100 triệu đồng đầu tiên là cột mốc trong tài chính đối với nhiều người trẻ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
100 triệu đồng đầu tiên được nhiều người trẻ nhận định là một dấu mốc thành công trên hành trình phát triển sự nghiệp.
Thời gian kiếm được số tiền này phụ thuộc vào công việc, thu nhập, hướng đi của mỗi người. Trong khi một số dễ dàng kiếm 100 triệu đầu tiên, nhiều người lại tốn thời gian dài để tài khoản ngân hàng đạt đến con số này.
Tri thức - ZNews trò chuyện với 4 bạn trẻ để ghi nhận câu chuyện về quá trình lần đầu kiếm số tiền lên đến 8 con số 0.
Anh Dũng có 100 triệu đầu tiên nhờ hoạt động kinh doanh online vào năm 2 đại học. |
10 tháng
Anh Dũng (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
6 năm trước, khi là sinh viên năm 2, tôi may mắn nhận thấy một cơ hội kinh doanh tiềm năng. Nhờ sự giới thiệu, hỗ trợ của một người họ hàng sinh sống và làm việc tại Quảng Châu (Trung Quốc), tôi nhập máy chiếu phim mini tại gia về bán.
Tôi vay vốn bố mẹ, chỉ nhập khoảng 10 sản phẩm trong lần đầu để thử phản ứng thị trường. Không đủ tiền thuê mặt bằng mở cửa hàng, tôi kinh doanh online, lập các gian hàng trên sàn thương mại điện tử, tiếp thị trên chính trang cá nhân.
Lúc đó, tôi không có kinh nghiệm, kiến thức về marketing, chỉ chụp hình sản phẩm thật, viết 2-3 dòng giới thiệu và đăng tải lên mạng xã hội.
6 năm trước, máy chiếu mini là mặt hàng mới, thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng trẻ.
Nhiều bạn bè của tôi khi đó mới sống riêng, mong muốn tạo hoạt động giải trí ở nhà cùng người yêu, tiết kiệm tiền ăn uống hàng ngày, đầu tư một chiếc máy chiếu. Vận may đến, tôi thu hồi vốn trong chỉ 3 tháng.
Sau 10 tháng kể từ lúc bắt đầu kinh doanh, tôi kiếm được 100 triệu đồng đầu tiên ở tuổi 19. Tuy nhiên, việc kinh doanh này ngốn nhiều thời gian, công sức của tôi. Tôi trượt phần lớn môn học của năm 2, không đăng ký đủ số tín chỉ.
Nhận thấy máy chiếu mini dần trở nên thịnh hành, nhiều đại lý lớn nhập mặt hàng này về bán. Nhờ nguồn lực lớn, họ nhập khẩu số lượng lớn, nhận chiết khấu, bán với mức giá thấp hơn tôi.
Vừa khó tìm cơ hội cạnh tranh vừa thấy việc học hành bị ảnh hưởng ít nhiều, tôi dừng hoạt động bán hàng online sau hơn 1 năm. Dù không kéo dài lâu, công việc này cho tôi cơ hội tiếp xúc, cọ xát với thị trường sớm, bổ trợ cho vai trò chuyên viên kinh doanh hiện tại.
Minh Trang làm 3 công việc một lúc, gia tăng nguồn thu để đi du học tự túc. |
1 năm
Minh Trang (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội)
Năm 23 tuổi, tôi quyết định đi du học. Mong muốn này của tôi bị gia đình, bạn bè đồng loạt phản đối.
Lúc đó, tôi có công việc tốt, đang trên đà phát triển tại bộ phận marketing của một doanh nghiệp Nhật Bản. Bố mẹ tôi cho rằng 4 năm du học sẽ khiến tôi thụt lùi so với bạn bè đồng trang lứa, lỡ dở trên hành trình phát triển sự nghiệp.
Không thể thuyết phục phụ huynh, tôi quyết định không xin tiền gia đình đi du học. Để hoàn thành mục tiêu này, tôi vừa xin học bổng vừa làm 3 công việc trong 1 năm.
Bên cạnh công việc chính tại phòng marketing, tôi nhận dịch sách và trợ giảng các lớp học IELTS buổi tối. Với 3 công việc, thu nhập của tôi lên đến hơn 30 triệu đồng/tháng.
Sau khi chi trả các khoản sinh hoạt phí tại Việt Nam, nộp tiền cho các đơn vị tư vấn du học, làm hồ sơ, tôi tiết kiệm được 100 triệu đồng đầu tiên trong khoảng 1 năm. Tôi coi đây là khoản tiền “dắt túi” trong khoảng thời gian đầu du học.
Trúng học bổng, tôi không phải lo lắng về học phí. Tuy nhiên, để trang trải chi tiêu, tôi đi làm thêm ngay sau khi đặt chân đến Toronto, Canada.
Số dư 100 triệu đồng trong ngân hàng giúp tôi yên tâm hơn trong những ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới.
Phúc Trường khởi nghiệp với hoạt động kinh doanh homestay, đạt 100 triệu đồng sau 2 năm. |
2 năm
Phúc Trường (29 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội)
Năm 2019, tôi quyết định khởi nghiệp với dự án homestay đầu tiên. Tôi vay ngân hàng 60 triệu đồng, thuê lại một căn phòng trong khu tập thể cũ, cải tạo và trang trí theo phong cách Indochine.
Sau khi trang hoàng, tôi chụp hình phòng ốc đăng tải lên các ứng dụng cho thuê homestay như Airbnb, Booking, Agoda để khai thác. Nhiều du khách nước ngoài tìm đến thuê phòng, giúp tôi hoàn vốn trong khoảng 8 tháng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và quy định giãn cách xã hội, công việc kinh doanh địa điểm lưu trú của tôi gặp gián đoạn. Nhận thấy tình huống khó khăn, tôi đành đổi hướng hoạt động, cho thuê căn hộ theo tháng với mức giá rẻ hơn.
Một số người nước ngoài “bị kẹt” tại Việt Nam quyết định thuê lại căn phòng, giúp tôi có thêm khoản thu, trang trải phí thuê mặt bằng.
Ban đầu, tôi dự định kiếm 100 triệu đồng trong 1 năm kinh doanh. Tuy nhiên, tôi chỉ đạt được con số này sau 2 năm.
May mắn tồn tại sau giai đoạn dịch bệnh, tôi mạnh dạn tái đầu tư. Hiện nay, tôi sở hữu 2 căn homestay tại khu vực phố cổ Hà Nội. Hoạt động kinh doanh này giúp tôi gia tăng thu nhập bên cạnh công việc chính là kỹ sư IT.
4 năm là thời gian Ngọc Loan tiết kiệm 100 triệu đồng đầu tiên. |
4 năm
Ngọc Loan (27 tuổi, quận 8, TP.HCM)
Sau 4 năm đi làm, tôi lần đầu nhìn thấy tài khoản tiết kiệm vượt mốc 100 triệu đồng. Trong những năm đầu gia nhập thị trường lao động, tôi không có thói quen tiết kiệm, làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu.
Tôi dành phần lớn lương, thưởng cho các hoạt động như mua sắm và du lịch. Ngân quỹ dự phòng của tôi gần như bằng 0.
Tuy nhiên, tôi phải thay đổi quan điểm tài chính, lối sống tiêu dùng khi đột ngột lọt vào danh sách sa thải của công ty cũ. Cụ thể, khi bị cho thôi việc, tôi bước vào trạng thái hoang mang, lo lắng vì không có tiền tiết kiệm.
Trong 3 tháng thất nghiệp, tôi phải vay tiền bố mẹ, bạn bè để trang trải sinh hoạt phí. Biến cố này thúc đẩy tôi xây dựng thói quen chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm.
Mỗi tháng, khi nhận lương, tôi lập tức chuyển 10% thu nhập vào quỹ dự phòng. Tôi chỉ rút tiền từ ngân quỹ này ra khi có việc khẩn cấp cần giải quyết.
Sau khi đặt lệnh chuyển một phần thưởng Tết năm ngoái vào tài khoản tiết kiệm, tôi bất ngờ khi nhận thấy số dư lên đến 8 con số 0. Tôi coi đây là thành tựu của bản thân trong việc quản lý tài chính cá nhân.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.