Còn không đến 2 tuần nữa, hàng triệu sĩ tử trên khắp cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đây được xem là giai đoạn “nước rút” để học sinh lớp 12 củng cố kiến thức cũng như tạo sự cân bằng về tâm lý. Việc chia thời gian biểu, sức khỏe để có phương pháp ôn tập mang đến sự hiệu quả cao nhất cũng phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
“Chiến thuật” ôn tập hợp lý
Năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 5 bài thi, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Với khối lượng kiến thức đồ sộ từ các môn bắt buộc và phân môn tự chọn, các sĩ tử cần có cách thức hệ thống, ôn tập phù hợp, hiệu quả và hạn chế tình trạng quá tải trong thời điểm cận kề ngày thi.
Sĩ tử bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút” để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia giáo dục, vấn đề chuẩn bị kiến thức trước khi thi rất quan trọng. Các kiến thức tích lũy cần được hệ thống hóa, nội dung bài cần được hiểu để vận dụng hơn là học thuộc lòng. Đặc biệt, các sĩ tử cần hạn chế học lệch, học dồn vì dễ dẫn đến tình trạng vừa quá tải, vừa hổng kiến thức.
Với các bài thi thuộc khối Khoa học tự nhiên như Toán, Hóa học, Vật lý, Sinh học, nhiều thầy cô có kinh nghiệm khuyến khích học sinh ôn luyện bằng cách tìm hiểu, giải đề của các năm trước nhằm rèn phản xạ, tạo sự quen thuộc với hình thức lẫn cấu trúc bài thi. Việc này giúp các thí sinh tập cách phân chia thời gian chuẩn xác, ghi nhớ dạng câu hỏi cũng như ôn tập lại kiến thức.
Trong khi đó, với các bài thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, bao gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thầy cô khuyến khích sĩ tử ôn tập theo hướng xây dựng sơ đồ tư duy thông qua việc hệ thống hóa kiến thức. Việc sắp xếp các dữ liệu theo thời gian hoặc theo một quy chuẩn chung giúp học sinh ghi nhớ lâu hơn.
Riêng với môn Ngữ văn, bên cạnh việc ôn tập, ghi nhớ kiến thức về tác giả, tác phẩm, nắm chắc các dạng văn bản, giáo viên khuyến khích học sinh tổng hợp, cập nhật tin tức thời sự… để có thể đưa ra nhiều dẫn chứng cho bài viết cũng như nắm bắt nhiều sự kiện trong đề thi.
Thí sinh cần có sự cân bằng khi ôn tập nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Ảnh: Thảo Nguyên. |
Chuyên gia giáo dục cũng khuyên trong quá trình ôn tập, thí sinh cần xác định và chấp nhận thực tế không phải môn nào cũng là sở trường của bản thân. Từ đó, việc học trở nên bớt dồn ép, tránh việc quá tải. Thay vào đó, học sinh nên bình tĩnh rà soát, bổ sung một số điểm chưa ổn. Việc đầu tư nghiêm túc học tập rất cần thiết, song tùy vào mỗi cá nhân mà có thể đưa ra quyết định nên cầu toàn hay không trong việc dàn trải ôn tập.
Giữ vững tâm lý cho giai đoạn quan trọng
Song song việc ôn tập kiến thức, vấn đề sức khỏe và trạng thái tinh thần của thí sinh cũng rất quan trọng trong thời gian này. Phụ huynh cần lưu tâm việc để con có thời gian nghỉ ngơi phù hợp, chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất.
Chia sẻ về quá trình ôn luyện trước ngày thi, nhiều học sinh bày tỏ bản thân rơi vào tình trạng “bão hòa”, nghĩa là không thể tiếp tục nạp vào kiến thức hoặc có thì cũng quên rất nhanh.
Lý giải về vấn đề này, TS Tâm lý học Tô Nhi A - giảng viên ngành Tâm lý học, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) - cho biết hiện tượng học sinh không thể nạp thêm kiến thức trong giai đoạn nước rút diễn ra với nhiều nguyên nhân.
Nếu không có phương pháp học tập, ôn luyện khoa học, hệ thống, học sinh gặp phải tình trạng không hiểu thông tin theo cách logic, dẫn đến việc quá tải khi ghi nhớ kiến thức.
Mặt khác, việc mất cân bằng trong sinh hoạt vào những thời điểm nước rút như thức đêm quá nhiều, thiếu thời gian nghỉ ngơi… khiến não bộ của học sinh không thể đạt được trạng thái tốt nhất khi ghi nhớ kiến thức.
“Một nguyên nhân nữa có thể kể đến là cơ chế quên tạm thời của não bộ. Việc này giúp não bộ cân bằng lại kho dữ liệu đã được nạp vào, song nếu có phương pháp ôn luyện theo hệ thống, sức khỏe được đảm bảo, có hoạt động giao tiếp để tái hiện lại nội dung đã học, kiến thức sẽ được lưu trữ trong vùng trí nhớ dài hạn”, TS Tâm lý học Tô Nhi A nói thêm.
Việc ôn tập cần có phương pháp phù hợp để tránh tình trạng quên kiến thức. Ảnh: Chí Hùng. |
Cũng theo TS Tô Nhi A, trong giai đoạn này, sĩ tử cần giữ sức khỏe thể chất với chế độ dinh dưỡng phù hợp, đồng thời đảm bảo tinh thần cũng được nghỉ ngơi đầy đủ, gỡ bỏ, giải tỏa áp lực đè nặng.
Chuyên gia tâm lý nói thêm thí sinh không chỉ căng thẳng khi bước vào phòng thi mà còn chịu áp lực đeo bám dai dẳng với nỗi ám ảnh về kết quả phải tốt, phải hoàn hảo… Áp lực này có thể đến từ kỳ vọng của gia đình hay từ chính bản thân các em tự đặt ra cho mình.
“Nếu chúng ta đã nỗ lực hết sức mình, kết quả nhận lại là xứng đáng, cứ làm hết những gì trong khả năng, việc đón nhận kết quả sẽ chủ động hơn rất nhiều. Chúng ta thường nói ngoài kế hoạch A, chúng ta còn kế hoạch B, vậy sau đó nữa thì sao? Đừng quên bảng chữ cái có đến 24 chữ cái, nghĩa là các bạn có rất nhiều phương án. Hãy tạo cho bản thân tâm lý thật thoải mái để đón nhận kết quả và có sự chủ động cho bản thân”, TS Tâm lý học Tô Nhi A nhấn mạnh.
Ngoài ra, bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, không ít thí sinh đã tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hay lựa chọn xét tuyển học bạ từ sớm. Đây là một trong những cách giúp học sinh giảm bớt căng thẳng khi chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Nhiều trường đại học cũng tạo cơ hội từ sớm để thí sinh có thể chủ động nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tạo tâm lý thoải mái, đồng thời giúp các em chủ động lựa chọn được ngành học yêu thích.
Đơn cử, năm 2022, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) tuyển sinh 35 ngành với 4 phương thức xét tuyển, bao gồm xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ THPT lớp 12 tổ hợp 3 môn, xét học bạ THPT điểm trung bình 3 học kỳ. Thí sinh có thể lựa chọn phương thức phù hợp với bản thân.
Đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, UEF đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đến ngày 30/6 ở tất cả ngành đào tạo.
Zing News phối hợp ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) thực hiện tuyến nội dung “Tiếp bước đại học, vững bước tương lai”, nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử, tuyển sinh đại học trước thềm vượt vũ môn.
Năm 2022, UEF tiếp tục thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và trao nhiều suất học bổng tuyển sinh, tài năng cho tân sinh viên từ 25%, 50% đến 100% học phí. Bên cạnh đó, 17 chuyên ngành được doanh nghiệp tài trợ học bổng 30% toàn khóa học. Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho sinh viên trúng tuyển qua mọi phương thức. Thí sinh đăng ký tìm hiểu thông tin về trường tại đây.