Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc phải xem chồng như 'vua chúa trong nhà'

Vừa chăm sóc gia đình chồng vừa đi làm kiếm tiền, Emma Sumampong - cô gái người Philippines kết hôn với chồng Hàn - luôn được mẹ chồng nhấn mạnh "đàn ông như vua chúa trong nhà".

Zing.vn trích dịch bài viết trên AFP mô tả cuộc sống của cô dâu ngoại quốc tại xứ sở kim chi - quốc gia đang có dân số già hóa nhanh chóng trong khi phụ nữ trong nước quay lưng với hôn nhân.

Tại ngôi làng miền núi cách quê nhà hàng nghìn km, Emma Sumampong (người Philippines) vừa phải lo cho mẹ chồng già yếu, vừa chăm sóc chồng con, vừa làm tại nông trại gia đình. Cô cũng có cả một công việc part-time.

Sumampong là một trong hàng nghìn cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc. Đất nước Đông Á đang già đi nhanh chóng nhưng phụ nữ lại chán ghét hôn nhân và quay lưng với kỳ vọng truyền thống về người vợ tốt, con dâu hiếu thảo có thể chăm sóc cha mẹ chồng khi về già.

Khác với những nền kinh tế phát triển khác ở châu Á như Hong Kong và Singapore, Hàn Quốc không cho phép người lao động nước ngoài tham gia vào ngành dịch vụ chăm sóc trong nước.

Nam giới tại xứ sở kim chi gặp khó khăn vì không tìm được vợ và cha mẹ già cũng không có người chăm sóc.

Các "tour" mai mối hôn nhân quốc tế được trợ cấp tại một số vùng nông thôn dành cho đàn ông lớn tuổi độc thân là "cứu cánh" cho vấn đề này.

Như nhiều cô dâu ngoại quốc khác, Sumampong gặp chồng cô, Lee Byung-ho, thông qua dịch vụ mai mối tại quê nhà.

Trong khi chăm sóc 3 thế hệ (mẹ chồng, chồng, các con), người phụ nữ 48 tuổi vẫn phải làm việc để kiếm tiền. “Tôi phải đứng vững cả về tinh thần và thể xác để vượt qua mọi khó khăn sẽ đến với mình”, cô nói.

lay chong han quoc anh 1
Trung bình mỗi năm, xứ củ sâm lại có thêm khoảng 15.000 cô dâu ngoại quốc, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Cô con dâu kiểu mẫu

Một ngày của Sumampong bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Đó là lúc cô phải thức dậy để chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình, làm việc nhà và rồi đưa các con đến trường đúng giờ. Sau đó, cô đến làm thêm ở văn phòng quận.

Vào buổi chiều, khi không đi làm, Sumampong lại loay hoay với mấy ruộng rau quanh nhà trước khi nấu bữa tối, dọn dẹp và giúp con làm bài tập về nhà.

Cô là người duy nhất chăm sóc mẹ chồng 89 tuổi, không thể đi lại. Từ tắm rửa, giặt quần áo đến đi vệ sinh… đều một tay Sumampong lo liệu. Trước khi qua đời vào năm 2012, cha chồng cũng từng được cô chăm sóc như vậy.

Những nỗ lực của Sumampong đã được chính quyền chú ý và ghi nhận bằng một giải thưởng. Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội phúc lợi gia đình Hàn Quốc trao giải Hyobu - danh hiệu đặc biệt dành cho những cô dâu hiếu thảo với cha mẹ chồng.

Những giải thưởng tương tự Hyobu khá phổ biến ở Hàn Quốc, thậm chí còn có loại dành riêng cho các cô dâu nước ngoài. Tuy vậy, chúng vẫn không thể níu chân những người cô gái đã chẳng còn mặn mà với vai trò con dâu truyền thống.

Năm 2018, chỉ 22,4% phụ nữ Hàn Quốc độc thân nghĩ rằng hôn nhân là cần thiết trong khi năm 2010, tỷ lệ này là 46,8%, theo dữ liệu của chính phủ. Tỷ lệ sinh của xứ sở kim chi cũng ở mức thấp kỷ lục.

Hàn Quốc đang đối mặt với một quả bom hẹn giờ khi đến năm 2030, gần 1/4 dân số sẽ ở độ tuổi trên 65. Và với rất ít trợ cấp từ chính phủ, câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ chăm sóc những người già nếu gia đình của họ cũng không thể làm điều đó.

Hyunjoo Naomi Chi, giáo sư chính sách công tại Đại học Hokkaido (Nhật Bản), giải thích: "Giải thưởng Hyobu củng cố vai trò giới truyền thống mà ở đó người duy nhất có trách nhiệm chăm sóc gia đình là phụ nữ.

Việc trao những giải thưởng như vậy cho cô dâu nước ngoài thậm chí còn kỳ cục hơn. Điều đó như muốn nói rằng để trở thành vợ của người Hàn Quốc, bạn cần phải là 'người phụ nữ lý tưởng' như thế này".

Bonnie Lee, người làm việc tại Seoul và không có ý định kết hôn, đồng ý rằng các giải thưởng vinh danh con dâu kiểu mẫu đã lỗi thời.

“Hầu như không có cô gái nào ở độ tuổi 20, 30 muốn được gọi là Hyobu. Chúng ta cũng chưa bao giờ có giải thưởng tương tự cho con rể hiếu thảo, vì vốn dĩ chẳng có những người như vậy”, Lee khẳng định.

“Đàn ông như vua chúa trong nhà”

Park In-seong (48 tuổi), một mình chăm sóc mẹ già ốm yếu ở Incheon, đã thử tìm đến các công ty môi giới hôn nhân quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì.

“Thực tế là không có người phụ nữ Hàn Quốc nào muốn cưới một người đàn ông như tôi. Bởi vì điều đó có nghĩa là họ phải chăm sóc cả mẹ tôi nữa”, người đàn ông U50 thừa nhận.

Park cảm thấy ghen tỵ với những người may mắn có thể cưới một cô vợ tốt bụng, hiếu thuận với nhà chồng. “Tôi nghĩ mình không được như họ”, Park nói.

Tại các vùng nông thôn, khi giới trẻ lần lượt rời quê lên phố thị lập nghiệp, những người còn sót lại được cho là tuân thủ nghiêm ngặt vai trò giới truyền thống.

Mẹ chồng của Sumampong là một ví dụ điển hình. Bà rất tức giận mỗi khi con trai cố gắng giúp vợ làm việc nhà.

lay chong han quoc anh 5
42% cô dâu nước ngoài lấy chồng Hàn là nạn nhân của bạo lực gia đình, theo Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc.

“Bà luôn nhấn mạnh đàn ông giống như vua chúa trong nhà vậy”, Sumampong nói.

Dù không thực sự tán đồng suy nghĩ này, cô dâu người Philippines vẫn luôn cố làm vừa lòng mẹ chồng. Khi được hỏi liệu cô có hạnh phúc không, Sumampong nói: “Tôi rất vui vì đã kết hôn với anh ấy”.

Lee Byung-ho, chồng Sumampong, có thu nhập khá khiêm tốn từ công việc tại công ty điện tử và trang trại gia đình. Sumampong dự định sử dụng số tiền thưởng của mình - khoảng 2.000 USD - để về thăm gia đình ở Philippines một chuyến sau 6 năm xa cách.

Trong mắt dân làng Hoengseong, Sumampong là hình mẫu con dâu lý tưởng.

Quan chức thành phố Nam Koo-hyun - người đã đề cử cô cho giải thưởng Hyobu - cho biết: “Cô ấy là tấm gương cho những cô dâu ngoại quốc khác trong thị trấn của chúng tôi”.

Khoảng 260.000 người nước ngoài đã kết hôn với đàn ông Hàn Quốc. Trung bình mỗi năm, xứ củ sâm lại có thêm khoảng 15.000 cô dâu ngoại quốc, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Lý do kết hôn của họ thường là để thoát nghèo, tìm kiếm cơ hội ở vùng đất mới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng như Sumampong. 42% cô dâu nước ngoài lấy chồng Hàn là nạn nhân của bạo lực gia đình, theo Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc.

Nhiều chuyên gia nói rằng các cô dâu ngoại quốc thường rất khó chấp nhận tính gia trưởng ăn sâu trong gia đình, xã hội Hàn Quốc, bất kể họ lớn lên trong nền văn hóa như thế nào.

Người đời - nỗi sợ hơn cả nghèo đói và cô độc của mẹ đơn thân

Nhiều cha mẹ đơn thân phải chịu sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, trong khi con cái của họ bị kỳ thị ở trường học vì có gia đình không theo "chuẩn chung".






Lê Vy

Bạn có thể quan tâm