Kết nối nơi công sở có thể cải thiện tinh thần và năng suất, nhưng cũng cần có "hàng rào" ngăn cách cho các mối quan hệ quá thân thiết để duy trì môi trường làm việc tích cực. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Môi trường công sở không chỉ là nơi để cống hiến sức lao động mà còn là nơi vun đắp các mối quan hệ xã hội.
Nghiên cứu của QualtricsXM cho thấy kết nối xã hội chính là yếu tố then chốt thúc đẩy sự gắn bó và hạnh phúc của nhân viên.
Thế nhưng, giữa mong muốn xây dựng tình bạn thân thiết và việc duy trì ranh giới chuyên nghiệp, đôi khi ranh giới ấy lại trở nên mong manh.
Theo Forbes, các nhân sự trong tổ chức cần phân biệt mối quan hệ nơi làm việc và tình bạn cá nhân. Điều này giúp duy trì môi trường làm việc tích cực, lành mạnh và tránh được những hệ lụy không mong muốn.
Xây dựng mối quan hệ gắn bó với đồng nghiệp mang đến nhiều lợi ích, song việc tách bạch giữa quan hệ công việc và bạn bè là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
"Đồng nghiệp không phải bạn"
"Đồng nghiệp không phải bạn bè" là lời khuyên thường được nhắc đến, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ranh giới chuyên nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi và tình bạn thân thiết song song. Và giữ được sự cân bằng này là điều không hề dễ dàng.
Xây dựng kết nối xã hội giúp nâng cao tinh thần và năng suất làm việc, nhưng việc đặt ra những giới hạn nhất định để duy trì môi trường làm việc tích cực và lành mạnh cũng là điều cần thiết.
Forbes chỉ ra 6 rủi ro có thể xảy ra nếu mối quan hệ đồng nghiệp trở nên quá thân thiết.
Bị buộc tội thiên vị và trở thành tâm điểm của những lời đồn: Quá thân thiết có thể khiến bạn dễ bị nghi ngờ thiên vị cho bạn bè trong công việc và trở thành đối tượng "tiềm năng" của những lời đàm tiếu.
Giảm năng suất: Thói quen đùa giỡn giữa các mối hệ thân thiết có thể gây mất tập trung, ảnh hưởng đến năng suất chung và phá vỡ không khí làm việc nghiêm túc.
Rạn nứt tình bạn: Đối diện với sự cạnh tranh thăng chức hoặc tăng lương, mối quan hệ có thể bị ảnh hưởng hoặc rạn nứt nếu chỉ có một người phát triển.
Lộ thông tin cá nhân: Bạn có thể dễ dàng tiết lộ thông tin cá nhân, bí mật hoặc những sai lầm trước đây của bản thân khi mối quan hệ thân thiết. Những thông tin này có thể trở thành "con dao hai lưỡi" được lợi dụng để hủy hoại sự nghiệp của bạn nếu mối quan hệ xấu đi.
Hiểu lầm và quấy rối: Việc thân thiết quá mức dễ dẫn đến hiểu lầm, những câu nói đùa hoặc bình luận có thể bị bóp méo, dẫn đến chuyện bạn có thể bị cáo buộc gây hấn hoặc quấy rối đồng nghiệp.
Không khí căng thẳng: Một khi tình bạn ở nơi làm việc bị rạn nứt, điều này sẽ tạo ra bầu không khí không thoải mái cho cả nhóm.
Duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa mối quan hệ công việc và ranh giới cá nhân bằng cách giao tiếp cởi mở, hạn chế giao lưu trong giờ làm. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Xây dựng những ranh giới lành mạnh
Hiểu rõ những rủi ro tiềm ẩn của việc quá thân thiết với đồng nghiệp là điều quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý để tránh những nguy cơ kể trên:
Giao tiếp cởi mở: Hãy xây dựng kế hoạch cân bằng giữa tính chuyên nghiệp và sự thân thiết, đặt ra những ranh giới rõ ràng, đồng thời truyền đạt những điều này đến đồng nghiệp.
Hạn chế chia sẻ quá nhiều vấn đề cá nhân: Tránh chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, không tham gia vào những cuộc tranh đấu nội bộ và tuyệt đối không nói xấu đồng nghiệp sau lưng.
Ưu tiên năng suất: Hãy tập trung hoàn thành các mục tiêu công việc thay vì dành quá nhiều thời gian cho các cuộc hội thoại phiếm công sở.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.