Sáng 19/9, N.T. (thành phố Thủ Đức) nhận một đơn giao trà sữa cùng địa bàn. Anh mất hơn 30 phút xếp hàng chờ lấy đồ uống từ quán.
Quãng đường từ nơi bán đến vị trí của khách hàng hiển thị trên bản đồ khoảng 2,5 km. Tuy nhiên, thực tế shipper này phải di chuyển hơn 5 km mới đến nơi vì đường nhiều chốt chặn.
Anh mất gần hai tiếng để hoàn thành đơn này và được trả 23.000 đồng phí ship.
"Có những đơn 1 km nhưng chạy 4 km, không bao giờ có thể chạy đường ngắn nhất như bản đồ trên app chỉ dẫn. Thời gian kiểm soát giấy tờ qua các chốt cũng lâu nên khách phải đợi hàng tiếng là điều dễ hiểu", N.T. nói với Zing.
Một shipper được xét nghiệm Covid-19 tại trạm y tế lưu động trường mầm non Quỳnh Hương (118 Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp), sáng 20/9. Ảnh: Duy Hiệu. |
Shipper này cho biết trước đợt giãn cách, anh nhận được 13.500 đồng với những đơn hàng dưới 3 km. Thời gian gần đây, tiền giao hàng tăng lên được 8.000-9.000 đồng/km.
"Nhưng bù lại tiền xăng xe, chi phí phát sinh khi phải chạy lòng vòng thì shipper chịu hoàn toàn", N.T. nói.
Chạy lòng vòng vì né chốt xanh, đường cấm
Từ ngày 8/9, TP.HCM cho phép dịch vụ kinh doanh ăn uống hoạt động theo hình thức bán mang đi. Shipper của các ứng dụng giao hàng cũng trở lại nhưng chỉ được phép hoạt động trong quận.
Đến ngày 16/9, tài xế công nghệ bắt đầu hoạt động liên quận. Tuy vậy, theo các shipper, vì hiện nhiều tuyến đường, khu vực ở TP.HCM vẫn bị phong toả, việc di chuyển, giao hàng gặp không ít khó khăn.
Thu nhập trong ngày dịch cao hơn song đồng thời các tài xế cũng phải chấp nhận nhiều rủi ro, trả thêm các khoản phí phát sinh.
Trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách, H.V. Nhật (shipper ở huyện Bình Chánh) vẫn đăng ký hoạt động sau khi tiêm một mũi vaccine.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 8, anh bị nhiễm Covid-19. Những thành viên khác trong gia đình cũng lần lượt dương tính.
"Tôi bị là cả nhà bị theo, quýnh quáng quá không biết gì nữa. Tôi cũng không biết cách đăng ký hỗ trợ nên không được trợ cấp từ công ty", anh Nhật cho hay.
Trong buổi sáng đầu tiên các shipper được phép giao hàng liên quận (16/9), tình trạng ùn tắc cục bộ xảy ra tại một số chốt kiểm soát. Ảnh: Chí Hùng. |
Gần một tháng sau khi nhận kết quả âm tính, anh Nhật đăng ký đi làm lại.
Mỗi ngày, shipper này chạy từ sáng sớm cho đến 18h, nhận khoảng 11-12 đơn. "Hầu như không có thời gian nghỉ, chỉ tranh thủ rảnh lúc nào thì lấy cơm ra ăn lúc đó thôi. Xui xui chạy cả ngày không thấy ai bán gì thì nhịn đói luôn rồi về nhà".
Tài xế này cho biết trong ngày đầu TP.HCM cho phép giao hàng liên quận, anh được nhận số tiền gấp đôi bình thường. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây số lượng shipper tăng cao nên đơn hàng giảm rõ rệt, thu nhập không còn cao như trước.
"Chạy mùa này thì cực hơn nhiều. Đường cấm rồi cả khu xanh người ta cũng không cho vào nên phải chạy vòng. Có đơn dưới 10 km nhưng chạy hơn 2 tiếng".
Anh Nhật kể mình từng tốn mấy tiếng đồng hồ khi giao hàng từ khu Phú Lâm (quận 6) đến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè).
"Chốt vùng xanh ngay ngã tư rồi thêm một chốt cứng ngay cầu Long Kiểng nữa nên khách phải đi bộ tới chốt cứng qua cầu, rồi đi bộ tiếp ra chốt xanh khoảng 2 km. Tôi đợi gần cả tiếng mới giao xong đơn này".
Xếp hàng dài chờ test Covid-19
Sáng 19/9, anh Thành Đạt (ngụ quận Gò Vấp) đi xếp hàng chờ test nhanh ở điểm xét nghiệm miễn phí cho nhân viên giao hàng. Tuy nhiên, anh bất ngờ khi lúc đến nơi đã có rất đông tài xế chờ, số lượng ngày một đông khiến điểm test quá tải.
Đến 9h, điểm test ngưng nhận xét nghiệm khiến anh và những người xếp hàng phía sau phải ngậm ngùi đi về.
Không có chứng nhận test nhanh đồng nghĩa với việc những tài xế như anh không được chạy đơn. Nếu muốn làm việc, họ phải đi test mất phí ở ngoài.
“Có lẽ do sáng nay có thêm nhiều shipper đăng ký được phép hoạt động nên mới xảy ra tình trạng quá tải như vậy. Đứng chen lấn chờ xét nghiệm, tôi cũng sợ bị lây nhiễm nhưng không tránh được. Tôi quyết định nghỉ ngày hôm nay để theo dõi thêm tình hình.
Thời gian giãn cách, tôi chạy giao hàng nhưng không ổn định do liên tục có những quy định bất ngờ đối với tài xế giao hàng khiến tôi bối rối. Nhiều lần đọc tin tức buổi tối, sáng hôm sau không dám dắt xe đi làm vì sợ ra đường sẽ bị phạt”.
Anh Đạt cho hay giao hàng thời gian này giá cước tăng cao song tài xế cũng gặp nhiều khó khăn khi khắp nơi đều có chốt chặn. Có những lần nhận đơn, giao tới nơi anh mới biết đó là khu vực đang phong tỏa.
“Những lần đầu nghe khách gọi ‘Chỗ em phong tỏa rồi, anh cứ để chỗ chốt rồi em ra lấy’ là tôi muốn hủy đơn liền, sợ chứ. Nhưng bây giờ nhiều chỗ phong tỏa quá, mình giao hết. Tôi được tiêm vaccine rồi nên đi lại cũng đỡ lo lắng hơn”.
Shipper xếp hàng dài hàng trăm mét từ số 118 Nguyễn Văn Lượng qua ngã tư Lê Hoàng Phái - Nguyễn Oanh chờ xét nghiệm Covid-19, sáng 20/9. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong khi đó, anh Thảo (28 tuổi, quận Bình Thạnh) mới chạy ship hàng trở lại khoảng 3 ngày nay, khi TP.HCM nới lỏng lệnh giãn cách, cho phép các dịch vụ ăn uống bán mang về và shipper được giao hàng liên quận.
Đã tiêm một mũi vaccine Covid-19 từ giữa tháng 8, song anh vẫn lo lắng khi ra đường làm việc trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, trong nhà còn có cháu nhỏ.
“Giờ địa bàn nào cũng lập nhiều chốt chặn, cả vùng đỏ lẫn vùng xanh đều hạn chế người lạ ra vào nên để giao được một đơn hàng rất mất thời gian. Trước đây chỉ mất khoảng 15-20 phút để giao một đơn, bây giờ phải mất hơn cả tiếng.
Có lần, đầu đường bị chặn, khách chỉ cho tôi vòng sang đường bên cạnh rồi chị ấy sẽ đi bộ vòng ra lấy. Nhưng tôi không quen khu vực đó nên đi lòng vòng mất hơn 20 phút mới tìm ra. May mắn là khách hàng không cau có, nhưng mà đồ ăn đưa cho người ta thì đã nguội mất rồi”.
Anh Thảo nói rằng nhiều người kêu ca rằng phí ship đắt đỏ nhưng nó không bù lại được sự vất vả của shipper, chưa kể việc phải đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh.