Bảo quản bánh chưng không bị mốc trong ngày Tết đòi hỏi sự chỉn chu ngay từ bước chế biến, chọn mua. Ảnh: Thy Thương. |
Bánh chưng có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam. Dẫu vậy, việc bảo quản bánh chưng vẫn khiến nhiều gia đình lúng túng khi thường xuyên gặp tình trạng mốc, hỏng khi còn chưa sử dụng.
Mặt khác, nhiều cơ sở kinh doanh ngày nay không chú trọng tới chất lượng bánh, sức khỏe khách hàng cũng buộc người tiêu dùng phải lưu ý hơn khi lựa chọn.
Bánh chưng toàn diện về dinh dưỡng
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bánh chưng thường được ăn với dưa góp, hành muối. Đây là cách ăn truyền thống rất khoa học của cha ông ta.
Cụ thể, xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm với các nguyên liệu bao gồm gạo nếp (nhóm chất bột đường); đỗ xanh; thịt lợn (nhóm chất đạm động vật và đạm thực vật; nhóm chất béo); hành củ; hạt tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất)…
“Bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu. Vì vậy, việc ăn bánh với dưa góp, hành muối sẽ kích thích tiêu hóa, giúp chúng ta không bị đầy bụng”, BS Tiến chia sẻ.
Bánh chưng là món ăn toàn diện về mặt dinh dưỡng. Ảnh: Thy Thương. |
Về hàm lượng dinh dưỡng và năng lượng, 100 g bánh chưng cung cấp 181 calo; 4,3 g chất đạm; 4,2 g chất béo; 31,6 g chất bột đường; 0,6 g chất xơ; 26 g canxi; 0,94 g sắt; 1,4 g kẽm.
Trên thực tế, một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114 g. Một số gia đình sử dụng những chiếc bánh nhân đậu xanh loại nhỏ, thường có trọng lượng khoảng 25 g, cung cấp mức năng lượng là 50 calo; 1,8 g chất đạm; 0,7 g chất béo và 9,2 g chất bột đường.
Chú ý khi bảo quản và chọn mua
Việc bảo quản bánh chưng không quá khó khăn. Tuy nhiên, việc giữ được bánh lâu còn phụ thuộc phần lớn từ bước chế biến. Đây là lúc vấn đề phát sinh bởi ở thời điểm hiện tại, nhiều gia đình tại thành phố lớn không có nhiều thời gian để tự gói và phải mua từ các cửa hàng bên ngoài.
BS Nguyễn Văn Tiến cho biết theo kinh nghiệm, bánh mốc là do lá. Vì vậy, lá để gói bánh chưng phải rửa thật sạch, sau đó dựng góc nhà cho ráo nước, tránh nơi có gió.
Mặt khác, khi mua bánh chưng về, chúng ta không nên cho bánh vào túi nylon. Thay vào đó, mọi người nên treo lên hoặc cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
“Ở môi trường tự nhiên, bánh chưng thường để được khoảng 5 ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, bánh có thể bảo quản được trong 15-20 ngày, nhưng bánh sẽ bị rắn, lại gạo”, vị chuyên gia nói.
Ông cũng chia sẻ nếu luộc bánh chưng bằng thùng tôn hoa, bánh sẽ có màu xanh rất đẹp. Ngược lại, nếu luộc bằng thùng nhôm hay inox, bánh sẽ có màu lá xanh nâu.
Do đó, khi mua, người dân nên chọn bánh có màu xanh nâu. Nguyên nhân là thùng tôn chứa nhiều tạp chất kim loại, không tốt cho sức khỏe. BS Tiến cũng khuyến cáo mọi người nên chọn bánh gói nhiều lá.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn bánh chưng an toàn dựa trên màu lá. Ảnh: Thy Thương. |
Với những gia đình có điều kiện tự gói và luộc bánh chưng, khi luộc chín, mọi người phải vớt bánh chưng ra và dùng bàn chải cọ qua trong thùng nước lạnh, xếp bánh thành hàng và ép ráo nước. Chúng ta cũng cần lưu ý không ngâm bánh trong nước lã dù việc làm này giúp màu lá bánh đẹp hơn.
BS Tiến cho hay bánh chưng thường bị mốc từ ngoài vào do nấm mốc trong không khí. Bởi vậy, khi gói, bánh chưng phải dùng lá sạch, gói chắc tay, nhân bánh phải tươi, sạch.
“Luộc xong, chúng ta phải rửa bánh khi đang nóng. Nguyên nhân là lúc này bánh đang nở to, nước lã không vào được. Khi để nguội, nước lã sẽ vào và gây hỏng bánh”, vị chuyên gia chia sẻ.
Với những người mua bánh chưng bên ngoài, BS Tiến lưu ý nhiều người kinh doanh muốn sản xuất số lượng lớn nên đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta cần chú ý việc lựa chọn bánh. Những chiếc bánh xanh, đẹp, dẻo thơm trên thị trường lại thường chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.
Một vấn đề từng được nhắc đến là luộc bánh chưng bằng pin. Theo vị chuyên gia, môi trường chính trong những viên pin là kiềm. Trong môi trường này, diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá cây) có trong lá dong gói bánh sẽ chuyển thành màu xanh đậm.
“Đồng thời, kiềm còn giúp tinh bột hấp thụ nước tốt và trong hơn. Do đó, nhiều người đã dùng pin để luộc bánh chưng, làm bánh nhanh chín, hạt nếp trong, màu vỏ lá xanh và bắt mắt”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, nhiều nguy cơ tiềm tàng ít được chú ý đó là các kim loại nặng trong pin gồm: Chì (PB), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd) và asen (hay còn gọi là thạch tín)…
“Đây là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người”, BS Tiến khẳng định.
Vị chuyên gia khuyến cáo người dân Cần chú ý tới màu sắc của bánh khi mua. Thời gian luộc bánh chưng thường là 8-9 giờ. Lớp lá bên ngoài thường ngả màu, hơi vàng hay xanh nâu. Trái lại, bánh chưng luộc có pin mất ít thời gian hơn, vỏ ngoài thường cho màu xanh mướt, ánh tím.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.