Các loại đậu là lựa chọn phù hợp với người đau họng do cảm cúm, không thể ăn nhiều nhưng cần dinh dưỡng để hồi phục. Ảnh: tijana_drndarski. |
Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết tại miền Bắc sẽ tiếp tục duy trì trạng thái hửng nắng vào trưa, chiều và chuyển rét về đêm với khoảng chênh lệch nhiệt độ có thể lên tới hơn 10 độ C.
Điều kiện thời tiết này rất dễ khiến sức đề kháng của chúng ta suy yếu, nguy cơ virus, vi khuẩn tấn công vào cơ thể cũng rất cao, dẫn đến cảm cúm, cảm lạnh.
Trên thực tế, thông tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương mới đây cũng cho thấy từ đầu tháng 12 đến nay, số lượng bệnh nhân tại khoa Bệnh Phổi mạn tính tăng lên hơn 130%. Trước đó, số lượng bệnh nhân chỉ khoảng 200 lượt bệnh nhân/tháng.
Từ đây, các chuyên gia gợi ý một số thực phẩm có thể hạn chế nguy cơ cảm cúm, cảm lạnh hoặc hỗ trợ người bệnh hồi phục tốt hơn.
Thịt gà
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), thịt gà là món ăn giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ cơ thể suy yếu rất tốt. Đồng thời, món ăn phổ biến này có thể hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch.
Các món hầm, súp từ gà rất phù hợp với người bệnh cảm cúm, cảm lạnh hoặc mong muốn phòng bệnh trong mùa đông. Ảnh minh họa: stacey_doyle. |
“Thịt gà có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, đồng thời là thuốc quý trong đông y nhờ khả năng chữa bệnh cảm cúm, cảm lạnh”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý khi nấu súp gà, chúng ta cần tránh ăn cùng tỏi, gan chó hay rau cải vì có nguy cơ đi ngoài, kiết lỵ.
Thịt bò
Các chuyên gia khẳng định chất dinh dưỡng chúng ta rất cần bổ sung khi bị cảm cúm là kẽm. Chất khoáng này giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách điều chỉnh hệ thống miễn dịch và giảm thời gian bệnh cảm cúm diễn biến. Đáng chú ý, chất này có nhiều trong thịt bò.
Theo thạc sĩ, bác sĩ dinh dưỡng Dzoãn Thị Tường Vy, thịt bò chứa rất nhiều protein và vitamin B, qua đó giúp bạn nhanh chóng phục hồi nếu không may mắc cảm lạnh, cảm cúm.
Đồng thời, vị chuyên gia cho rằng việc sử dụng thịt bò để phòng tránh cảm lạnh, cảm cúm cũng mang lại giá trị khi hỗ trợ sức khỏe trong thời tiết lạnh.
Các loại đậu
Ngoài thịt gà, thịt bò, chúng ta cũng có thể lựa chọn nguồn protein tốt từ đậu để phòng tránh cảm lạnh, cảm cúm. Đây là nguồn thực phẩm rất phù hợp với trường hợp đang cảm lạnh, đau nhức cơ thể, rát họng và không thể nuốt được các món quá cứng.
Cụ, thể các chuyên gia gợi ý người dân nên bổ sung những loại đậu khác nhau trong các món hầm, súp, qua đó tăng hương vị thơm ngon, mềm, dễ ăn, giúp tăng cường miễn dịch cho người bệnh.
Gừng
Với đặc tính kháng viêm mạnh, việc uống một ly trà gừng ấm sẽ rất thích hợp để chữa cảm cúm, cảm lạnh.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), trong y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, đi vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có công dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, giải độc, hành thủy…
Gừng có tính kháng viêm cao và thường xuyên được sử dụng trong các thang thuốc đông y. Ảnh minh họa: julia_topp. |
Trong hầu hết thang thuốc đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống. Bên cạnh đó, việc sử dụng gừng đúng cách còn giúp cải thiện tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, giảm đau nhức hiệu quả.
Ngoài việc uống trà gừng, chúng ta cũng có thể bổ sung gừng vào những món ăn khác nhau để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng, từ đó phòng, chống cảm cúm, cảm lạnh.
Nghệ
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết trong đông y, uất kim (những củ nghệ mọc ra xung quanh củ chính) có vị cay, đắng, hơi ngọt, tính mát. Trong khi đó, khương hoàng (củ nghệ to) có vị cay, đắng, hơi ngọt nhưng tính nóng.
“Uất kim khi vào gan, kinh tâm, kinh phế sẽ có tác dụng hành khí, giải uất; trong khi khương hoàng hành phế, phá huyết, thông kinh”, vị chuyên gia nói.
Ông cho rằng đây là loại gia vị có tính kháng viêm rất mạnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Do đó, chúng ta nên bổ sung nghệ vào các món ăn hàng ngày trong điều kiện thời tiết lạnh hiện nay.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý người dân nên ăn thêm chút chocolate đen vào thời tiết lạnh. Nguyên nhân là món ăn này chứa hàm lượng theobromine cao - chất chống oxy hóa giúp giảm ho hiệu quả.
Ớt chuông là thực phẩm chứa nhiều vitamin C, từ đó giúp có thể chống lại tình trạng cảm lạnh tốt. Sữa chua Hy Lạp, việt quất… cũng là lựa chọn tốt để người dân phòng tránh cảm cúm, cảm lạnh.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.