Zing trích dịch bài đăng The Guardian, đề cập đến xu hướng tham gia công đoàn của những người tạo ảnh hưởng ở Mỹ và Anh.
Cuối tháng 6, blogger thời trang Nicole Ocran (32 tuổi) và influencer đình đám Kat Molesworth (40 tuổi) cùng nhau thành lập nên The Creator Union (TCU), công đoàn đầu tiên dành cho các nhà sáng tạo nội dung ở Anh.
Cũng trong thời gian đó, tại Mỹ xuất hiện American Influencer Council (AIC), một hiệp hội thương mại phi lợi nhuận với mục đích tạo ra ngành công nghiệp influencer công bằng hơn trên toàn cầu.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Những ngôi sao mạng xã hội không hẳn là nhân viên, công việc của họ cũng không được coi như hình thức lao động thông thường. Vậy tại sao họ vẫn muốn thành lập công đoàn? Mục tiêu của họ là gì?
Nicole Ocran (trái) và Kat Molesworth - hai nhà sáng lập của The Creator Union. Ảnh: The Guardian. |
Bị lợi dụng, quỵt tiền
Theo định nghĩa, influencer là những người nổi tiếng có khả năng tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm nhận của người khác. “Sức mạnh” này có thể được sử dụng cho mục đích tốt, dù đôi khi bị khai thác một cách tiêu cực như việc các thành viên nhà Kardashian quảng cáo loại trà giảm cân có hại.
Tháng 8, một nguồn tin tiết lộ rằng chính phủ Anh đã trả tiền cho những ngôi sao mạng xã hội để thúc đẩy các fan của họ sử dụng hệ thống xét nghiệm và truy vết virus corona của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Nhờ đó, hơn 7 triệu người đã tiếp cận bài đăng hướng dẫn đăng ký xét nghiệm Covid-19.
Mặc dù thu về kết quả khả quan, đông đảo dư luận cho rằng “thật phí phạm và tai tiếng” khi tiền thuế lại chi trả cho “những kẻ ăn bám Internet”. Đối với họ, influencer là những kẻ đi bóc lột xã hội.
Brooke Erin Duffy, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Cornell ở New York (Mỹ), cho biết dư luận chỉ tập trung vào những influencer “lý tưởng”, tức các ngôi sao nổi tiếng được trả hàng chục nghìn USD để quảng cáo sản phẩm.
Họ thường không để tâm đến nhóm đa số còn lại - những người dốc sức xây dựng thương hiệu cá nhân nhưng không nhận được gì.
Chỉ một số ít influencer được trả lương hậu hĩnh. Ảnh: Shutterstock. |
“Đây là ngành công nghiệp ‘được ăn cả’, nơi chỉ một số ít người có sức ảnh hưởng lớn được hưởng lợi rất nhiều. Đồng thời, việc thiếu các quy định trong lĩnh vực influencer ngày càng làm tăng sự chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm”, bà nói.
Trên thực tế, ngành công nghiệp sáng tạo ước tính trị giá 19,57 tỷ USD vào năm 2022 này đang bóc lột người lao động, trong đó phần lớn là những cô gái trẻ tuổi.
Năm 2018, tờ Atlantic tiết lộ rằng công ty quản lý tài năng Speakr nợ tiền lương hàng nghìn influencer. JoJoe, nhà sáng tạo 22 tuổi, thậm chí đã đâm đơn kiện do công ty này chưa trả anh 4.000 USD theo thỏa thuận.
Chính những sự cố như trên đã thôi thúc Nicole và Kat thành lập TCU. Họ nhấn mạnh rằng việc tạo ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội không chỉ là một “công việc thực sự” mà còn là sự kết hợp của nhiều loại hình lao động khác nhau.
“Thuê một influencer để thực hiện chiến dịch đồng nghĩa với việc bạn thuê một nhà sáng tạo nội dung kiêm nhiếp ảnh gia, thợ trang điểm, nhà tạo mẫu thời trang và cả giám đốc hình ảnh. Ngoài ra, họ còn là biên tập viên, nhà xuất bản và người tương tác với công chúng”, Nicole nói.
“Influencer nhận công việc của 10 người nhưng lại không được trả mức lương xứng đáng với những gì họ bỏ ra”, cô khẳng định.
Người da màu nhận ít tiền hơn
Kể từ khi phong trào Black Lives Matter bùng nổ vào tháng 5, hàng loạt nhãn hàng đổ xô tìm kiếm và muốn hợp tác với các influencer da màu.
“Đột nhiên, những thương hiệu đó cư xử kiểu ‘Ồ chúng tôi cần bạn, hãy tiếp quản và phủ sóng kênh truyền thông của chúng tôi đi’ dù trước đó họ chẳng bao giờ đếm xỉa đến các nhà sáng tạo da màu”, Nicole cho biết.
Các influencer da màu bỗng được nhiều thương hiệu đặc biệt quan tâm kể từ khi phong trào Black Lives Matter bùng nổ. |
Ngày 8/6, một influencer tên Adesuwa Ajayi đã thông qua tài khoản Instagram @influencerpaygap chia sẻ những câu chuyện có thật để chứng minh sự bất bình đẳng màu da trong lĩnh vực sáng tạo. Trong đó, người da đen chỉ được trả lương bằng 1/10 đồng nghiệp da trắng dù họ cùng trình độ và bỏ ra công sức ngang nhau.
“Thậm chí, nhiều người còn bị yêu cầu làm không công, đặc biệt là những nhà sáng tạo LGBTQ+, người khuyết tật, ngoại cỡ hoặc da màu”, Nicole chia sẻ.
Stephanie Yeboah, blogger da màu ngoại cỡ sở hữu hơn 205.000 lượt theo dõi trên Instagram, phát hiện ra rằng một đồng nghiệp da trắng được trả nhiều hơn cô ấy tới 1.300 USD cho cùng chiến dịch quảng cáo năm 2015.
“Tôi vô tình nhận được một email thảo luận về một nhà sáng tạo nội dung khác. Tôi nhận ra họ được thanh toán nhiều tiền hơn tôi, dù độ tương tác và lượng người theo dõi của tôi cao hơn hẳn. Tôi cảm thấy vô cùng tệ hại”, cô chia sẻ.
Do không có người quản lý hay luật sư tư vấn, Stephanie không thể đối đầu hay chất vấn thương hiệu.
Theo TCU, hầu hết người hoạt động trong lĩnh vực này “hoàn toàn thiếu tư vấn pháp lý”. Vì vậy, thật dễ dàng cho các nhãn hàng tạo ra hợp đồng phức tạp để lừa influencer cam kết những mục tiêu bất khả thi.
Influencer Ana Hernández. |
Họ cũng cho biết những người tạo ảnh hưởng có thể bị lợi dụng theo nhiều cách khác nhau như thương hiệu ăn cắp hình ảnh, nhận hợp đồng không ràng buộc về mặt pháp lý, quỵt lương hoặc ép buộc người mới vào nghề làm việc không công.
“Phần lớn influencer hoạt động một mình và không được hỗ trợ tư vấn pháp lý. Vả lại, không phải thương hiệu nào cũng tốt đẹp và trung thực như nhau. Chắc chắn có nhiều nhãn hàng lợi dụng sơ hở của các nhà sáng tạo nội dung”, influencer Ana Hernández (27 tuổi) chia sẻ.
Bằng cách tham gia công đoàn, các influencer góp phần loại bỏ hành vi bóc lột lao động dựa trên những điều khoản hợp đồng không rõ ràng của nhiều nhãn hàng.
“Chúng tôi muốn thể hiện vị thế của mình với những thương hiệu đang hưởng lợi từ chúng tôi. Đồng thời, tôi muốn tham gia vào việc thiết lập một nền tảng công bằng cho các thế hệ influencer tương lai”, Brittany Xavier, Phó chủ tịch của AIC, khẳng định.
Mục đích chung của TCU và AIC là đề ra được các tiêu chí chuẩn hóa cho các hợp đồng quảng cáo mà những người tạo ảnh hưởng ký kết. Trong đó, đảm bảo tính đa dạng văn hóa, sự hòa nhập xã hội và các influencer được trả lương công bằng là điều tối quan trọng.