Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Cách khắc phục tình trạng khàn giọng hậu Covid-19

Tình trạng khàn giọng, mất tiếng hậu Covid-19 có thể khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống hàng ngày.

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), SARS-CoV-2 có thể khiến người bệnh gặp một số thay đổi tạm thời đối với giọng nói của mình như tình trạng khàn giọng, mất tiếng hoặc âm thanh nhỏ hơn bình thường. Những thay đổi này tương tự điều có thể gặp phải khi bị cảm lạnh hoặc cúm, nhưng có khả năng nghiêm trọng và kéo dài hơn.

Một số người nhận thấy khả năng giao tiếp của họ có thể thay đổi sau khi nhập viện điều trị Covid-19. Nhiều người cũng gặp khó khăn khi tìm từ ngữ phù hợp hoặc mắc lỗi khi nói, thậm chí khó khăn khi đọc và viết.

Những thay đổi này thường là tạm thời và sẽ bắt đầu hết dần sau một vài tuần. Tuy nhiên, trong thời gian này, để giảm khó chịu, bạn cần nhớ một số nguyên tắc sau:

- Luôn uống đủ nước: Uống 1,5-2 lít chất lỏng không chứa caffeine hoặc cồn mỗi ngày.

- Thử xông hơi nhẹ nhàng bằng nước nóng (không thêm gì vào nước). Hít vào và thở ra nhẹ nhàng bằng mũi hoặc miệng. Tránh sử dụng nước quá nóng gây kích ứng cơn ho. Uống từng ngụm nhỏ nước lạnh có thể giúp giảm cơn ho.

Khac phuc khan giong hau Covid-19 anh 1

Uống từng ngụm nước nhỏ có thể giúp bạn giảm cơn ho gây rát cổ họng. Ảnh: Headtopics.

- Nhai kẹo cao su hoặc ngậm đồ ngọt có thể giúp thúc đẩy lưu lượng nước bọt, giúp bôi trơn cổ họng và có thể giảm chứng hắng giọng. Tránh dùng thuốc ngậm và nước súc miệng vì chúng có thể chứa các thành phần gây kích ứng niêm mạc cổ họng.

- Bạn không cần tránh nói hoàn toàn. Ngay cả trong giai đoạn đầu của virus, khi giọng nói ở mức tồi tệ nhất, việc nói vài từ ngắn thường xuyên trong ngày sẽ giúp dây thanh quản vận động hiệu quả.

- Đừng cố tình nói thì thầm, điều này không giúp cứu giọng nói của bạn, thậm chí nó còn gây áp lực lên dây thanh quản.

- Tránh hút thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử.

- Tránh nói chuyện khi xung quanh có nhiều tiếng ồn như nhạc, TV hoặc tiếng ồn của động cơ ôtô, vì điều này khiến bạn cố gắng tăng âm lượng, càng gây tổn hại dây thanh quản hơn. Cho đến khi giọng nói trở lại bình thường, tốt nhất là nên tránh các hoạt động gây hại thanh quản như la hét và ca hát.

- Đừng cố gắng trò chuyện qua điện thoại, trò chuyện trực tuyến hoặc video. Tạm ngừng nói chuyện khi thấy mệt, cổ họng khô, ngứa. Điều này giúp dây thanh quản có thời gian để phục hồi.

Ngoài Covid-19, axit trào ngược từ dạ dày cũng có thể gây kích ứng cổ họng. Để giảm thiểu tình trạng trào ngược axit, bạn nên tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn và đồ uống có tính axit cao như trái cây và nước trái cây họ cam quýt, giấm và dưa chua, cà chua, đồ uống có ga, chứa caffein và có cồn,…

Ngày càng nhiều người mắc hội chứng rối loạn giọng nói

Bệnh nhân thường rơi vào tình trạng chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi thậm chí không thể nói được.

Dịch Covid-19

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm