này được cảnh báo là có khả năng lây lan cao hơn 50-70% so với các chủng cũ. Một số nghiên cứu tại Anh cũng cảnh báo nó có thể gây tử vong cao hơn 30-70%.

Biến chủng B1351 từ Nam Phi có nhiều đột biến trong protein S. Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy B1351 sẽ khiến tình trạng của bệnh nhân nặng hơn. Tuy nhiên, không ít nghiên cứu chỉ ra đột biến E484K trong B1351 có khả năng kháng vaccine.

Biến chủng P.1 có 17 đột biến, trong đó, 3 đột biến ở protein S. Một số bằng chứng cho thấy P.1 có thể kháng lại vaccine và lẩn tránh khỏi phản ứng của miễn dịch.

Bien chung virus SARS-CoV-2 moi anh 1

Trường hợp Covid-19 mới được xác nhận hàng ngày ở các nước châu Âu. Khả năng lây truyền của B117 cao khiến số lượng ca mắc mới gia tăng ở một số quốc gia, từ đó, dẫn đến tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn. Ảnh: Covid Reference.

Đáng chú ý, chúng có những điểm chung về đột biến dù cả 3 đều phát triển độc lập ở những nơi khác nhau trên toàn cầu. Sự tiến hóa của SARS-CoV-2 được xem là quá trình bình thường tương tự các virus corona theo mùa.

Một vấn đề đáng lo không kém đó là nhiều trường hợp tại Nam Phi, Brazil tái mắc Covid-19 sau thời gian ngắn. Gần đây nhất là trường hợp một bệnh nhân 58 tuổi ở Pháp. Lần mắc Covid-19 thứ 2 của người này là do biến chủng virus mới nói trên. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại việc đã có kháng thể trong người cũng không thể bảo vệ chúng ta khỏi biến chủng mới.

Chính vì thế, nhiều quốc gia biện pháp nhằm tăng cường tình hình phòng, chống dịch bệnh. Tại Anh, chính phủ đã phong tỏa khu vực bùng phát ổ dịch liên quan biến chủng mới trong thời gian dài, cấm các chuyên bay từ Nam Phi, Brazil. Tương tự Anh, các quốc gia trên toàn cầu cấm toàn bộ hành khách nhập cảnh từ vùng dịch như Anh, Nam Phi, Brazil trong thời gian dài.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ mới ban hành thêm khuyến cáo cho người dân trước biến chủng virus mới. CDC khuyên người dân Mỹ nên đeo 2 khẩu trang cùng lúc để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus. Lời khuyên này đưa ra dựa trên cơ chế virus có thể xâm nhập cơ thể, lây lan qua không khí.

Điều cần làm lúc này đó là tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và báo ngay cho cơ quan y tế nếu có các triệu chứng ho, sốt, đau họng...

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 679 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.

Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.

Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.

Những bộ xét nghiệm có thể phát hiện người nhiễm biến chủng virus mới

Các biến chủng virus mới xuất hiện khiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở nhiều nơi. Một số quốc gia sản xuất kit xét nghiệm giúp phát hiện người nhiễm biến chủng virus mới.

Các biến chủng nCoV mới xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào?

Trong đợt dịch mới bùng phát, các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam nhiễm nhiều biến chủng SARS-CoV từ Anh, Nam Phi và châu Phi.

Biến chủng virus mới lây lan mạnh tại Pháp

Số ca mắc Covid-19 mới tại Pháp giảm từng ngày nhưng lượng người nhiễm virus biến chủng mới B117 từ Anh vẫn ở mức cao, khiến giới chức y tế lo ngại.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm