Dấu chân kỹ thuật số (digital footprint) có thể ảnh hưởng đến cơ hội học tập, làm việc của người trẻ. Ảnh minh họa: Alix Earle. |
Aly Drake coi TikTok như một cuốn nhật ký.
Khi cảm thấy trống vắng, không có bạn bè ở bên, cô sẽ làm một video về điều đó. Khi nhận thấy các triệu chứng của chứng rối loạn lưỡng cực, hoặc tự hỏi liệu người yêu cũ còn nghĩ gì về mình không, cô sẽ mở ứng dụng và bấm nút ghi hình, theo The Washington Post.
Tuy nhiên, sở thích này đã khiến Aly không thể tham gia đội thể thao của trường đại học.
Aly và bạn bè đồng trang lứa đang ở trong tình thế khó khăn. Lớn lên với Internet rồi bị cô lập bởi đại dịch, cuộc sống xã hội của họ phần lớn diễn ra trên các ứng dụng mạng xã hội.
Những clip chia sẻ, giãi bày tưởng chừng vô hại nhưng khiến Aly vuột mất cơ hội gia nhập đội thể thao. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels. |
Cùng với sự gia tăng của các chiến dịch truyền thông xã hội xoay quanh việc “nâng cao nhận thức” những chủ đề như sức khỏe tâm thần và sự tích cực hình thể, ngày càng nhiều người trẻ ồ ạt chia sẻ trải nghiệm cá nhân trên không gian mạng.
Nhưng đến khi vào đại học hoặc bắt đầu đi làm, họ vấp phải một thực tế nghiệt ngã rằng tiêu chuẩn về tính chuyên nghiệp tồn tại từ những thế hệ trước vẫn không hề thay đổi. Điều này đồng nghĩa rằng các bài đăng sẻ chia tâm tư, trải nghiệm cá nhân được đón nhận nhiệt liệt như cách mà mạng xã hội thường khuyến khích.
Mất việc, trượt tuyển sinh vì mạng xã hội
Cô gái 19 tuổi thừa nhận bị ”ám ảnh” về việc nắm bắt thuật toán ứng dụng và loại nội dung nào thu hút tương tác tốt. Các video của cô thường tìm đến đúng tệp khán giả - những người hiểu Aly và những gì cô trải qua.
Nhưng đồng thời, các đoạn clip ngắn này cũng xuất hiện trên cả trang Dành cho bạn (For You Page) của một số HLV trong chương trình trượt nước tại trường đại học mà cô dự định tham gia.
Họ đã gửi cho Aly một email nói rằng video của cô “quá tiêu cực” và từ chối đơn đăng ký tham gia vào đội tuyển trượt nước.
“Tôi chỉ chia sẻ cảm xúc của mình. Đáng lẽ điều đó phải được hoan nghênh. Thật sốc khi phải nhận hậu quả từ việc đăng tải trên trang cá nhân”, Aly, người sở hữu hơn 4.000 lượt theo dõi, chia sẻ.
Ngoài CV, các nhà tuyển dụng cũng quan tâm tới hồ sơ mạng xã hội của ứng viên. Ảnh minh họa: Tracy Le Blanc/Pexels. |
Trong email từ chối Aly, ban huấn luyện lưu ý rằng: “Nếu muốn tăng số tiền tài trợ và đóng góp, chúng ta phải chứng minh với trường đại học và cộng đồng thấy toàn đội đánh giá cao sự hỗ trợ của họ”.
Cuối cùng, Aly phải bắt đầu quá trình nộp đơn đăng ký vào đội tuyển lại từ đầu. Cô từ chối nêu tên chương trình đã từ chối mình nhằm bảo vệ danh tiếng của cô với tư cách là một VĐV trường đại học.
Theo một cuộc khảo sát của công ty dịch vụ giáo dục Kaplan, số lượng cán bộ tuyển sinh đại học truy cập hồ sơ mạng xã hội của ứng viên đã giảm dần trong ba năm qua, từ khoảng 1/3 vào năm 2020 xuống còn 1/4 hiện nay.
Tuy nhiên, đa số cán bộ tuyển sinh thấy rằng việc cân nhắc hồ sơ trên mạng xã hội của ứng viên trong quá trình tuyển sinh là điều công bằng. Theo Robert Franek, Tổng biên tập của Princeton Review, một hồ sơ xác thực, uy tín có thể mang lại lợi thế cho người nộp đơn.
“Giả dụ, tôi với bạn học cùng trường cấp 3, đạt điểm thi giống nhau và cùng tham gia một số hoạt động ngoại khóa. Nhưng dưới góc độ tuyển sinh, giữa chúng ta vẫn sẽ có những điểm khác biệt. Và mạng xã hội có thể cho thấy điều đó”, ông nói.
Cũng bởi vậy, mạng xã hội cũng có thể khiến một ứng viên trượt tuyển sinh hoặc tuyển dụng. Franek khuyên người trẻ, đặc biệt là những thanh thiếu niên muốn vào đại học, rằng hãy đăng các bài viết trên mạng như thể đang cho ông bà, cha mẹ xem.
Dùng mạng xã hội sao cho đúng
Theo Michael Zimmer, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Đạo đức và Xã hội tại Đại học Marquette (bang Wisconsin, Mỹ), một mặt, việc xem xét hồ sơ mạng xã hội của các ứng viên có thể gây ra tình trạng phân biệt đối xử.
Chẳng hạn, nội dung được coi là xúc phạm nếu đăng tải bởi một cô bé tuổi teen, nhưng lại vô hại nếu xuất phát từ tài khoản của một cậu bé cùng tuổi.
Người trẻ cần lưu ý về "dấu chân kỹ thuật số" của mình khi dùng mạng xã hội. Ảnh: Elena Lacey/The Washington Post; iStock. |
Mặt khác, việc kiểm tra trang cá nhân có thể giúp ngăn chặn nguy cơ phân biệt đối xử trong khuôn viên trường học. Năm 2020, Đại học Marquette từng hủy lời mời nhập học của một sinh viên sau khi phát hiện bài đăng mang tính phân biệt chủng tộc liên quan đến vụ sát hại George Floyd.
Tuy nhiên, còn phải tùy thuộc vào nhà tuyển dụng hoặc cán bộ tuyển sinh để hiểu bối cảnh của nội dung bài viết được đăng trên mạng xã hội. Điều này đòi hỏi họ có sự đồng cảm và hiểu biết về văn hóa đại chúng.
Do đó, rủi ro lớn hơn là việc các trường đại học và nhà tuyển dụng giao trách nhiệm cho AI quét tài khoản cá nhân của các ứng viên để tìm dấu hiệu đáng lo ngại. Hiện một số công ty đã dùng AI để sàng lọc sơ yếu lý lịch và thực hiện các cuộc phỏng vấn qua video.
Ông Zimmer khuyên rằng thay vì tạo ra một hồ sơ hoàn hảo, người trẻ nên xây dựng trang mạng xã hội của mình nhất quán với thông tin mà họ nộp cho ban tuyển sinh hoặc phía công ty tuyển dụng.
Về phần mình, Aly hiện ngừng tạo các video TikTok mỗi khi cảm thấy cô đơn hoặc buồn bã. Cô tránh đồ uống có cồn và những từ chửi thề trong các bài viết, đồng thời cố gắng tự nhắc nhớ về dấu chân kỹ thuật số của mình.
“Tôi trở nên cẩn thận với từ ngữ và cách thể hiện hơn một chút. Nhưng đồng thời tôi vẫn duy trì bản sắc cá nhân trên mạng xã hội”, cô chia sẻ.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.