Zing.vn trích dịch bài viết 137 women have been killed by their partners in France this year. Critics blame a 'deeply sexist society' của tác giả Saskya Vandoorne đăng trên CNN nói về nạn bạo hành gia đình đối với phụ nữ, trong đó có nhiều trường hợp dẫn đến cái chết tại Pháp.
Marie-Alice Dibon và Luciano Meridda lần đầu gặp nhau khi ngồi chung chuyến taxi tới Paris (Pháp) vào năm 2004. Dibon, khi đó 38 tuổi và là một dược sĩ, đã tò mò tập thơ đặt cạnh chàng tài xế.
Meridda, khi đó 51 tuổi, đã hào hứng kể với Dibon về niềm đam mê văn chương của mình. Và người phụ nữ 38 tuổi đã phải lòng chàng trai yêu thơ ca ấy.
"Cậu ta luôn đọc sách, cố gắng để trông hiểu biết và có văn hóa hơn. Và tôi đoán, có lẽ vì thế mà Dibon rất tôn trọng và ngưỡng mộ", chị gái của Dibon, Helene de Ponsay, nói với CNN.
Mọi thứ diễn ra chóng vánh. Vài tuần sau, cả hai đã chuyển về ở chung trong căn hộ ở Courbevoie, vùng ngoại ô Paris.
Khi mới bắt đầu, họ đã rất hạnh phúc, theo lời chị gái Dibon. Nhưng 5 năm sau, Meridda dần bộc lộ nhiều tật xấu. Anh ta ngày càng thích kiểm soát bạn gái.
Dibon cũng phát hiện ra rằng Meridda nói dối việc độc thân mặc dù đã kết hôn và có con.
Trong suốt 10 năm sau đó, Dibon nhiều lần đề nghị chia tay. Tuy nhiên, Meridda tìm đủ mọi cách để níu kéo người yêu - từ đe đọa đến tuyệt thực.
"Dibon có lẽ cảm thấy một chút trách nhiệm. Em ấy lo sợ rằng hắn ta sẽ tự làm hại mình", Ponsay, chị gái cô, nói.
Vào sáng ngày 22/4 - khoảng 15 năm sau khi họ gặp nhau và hai ngày sau khi Dibon hạ quyết tâm chấm dứt tình cảm - thi thể của cô được tìm thấy trong một chiếc vali trôi nổi trên sông Oise, ngoại ô Paris.
Cảnh sát Versailles cho biết Meridda đã chuốc thuốc mê Dibon và sau đó đánh người yêu đến chết. Sau 2 tuần trốn chạy, anh ta đã tự sát.
Di ảnh của Marie-Alice Dibon - người phụ nữ bị bạn trai đánh thuốc mê và đánh đến chết. |
Dibon là một trong ít nhất 137 phụ nữ tại Pháp bị bạn đời giết hại trong năm 2019. Số liệu năm ngoái về các vụ tương tự là 121.
Sự thất bại của chính quyền Paris trong việc ngăn chặn khủng hoảng đã khiến giới phê bình nổi giận, chỉ trích Pháp bất công với nữ giới và kêu gọi một cuộc thảo luận cấp quốc gia về bạo lực gia đình.
"Nếu họ bảo vệ, con gái tôi vẫn còn sống"
Kể từ sau vụ việc, tên của Dibon xuất hiện ở khắp các đường hầm, tòa nhà, cây cầu. Người dán chúng là Camille Lextray – một thành viên của nhóm nữ quyền Collages Femaleicides.
Mục đích của hành động này là khiến dư luận biết đến các nạn nhân của nạn “femicide” - thuật ngữ chỉ hành vi giết hại phụ nữ với hung thủ là bạn trai, chồng hoặc thành viên gia đình, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
"Đó là cách chúng tôi muốn nhấn mạnh sự thật rằng ở Pháp, mọi người vẫn nghĩ rằng phụ nữ thuộc về đàn ông", Lextray nói với CNN.
Tỷ lệ phụ nữ bị giết hại do nạn kỳ thị giới ở Pháp cao hơn hầu hết nước ở châu Âu, chỉ đứng sau Đức, theo dữ liệu của tổ chức Eurostat năm 2017.
Marlene Schiappa, bộ trưởng Bình đẳng giới của Pháp, tin rằng văn hóa là một trong những nguyên nhân chính.
"Tôi nghĩ rằng xã hội Pháp rất phân biệt giới tính và thật khó để thay đổi”, bà Schiappa nói.
Ít nhất 137 phụ nữ ở Pháp đã bị chính chồng, bạn trai sát hại năm 2019. |
Trong bối cảnh dư luận vô cùng bức xúc, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này.
"Phụ nữ Pháp đã bị chôn vùi dưới sự thờ ơ của chúng ta", Thủ tướng Edouard Philippe nói vào tháng 9 trước khi tiết lộ một loạt các biện pháp chống bạo lực gia đình.
Ông Philippe đã cam kết dành 5 triệu euro (5,5 triệu USD) để thành lập thêm 1.000 nhà ở khẩn cấp cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong khi đó, Tổng thống Macron cũng từng đích thân tới một trung tâm tiếp nhận thông tin về các vụ bạo lực gia đình.
Theo một báo cáo do Bộ Tư pháp công bố tháng trước, trong một nghiên cứu 88 vụ việc phụ nữ bị giết bởi bạn đời, có đến 65% trong số đó từng cầu cứu giới chức Pháp.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc bị cảnh sát ngó lơ vì “không thuộc thẩm quyền”.
Nạn nhân Julie Douib bị chồng cũ bắn chết tại nhà ở Corsica vào tháng 3 vừa qua.
Trước đó vài ngày, người phụ nữ 34 tuổi này gọi điện khai báo chồng cũ của cô có súng. Cha Julie là ông Lucien Douib nói cô gọi báo cảnh sát ít nhất 5 lần.
“Họ có nghe máy nhưng không làm gì. Mỗi lần, chúng tôi lại nói chuyện với một cảnh sát khác nhau. Nếu như họ bảo vệ con gái tôi, bây giờ nó vẫn còn sống”, ông Douib nói.
Đề cập đến trường hợp của Julie Douib, Thủ tướng Philippe bày tỏ: “Sự chậm trễ trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình là điều không thể chấp nhận được. Julie Douib, người bị chồng cũ giết hại vào ngày 3/3, đã gọi điện cầu cứu cảnh sát. Nhưng vũ khí của người chồng không bị tịch thu, mặc cho mọi lời đe dọa và có chứng cứ y khoa chứng minh cô bị bạo hành”.
"Lãng mạn hoá" các vụ giết người
Caroline de Haas, một thành viên trong nhóm nữ quyền Nous Toutes, cho rằng thực thi pháp luật là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là thay đổi văn hóa.
Theo bà Haas, sự kỳ thị với nữ giới tại Pháp đã có từ lâu đời. Bộ luật Napoleonic năm 1804 từng tuyên bố rằng phụ nữ thấp kém hơn nam giới và đặt nền tảng cho nhiều điều luật bất bình đẳng giới ra đời sau đó.
"Nó xuất phát từ một lịch sử lâu dài mà ở đó nam giới thống trị," bà Haas nói.
Bản thân ngôn ngữ Pháp cũng là một công cụ thống trị của nam giới, theo thành viên nhóm nữ quyền Nous Toutes. Các quy tắc ngữ pháp ưu tiên danh từ giống đực hơn giống cái.
Các nhóm nữ quyền đã vận động để thay đổi ngôn ngữ Pháp theo hướng trung tính hơn.
Tuy nhiên Viện hàn lâm Pháp cho rằng điều này sẽ khiến tiếng Pháp rơi vào "nguy kịch" bởi vì nó "tạo ra sự nhầm lẫn, khó đọc".
Ngôn từ được sử dụng trên các phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng, theo các nhóm vận động nâng cao nhận thức bạo lực gia đình.
Phụ nữ Pháp biểu tình chống lại tội ác nhằm vào nữ giới, bạo lực gia đình. |
Theo Lea Lejeune, thành viên nhóm nữ nhà báo Prenons La Une, khái niệm “crime passionnel" (hay crime of passion) – tội phạm bạo lực, đặc biệt là giết người được hung thủ thực hiện trong lúc giận dữ, không lên kế hoạch trước - đang khiến vấn đề bạo lực giới bị hiểu sai.
“Các nhà báo đã lãng mạn hóa các vụ giết người theo cách: ‘Vì quá yêu nên họ mới giết người’. Các tiêu đề giật gân khiến thông điệp bị hiểu sai”, Lejeune nói.
Trong 2 năm qua, tờ nhật báo Liberation đã tiến hành thống kê các vụ giết người từ tháng 1 năm 2017 trở đi.
Gurvan Kristanadjaja, một thành viên của đội điều tra, cảnh báo các nhà báo sẽ rơi vào bẫy nếu cố biến tấu câu chuyện theo hướng "câu view".
"Trong một số bài báo bạn có thể đọc: 'Anh ta giết vợ mình vì không muốn cố ấy ra đi'. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Một lần nữa, nó biện minh cho tính chiếm hữu", Kristanadjaja nói.
Hơn bất kỳ điều gì, Helene de Ponsay, chị của nạn nhân Marie-Alice Dibon, tin rằng chính tính chiếm hữu của người đàn ông đã dẫn đến cái chết của em gái cô.
“Bạn biết đấy, đồ chơi hắn ta bỏ đi nhưng thà làm hỏng còn hơn cho người khác. Đó là một sự mất mát lớn đối với gia đình chúng tôi”, bà nói.
Bây giờ với tư cách thành viên của hiệp hội các gia đình có phụ nữ bị sát hại, cô thường kể lại câu chuyện đau đớn của em gái với hy vọng thúc đẩy chính phủ có giải pháp thiết thực hơn cho vấn đề bạo lực gia đình.
"Phụ nữ bị sát hại chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn rất nhiều vấn đề khác. Và để giải quyết, thay đổi văn hóa là cách duy nhất", Ponsay nói.