Để đạt số điểm gần như tuyệt đối, bên cạnh sự chăm chỉ, các thủ khoa đại học đều có bí quyết ôn luyện hiệu quả và luôn giữ tâm lý vững vàng, thoải mái trong giai đoạn cận kề mùa thi.
Góp mặt trong hoạt động “Ôn thi cùng thủ khoa” thuộc khuôn khổ chương trình “Tiếp sức mùa thi 2022”, 40 thủ khoa đại học từ tất cả khối thi đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho sĩ tử 2K4. Trong những ngày cận kề kỳ thi quan trọng, việc đúc kết kinh nghiệm thực tế từ người đi trước góp phần giúp các sĩ tử tự tin “vượt vũ môn”.
Trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với số điểm 28,65, Lê Phạm Ngọc Lâm có khởi đầu ấn tượng cho hành trình theo đuổi niềm đam mê tại ngôi trường danh tiếng.
Để đạt được thành tích này, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng trong 12 năm đèn sách, bí quyết của nam thủ khoa là giữ nhịp độ ôn luyện vừa phải, kết hợp ăn ngủ điều độ, nhất là những ngày cận kỳ thi.
Bên cạnh lối sinh hoạt hợp lý, Lâm dành 1 tiếng/ngày để thực hiện các hoạt động thể chất. Điều này giúp Lâm có được tinh thần thoải mái, duy trì được sự hứng khởi suốt quá trình ôn tập đến khi bước vào phòng thi.
“Mỗi người có thể chọn môn thể thao yêu thích. Nếu bạn có điều kiện, chạy xe đạp là cách thể dục nhẹ nhàng và thú vị. Đạp xe các ngõ ngách, những nơi gần nhà mà mình chưa từng tới làm bản thân có sự hứng khởi để ôn tập và làm bài thi hiệu quả”, Ngọc Lâm cho hay.
Đây cũng lời khuyên từ Vi Văn Độ, thủ khoa khối T, Đại học Sư phạm Hà Nội với điểm số 40,32. Thầy giáo Thể dục tương lai nhấn mạnh sĩ tử khối T cần đề ra chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý.
Cận ngày thi là thời điểm nhạy cảm nhất với tất cả thí sinh. Vì vậy, các bạn nên thả lỏng, tập luyện vừa phải tránh chấn thương và chuẩn bị một tâm lý tốt, tự tin.
Còn đối với nữ thủ khoa khối A1 Học viện Tài chính - Đặng Phương Linh - giữ tâm lý ổn định trong suốt thời gian ôn tập và thi cử là mảnh ghép quan trọng để chinh phục kỳ thi quan trọng.
Linh cho rằng việc học liên tục dễ khiến thí sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất tập trung, ảnh hưởng đến kết quả. Song song việc ôn tập, sĩ tử có thể nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè, gia đình… để giải tỏa căng thẳng, giúp tốc độ tiếp thu bài vở nhanh hơn.
Cùng với đó, cô sinh viên năm nhất ngành Tài chính khuyên sĩ tử nên giữ lửa đam mê, nỗ lực và kiên trì. Hướng đến mục tiêu xa hơn sẽ tạo ra động lực, thay vì chịu áp lực về điểm số.
“Trong quá trình học và ôn thi, thí sinh khó tránh khỏi áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, chán nản. Nỗ lực đến cùng vì mục tiêu, đam mê và tin tưởng vào bản thân là chìa khóa để đi đúng hướng, bước gần hơn đến đích”, Linh chia sẻ.
Như Phương Linh chia sẻ, áp lực, mệt mỏi hay chán nản là điều các sĩ tử rất khó tránh trong quá trình ôn thi. Và Nguyễn Phương Hà - thủ khoa ngành Kinh tế đối ngoại 9 (khối A1), Đại học Ngoại thương - cũng không là ngoại lệ. Dù đạt số điểm gần tuyệt đối 29,1, Phương Hà cũng từng cảm thấy nhàm chán trong quá trình ôn thi. Cách để cô nàng khắc phục tình trạng này chính là thường xuyên thay đổi môi trường học tập như học ở thư viện, quán cà phê hay nhà bạn bè.
Điều này không những không khiến cô xao nhãng mà còn tạo ra nhiều cảm hứng ôn luyện. “Mình còn dành thời gian nhiều hơn cho sở thích cá nhân như vẽ, đi chụp ảnh… Áp lực thôi thúc mình chăm chỉ hơn nhưng cần giữ ở mức vừa đủ”, Hà chia sẻ.
Bí quyết của Nguyễn Phương Hà cũng có điểm tương đồng với nữ sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh - Võ Thị Kim Anh. Với 3 điểm 10 tuyệt đối ở các môn Toán, Hóa, Sinh, Kim Anh không chỉ trở thành sinh viên năm nhất Đại học Y Hà Nội, mà còn là thủ khoa đầu vào khối B cả nước. Nữ sinh khẳng định yếu tố quan trọng nhất khi “vượt vũ môn” là giữ tinh thần thoải mái và vững vàng.
“Khi đã chuẩn bị và cố gắng cả năm học, đến lúc bước vào phòng thi, thí sinh hãy giữ sự tự tin và tận hưởng như thể đây là lần cuối được giải đề. Như vậy, bạn sẽ cố gắng hết sức mình”, Kim Anh nhấn mạnh.
Kim Anh tiết lộ bí quyết giúp cô luôn giữ được tinh thần thoải mái là dành thời gian hít thở sâu, trò chuyện với giám thị và bạn cùng phòng trước khi bắt đầu bài thi. Một bí quyết khác là kết thúc mỗi phần thi, thí sinh không nên xem đáp án trên mạng để tránh ảnh hưởng tâm lý đến môn thi sau.
Giữ tinh thần thoải mái tiếp tục là bí quyết đầy “tâm đắc” của thủ khoa đầu vào khối C00 Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - Nguyễn Văn Lợi. Nam sinh nhắn nhủ sĩ tử không nên hồi hộp, lo lắng mà cần bình tĩnh hoàn thành đề thi từ câu dễ đến khó để kiểm soát thời gian hiệu quả. Khi lỡ quên kiến thức, thí sinh cần bình tĩnh bỏ qua và quay lại tìm đáp án nếu dư thời gian.
“Sĩ tử học tập chăm chỉ nhưng cũng phải nghỉ ngơi hợp lý. Mình luôn dành ra ngày chủ nhật để đi chơi với bạn bè nhằm giải tỏa căng thẳng. Điều đó giúp mình cảm thấy thoải mái, hạn chế cảm xúc tiêu cực và cảm thấy hứng thú khi giải đề cũng như làm bài thi”, Lợi cho hay.
Bên cạnh tinh thần thoải mái, các thí sinh nên bình tĩnh khi vào phòng thi thông qua phương pháp ôn luyện và làm bài hiệu quả. Theo thủ khoa đầu vào của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - Lê Phạm Ngọc Lâm - để đạt trên 25 điểm, nguyên tắc chung là cần học chắc phần kiến thức cơ bản.
Trong khoảng thời gian kề cận ngày thi, thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên khuyên các bạn 2K4 nên tập trung luyện đề. Trong quá trình luyện đề, với các câu sai trong khoảng dưới 8 điểm, sĩ tử cần tìm ra lỗi và rút kinh nghiệm. Phần từ 8 điểm trở lên, học sinh tùy năng lực để xem lại. Ngọc Lâm nhấn mạnh đây là thời gian không nên học thêm dạng bài mới.
Trong quá trình làm bài thi, Ngọc Lâm nhắn nhủ các thí sinh nên đọc đề cẩn thận, tránh mắc bẫy, bị trừ điểm đáng tiếc. Ngoài ra, đối với Toán và Vật lý, thí sinh không nên học vẹt công thức hay lạm dụng phương pháp giải bằng máy tính. Thay vào đó là rèn luyện khả năng suy luận để nắm bắt sự biến đổi của các dạng bài.
Chọn khối thi thiên về ghi nhớ và sử dụng ngôn ngữ, nhưng Phan Thị Hương cũng đề cao phương pháp làm bài thi tương tự Ngọc Lâm. Đây là bí quyết giúp nữ sinh này xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc Gia TP.HCM) với số điểm 28,75. .
Với Văn học, Hương nói không với học thuộc lòng đáp án phân tích tác phẩm. Thay vào đó, nữ thủ khoa nắm chắc ý chính của tác phẩm và tập trung rèn kỹ năng hành văn.
Cô còn học cách phân bổ và kiểm soát thời gian hợp lý khi giải đề Văn. Cụ thể, Hương dành 15-20 phút cho câu đọc hiểu, 15 phút cho nghị luận xã hội và 55-60 phút cho nghị luận văn học.
Tương tự ở môn Lịch sử, Hương tóm tắt các sự kiện thành những giai đoạn để dễ dàng nắm bắt dữ kiện chính. Còn với Địa Lý, nữ thủ khoa chia chương trình học thành 3 phần tự nhiên, dân cư và kinh tế, sau đó tiếp tục phân thành 4 cấp độ và học theo từ khóa. Phương pháp này giúp người học có thể ghi nhớ sâu và dễ vận dụng kiến thức khi ngày thi đã cận kề.
“Kiến thức là vô hạn trong khi não bộ của con người có giới hạn. Chúng ta không thể lưu trữ được quá nhiều nội dung. Bạn nên phân chia kiến thức thành các phần khác nhau để học sâu và nhớ lâu hơn”, Hương cho biết.
Đối với Lê Thái Đăng - thủ khoa đầu vào khối S, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, trải nghiệm cá nhân là yếu tố quan trọng giúp thí sinh đạt điểm tốt ở các bộ môn thiên về năng khiếu. Thi khối S, thí sinh sẽ được thử sức với 2 bộ môn không có trong chương trình học quốc gia là dựng tiểu phẩm và phân tích tác phẩm sân khấu.
Với phần dựng tiểu phẩm, trước ngày thi, thí sinh nên đọc nhiều kịch bản sân khấu, tác phẩm văn học để dễ nắm bắt chủ đề, cách xây dựng tình huống, phác họa nhân vật và mâu thuẫn kịch. Ở bộ môn còn lại, thí sinh cần xem nhiều tác phẩm sân khấu trên Internet hoặc nhà hát kịch. Khi xem các tác phẩm này, thí sinh cần tập trung vào diễn viên, cảnh trí, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, phục trang… để lấy kinh nghiệm.
Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các thủ khoa đều trải quá trình học tập, ôn luyện chăm chỉ và nỗ lực hết mình. Bên cạnh nắm vững kiến thức, điểm chung của các thủ khoa là áp dụng những bí quyết riêng, đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân. Để giúp sĩ tử 2K4 có thể học hỏi các kinh nghiệm này, chương trình “Tiếp sức mùa thi 2022” tổ chức hoạt động “Ôn thi cùng thủ khoa”.
Cụ thể, hoạt động "Ôn thi cùng thủ khoa" thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm vượt vũ môn của 40 thủ khoa từ khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi. Tuyển tập bí quyết được biên soạn dựa trên chia sẻ thực tế của từng bạn thủ khoa hứa hẹn là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả đúng mong đợi trong kỳ thi quan trọng.
Các bài viết hỗ trợ sĩ tử cách ôn luyện hiệu quả, áp dụng phương pháp học giúp ứng biến tốt trước các dạng bài ở từng bộ môn. Cách giữ tâm lý cho kỳ thi quan trọng cũng là điều được nhiều thủ khoa đề cập và nhấn mạnh trong “bí kíp” của mình. Cùng với đó, câu chuyện vượt khó để chạm vào ước mơ của nhiều thủ khoa cũng trở thành nguồn cảm hứng để sĩ tử 2K4 giữ động lực cho hành trình “vượt vũ môn”.
"Ôn thi cùng thủ khoa" là một trong những nỗ lực đổi mới của chương trình “Tiếp sức mùa thi 2022” với kỳ vọng giúp sĩ tử 2K4 có được sự chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi bước ngoặt. Từ đó, chương trình viết tiếp hành trình 21 năm đồng hành cùng sĩ tử Việt khám phá tri thức, góp phần cải thiện chất lượng ngành giáo dục Việt Nam.
Đại diện đơn vị đồng tổ chức "Tiếp sức mùa thi 2022", ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing, Tập đoàn Thiên Long - nhận định ý tưởng khai thác kinh nghiệm ôn luyện của các thủ khoa không mới nhưng đang được thực hiện khá dàn trải. Vì vậy, chương trình quyết định khai thác ý tưởng này bài bản hơn với sự tham gia của 40 thủ khoa ở tất cả khối thi, bao quát hầu hết bộ môn.
“Các thủ khoa khối thi năng khiếu cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình - đây là điều khá hiếm thấy trước đây. Tập đoàn Thiên Long kỳ vọng hoạt động này tạo nên một cuốn bách khoa thi cử hữu ích và toàn diện cho các sĩ tử Gen Z”, ông Trịnh Văn Hào nhấn mạnh.
Được tổ chức lần đầu vào năm 1997 với tên gọi “Hỗ trợ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng”, cùng sự hợp tác của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Báo Thanh niên và Tập đoàn Thiên Long, chương trình đã tiếp sức cho hàng trăm nghìn sĩ tử trên cả nước. Màu áo xanh “Tiếp sức mùa thi” trở thành hình ảnh quen thuộc, mang đến sự an tâm cho sĩ tử và phụ huynh qua sự giúp đỡ, hỗ trợ hết mình.
Trở lại vào năm thứ 21, sau một năm nhiều biến động, chương trình “Tiếp sức mùa thi 2022” có nhiều đổi mới, hỗ trợ thí sinh xuyên suốt trong hành trình trước, trong và sau kỳ thi, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, giai đoạn cao điểm 6/7-8/7. Bên cạnh hỗ trợ sĩ tử ở điểm thi, chương trình triển khai nhiều hoạt động tiếp sức tinh thần, tư vấn tâm lý cho thí sinh. Cùng với đó, chương trình triển khai không giới hạn hoạt động hỗ trợ thí sinh ôn thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, chương trình tặng 1.320 đầu sách luyện thi các môn Toán, Văn, Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học cho học sinh vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; các thí sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, các thí sinh khuyết tật…
Bên cạnh hoạt động “Ôn thi cùng thủ khoa”, chương trình tổ chức các khóa ôn tập cho hệ thống các môn thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, chương trình triển khai 2 triệu khóa luyện thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT và 15.000 khóa ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực của 3 đơn vị lớn là Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh đó, chương trình phối hợp với 25 đại học, các đơn vị truyền thông tổ chức chuỗi chương trình tư vấn trực tuyến, giúp giải đáp về các vấn đề liên quan đến cách thức tuyển sinh và ngành đào tạo.
Ông Trịnh Văn Hào kỳ vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhiều đổi mới, “Tiếp sức mùa thi 2022” cùng hàng nghìn thanh niên tình nguyện, nguồn lực xã hội đã sẵn sàng tổng lực hỗ trợ sĩ tử trên nhiều nền tảng trong mùa thi năm nay.
Thông qua chương trình, Tập đoàn Thiên Long kỳ vọng giúp các sĩ tử 2K4 vững tin “vượt vũ môn”, viết tiếp hành trình theo đuổi ước mơ. Không ngừng cập nhật xu hướng mới của người trẻ, Tập đoàn Thiên Long tin rằng “Tiếp sức mùa thi” năm nay sẽ ghi dấu ấn mạnh mẽ, thể hiện tinh thần “tỏa tri thức, bừng khí chất” của Gen Z.
Bình luận