Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Các lỗi thường gặp trong đầu tư khiến Gen Z dễ mất tiền oan

Chuyên gia tài chính Đoàn Đức Minh gợi ý cách sửa những sai lầm thường gặp của người mới đầu tư.

genz dau tu anh 1
genz dau tu anh 2
  • Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM.
  • Cố vấn chuyên môn của The New Savvy Việt Nam, tổ chức giáo dục phi lợi nhuận về quản lý tài chính.
  • Chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện tại, thế hệ trẻ đã có nhiều cơ hội kiếm tiền nhờ đầu tư từ sớm. Năm 2021 đã chứng kiến một lượng lớn F0 gia nhập thị trường đầu tư. Dù vậy, không phải ai cũng thật sự sẵn sàng.

Đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, nhưng người mới hoàn toàn có thể hạn chế tác động tiêu cực nhờ lưu ý những vấn đề sau.


Bạn có phải là F0?

F0 trong đầu tư thường được hiểu là những người lần đầu tham gia thị trường tài chính.

Có nhiều lý do để một người tìm hiểu và bắt đầu tham gia các kênh đầu tư: Dư dả thời gian vì nghỉ giãn việc, muốn kiếm thêm thu nhập, vô tình vào các hội nhóm trên mạng xã hội, hoặc được giới thiệu qua các webinar,...

Vì là người mới, nên hầu hết kiến thức đầu tư của F0 chỉ ở mức cơ bản, thiếu thông tin. Đặc điểm chung của nhóm là chưa quan sát thị trường trong quá khứ để hiểu chu kỳ kinh tế và các sự kiện ảnh hưởng sự lên xuống của thị trường. Do đó, việc phạm sai lầm là khó tránh khỏi.


4 điều khiến F0 "sa chân"

Không phân biệt đầu cơ và đầu tư

Nhiều người đầu tư nhưng lại mang tâm lý đầu cơ hay “lướt sóng”, nghĩa là mong có một khoản tiền lời nhỏ và dừng lại. Điều này rất nguy hiểm, bởi lợi nhuận từ đầu cơ thường dựa vào sự chênh lệch giá ngắn hạn, trong khi đầu tư đòi hỏi sự phân tích và kỳ vọng lâu hơn.

Người đầu cơ có thể không cần hiểu sâu, biết rộng về tài chính, vận động thị trường hay các yếu tố kinh tế vĩ mô, nhưng với người đầu tư, đây đều là khía cạnh cần xem xét.

Ví dụ, thay vì chỉ dừng lại ở việc lãi suất tốt, khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nên nắm mục đích doanh nghiệp sử dụng số tiền bán trái phiếu, hệ số đánh giá tín nhiệm và những thiệt hại trong trường hợp công ty không thể hoàn trả trái phiếu.

Ảnh hưởng bởi đám đông

Tâm lý FOMO luôn là một vấn đề "nhức nhối" trong đầu tư, đặc biệt là ở nhóm người mới. Những quyết định mua hoặc bán dựa trên số đông đều có thể “lợi bất cập hại”. Khi bạn thua lỗ, không ai có thể giúp bạn.

Quay về với kiến thức nền tảng là cách giải quyết FOMO. Hơn ai hết, chính bạn phải là người hiểu rõ danh mục của mình. Đứng trước các xu hướng, bạn cần trả lời được câu hỏi “vì sao đám đông lại hành động như vậy”, và “điều gì xảy ra nếu bạn không theo họ”.

Thiếu cẩn trọng trước các bẫy đầu tư

Người trẻ thuộc thế hệ Z có sự hiểu biết về công nghệ. Đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm. Lý do là nếu không tỉnh táo, chúng ta dễ trở thành con mồi của các ứng dụng lừa đảo và mất tiền.

Trên kho ứng dụng di động, bạn dễ dàng tìm thấy nhiều ứng dụng kiếm tiền, phân tích kỹ thuật, đầu tư những đồng tiền số,... Chúng đều khoác lên mình vẻ ngoài hiện đại, hợp xu hướng. Ấn tượng này khiến không ít bạn trẻ vô tư bỏ tiền vào.

Mọi thứ rất thuận lợi cho đến khi bạn cần rút tiền, hoặc có thắc mắc về các chi phí, mà không ai đứng ra hỗ trợ.

"Để tiền vào thứ mình biết và hiểu" luôn là kim chỉ nam khi đầu tư. Nếu chưa rõ mình nên bắt đầu từ đâu, bạn có thể đăng ký các khóa học uy tín, hoặc thử đầu tư với một số vốn rất nhỏ. Số tiền này có thể tạo lợi nhuận, có thể lỗ, nhưng chắc chắn sẽ là khoản học phí để bạn có trải nghiệm chân thật ban đầu.

Giao dịch thiếu kỷ luật

Khi thị trường có điều chỉnh mạnh, F0 dễ đưa ra những quyết định nhất thời với quan niệm “mua thấp, bán cao”. Tuy nhiên, không ai có thể biết ngày mai thị trường sẽ xảy ra chuyện gì.

Hiểu nôm na, thị trường tài chính giống với "chợ tiền", và chợ thì không thể bỏ qua quy luật cung cầu.

Một tập đoàn lớn vỡ nợ, dịch bệnh như Covid-19 xuất hiện, hay thế giới có phát minh mới,... đều góp phần thay đổi thị trường, đặc biệt là chứng khoán, theo hướng tiêu cực hoặc tích cực.

Do vậy, để luôn luôn tỉnh táo và giữ túi tiền của mình, bạn cần:

  • Trở về các kiến thức kinh tế, tài chính cơ bản; tập đọc và hiểu báo cáo tài chính, đồng thời biết phân tích yếu tố vĩ mô tác động như thế nào đến vi mô.
  • Có kế hoạch đầu tư cụ thể, gồm kênh đầu tư thế mạnh, phân bổ tài sản đầu tư, thời gian, mục tiêu chính của việc đầu tư cá nhân, ngoài ra còn có lợi nhuận mong muốn và mức độ chấp nhận rủi ro.
  • Hiểu khẩu vị của bản thân thuộc nhóm thích rủi ro (risk-lover), ghét rủi ro (risk-averse) hay trung tính (risk-neutral). Lưu ý khẩu vị rủi ro có thể thay đổi tùy từng thời điểm hoặc kênh đầu tư.
  • Tham khảo ý kiến của các nhà đầu tư lâu năm, am hiểu thị trường; theo dõi danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư lớn.
  • Không ai có thể trở thành triệu phú sau một đêm giao dịch. Nếu bạn còn trẻ, thì hãy kiên nhẫn và trau dồi mình trước.

Tất cả chuyên gia đầu ngành đều trải qua những bước tập tành đầu tư sinh lợi. Vì vậy, đừng ngần ngại nếu bạn muốn bắt đầu.

Cả F0 lẫn Fn (người có nhiều kinh nghiệm) đều có thể phạm phải những sai lầm trên. Điều quan trọng là bạn tiết chế cảm xúc và biết cách quản trị các rủi ro có thể xảy ra.

Thiên Hân

Đồ họa: Hina

Bạn có thể quan tâm