Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết của Goo Hara và mối lo về sự bắt chước thần tượng

Khi thông tin về sự mất mát, đau khổ của người nổi tiếng cứ lặp đi lặp lại, nhiều người lo sợ nó sẽ tạo ra hội chứng lây lan suy nghĩ tiêu cực trong cộng đồng fan.

Ngày 14/10, Sulli mất tại nhà riêng. Hơn 1 tháng sau, Goo Hara - người bạn thân thiết của Sulli - qua đời ở tuổi 28.

Hai nữ ca sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ 2 Kpop cùng ra đi ở tuổi đôi mươi. Hình ảnh của họ xuất hiện khắp các mặt báo, trang mạng xã hội và nối tiếp sau đó là vô vàn chia sẻ thương tiếc, xót xa của người hâm mộ.

Tuy nhiên, khi thông tin về sự mất mát, đau khổ cứ lặp đi lặp lại, nhiều người lo sợ nó sẽ tạo ra hội chứng lây lan suy nghĩ tiêu cực. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tự tử và các vụ nhập viện cấp cứu vì có ý định quyên sinh gia tăng đáng kể sau những cái chết của người nổi tiếng.

Goo hara tu tu anh 1
Goo Hara qua đời ở tuổi 28. Ảnh: High Cut.

Tự tử mang tính lây lan

Cuối năm 2017, Kim Jong Hyun, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc SHINee, tự tử vì trầm cảm ở tuổi 27. Trong một khoảng thời gian dài sau đó, truyền thông liên tục lật giở lại các mốc sự nghiệp của nam idol và cũng nói rất nhiều về trầm cảm, tự tử.

Vài ngày sau cái chết của Jong Hyun, trên mạng xã hội, cộng đồng Shawol (tên fanclub của SHINee) lan truyền thông tin 8 người hâm mộ đã cố tự sát. Một số được đưa đi cấp cứu và một số mất tích, không liên lạc được.

Tự tử mang tính lây lan. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Alex Mesoud, khả năng sao chép các vụ tự tử tăng cao sau khi khán giả hay tin ngôi sao nào đó đã chọn cách tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời.

Tại Nhật Bản, hiện tượng này được gọi là “hội chứng Yukiko”. Vào năm 1986, sau khi ca sĩ nhạc pop nổi tiếng Yukiko Okada tự vẫn, những vụ tự tử bắt chước đã gia tăng mạnh mẽ trên khắp nước Nhật.

Còn ở châu Âu, cuốn sách Nỗi đau chàng Werther phát hành năm 1974 đã làm bùng phát “đại dịch” tự sát học theo nhân vật chính trong truyện. Từ đó khái niệm “hiệu ứng Werther” được dùng để chỉ những cái chết bắt chước theo người nổi tiếng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vấn đề tâm lý sẵn có như trầm cảm có thể tiếp tay cho việc tự sát. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cho rằng "học tập xã hội" mới là tác nhân chính khiến một vụ tự sát của người nổi tiếng châm ngòi cho hiện tượng bắt chước.

Theo nhà tâm lý học Albert Bandura, hành vi của chúng ta thường bị tác động bởi khát khao muốn bắt chước theo cách hành xử của thần tượng.

Không chỉ vậy, những vụ tự tử của người nổi tiếng còn có thể dẫn đến cái mà các nhà nghiên cứu gọi là khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết (death thought accessibility - DTA).

Thường thì con người luôn tránh suy nghĩ về cái chết, nhưng khi một người mà mình biết qua đời - ngay cả khi đó là một ngôi sao chưa từng gặp mặt - chúng ta vẫn có thể bị ám ảnh về chết chóc nhiều hơn bình thường.

Đối với những người vốn đã cảm thấy chán nản và muốn tự sát, ý niệm về cái chết có khả năng biến sự tuyệt vọng của họ thành hành vi thật sự.

Truyền thông vội vàng, tắc trách

Sau cái chết của Sulli, cựu trưởng nhóm F(x) Victoria và nữ ca sĩ IU, đều là những người có mối quan hệ thân thiết với Sulli, bất ngờ bị dân mạng “ném đá”. Lý do là vì cả hai không chia sẻ lời thương tiếc dành cho người bạn quá cố trên trang cá nhân.

“Từ khi nào việc đăng bài trên mạng xã hội trở thành một thước đo? Nó có thể đo đạo đức, đo tình cảm con người, đo cảm xúc vui buồn đau khổ của bạn? Mạng xã hội là nơi để mọi người chia sẻ, từ khi nào nó đã trở thành nơi để phô diễn vậy?”, Victoria viết trên trang cá nhân vài ngày sau tang lễ của Sulli.

Sự gia tăng số ca tự tử tỷ lệ thuận với mức độ phủ sóng thông tin trên truyền thông, mạng xã hội. Những thông tin tiêu cực được nhắc đi nhắc lại vô tình ăn sâu vào tiềm thức của công chúng và ảnh hưởng không nhỏ đến những người nổi tiếng khác.

Goo hara tu tu anh 4
“Hiệu ứng Werther” là hành vi bắt chước tự tử theo thần tượng. Ảnh: Yonhap/ Reuters.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychology of Popular Media Culture tiến hành bởi Christine Ma-Kellams của ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng truyền thông vội vàng, tắc trách cũng có một phần trách nhiệm khi “hiệu ứng Werther” bùng phát trở lại.

Cái chết của một ngôi sao nào đó luôn là tin tức nóng hổi, giật gân song chuyện miêu tả quá chi tiết đến phương thức, nguyên nhân tự tử tạo nên tác động xấu đến cộng đồng.

Thay vì đưa tin vội vàng hay suy đoán chủ quan về quyết định tự vẫn, điều báo chí cần làm là khuyên nhủ, cung cấp các nguồn tư vấn cho người có ý định tự tử, nghiên cứu kết luận.

Nghiên cứu này cũng kêu gọi các phương tiện truyền thông cần khéo léo khi công khai các vụ tự tử của người nổi tiếng như luôn kèm theo thông tin phòng chống tự tử, tránh thi vị hóa chuyện tự tử…

Rất nhiều tổ chức phòng chống tự tử và hành động về sức khỏe tâm lý cũng kiến nghị truyền thông tuân theo một số nguyên tắc nhất định với hy vọng rằng số lượng người bắt chước tự tử sẽ giảm đi.

Cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc phải xem chồng như 'vua chúa trong nhà'

Vừa chăm sóc gia đình chồng vừa đi làm kiếm tiền, Emma Sumampong - cô gái người Philippines kết hôn với chồng Hàn - luôn được mẹ chồng nhấn mạnh "đàn ông như vua chúa trong nhà".


Lê Vy

Bạn có thể quan tâm