Dân công sở đổ xô đến văn phòng để sử dụng điều hoà, giải khát miễn phí. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Mở cửa văn phòng lúc 8h, nhân viên thiết kế Minh Hà (24 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) quệt mồ hôi sau khi di chuyển 6 km đến công ty. Cô vội vàng giảm nhiệt độ điều hoà xuống mức 25 độ C, hưởng làn gió mát từ hệ thống máy lạnh của doanh nghiệp.
Xây dựng thói quen làm việc ở nhà từ đại dịch Covid-19, Hà chỉ ứng tuyển vào những công ty có mô hình hybrid (kết hợp làm từ xa và tại văn phòng). Cô thường xuyên bị sếp nhắc nhở vì ít xuất hiện tại công sở.
Tuy nhiên, thói quen của Minh Hà dần thay đổi khi thời tiết trở nên oi nóng. Để tiết kiệm tiền điện, cô chăm chỉ lên văn phòng, “cắm chốt” ở đây để hoàn thành deadline. Quản lý tỏ ra bất ngờ khi Hà đến công ty 6 ngày/tuần, chỉ ở nhà vào Chủ nhật.
“Điều hoà miễn phí, nước lạnh cũng có sẵn. Nếu ở nhà, tôi không chỉ phải bật máy lạnh 24/7, mà còn tốn tiền đặt nước giải khát”, Minh Hà giải thích.
Điều hoà miễn phí tại công ty là thứ thu hút nhân viên đến văn phòng trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Từ đầu năm 2024, TP.HCM và các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ luôn có nhiệt độ không khí trong ngày cao kỷ lục, dao động 35-38 độ C và sắp tới có thể vượt mức 39 độ C.
Minh Hà không phải trường hợp cá biệt. Nhiều nhân viên văn phòng khác, từ làm việc linh hoạt thời gian đến full-time, đều thường xuyên có mặt tại văn phòng, ở lại công ty đến tối muộn để tận dụng điều hoà công, tránh nắng nóng trong thời gian này.
Tốn kém, phát bệnh vì nắng nóng
Chuyên viên truyền thông Minh Hằng (26 tuổi, quận 11, TP.HCM) là nhân sự hybrid trong 4 năm qua. Mỗi tuần, cô chỉ cần lên công ty 1 ngày hoặc có mặt vào những buổi họp quan trọng.
Thông thường, Hằng làm việc tại nhà, nơi cô cho rằng đã đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của mình như không gian rộng rãi, mát mẻ, yên tĩnh.
Thế nhưng khi TP.HCM bước vào mùa nắng nóng, Hằng phải thay đổi thói quen làm việc của mình.
“Tôi ở một mình, chi phí thuê nhà vốn tốn kém nên rất hạn chế bật máy lạnh, chỉ sử dụng quạt. Tuy nhiên, vào mùa nóng, tôi không thể không dùng điều hòa. Hoá đơn tiền điện tháng trước của tôi tăng chóng mặt", Hằng chia sẻ với Tri Thức - ZNews.
Với giá điện nhà thuê là 3.500 đồng/kw điện, hóa đơn tháng trước của Hằng là 900.000 đồng.
Ngọc Diệp trở bệnh khi thời tiết trở nên nắng nóng. |
Trong khi đó, Ngọc Diệp (24 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM), trợ lý nghệ sĩ trong một công ty giải trí, cũng phát ốm khi trời nắng nóng.
Công việc của cô chủ yếu cần di chuyển thường xuyên bên ngoài để phụ ekip trong những buổi ghi hình, chụp ảnh. Thời gian còn lại, nếu cần làm báo cáo, nghiệm thu, Diệp sẽ chọn những quán cà phê có máy lạnh.
“Tôi vừa bệnh một trận nhớ đời do phơi nắng khi nhiệt độ ngoài trời khoảng 39 độ C”, Diệp nói.
Theo chia sẻ của Diệp, việc thường xuyên ra cà phê trốn nóng cũng làm chi phí sinh hoạt của cô “phình to".
“Một ly trà trái cây đã có giá dao động 50.000-70.000 đồng trở lên. Trước khi đến mùa nóng, tôi thường ở nhà làm việc, nhưng hiện tại phải chấp nhận chi tiền để hưởng ké máy lạnh, uống nước mát", cô nói.
Trốn nóng
Cảm thấy chi mỗi ngày 70.000 đồng cho một ly nước không phải là giải pháp lâu dài, Diệp quyết định lên công ty, nơi mà trước đây cô chỉ đến 1-2 lần/tháng.
“Đó là tình hình chung tại công ty tôi, ai cũng rủ nhau lên hưởng sái máy lạnh mặc dù không cần có mặt", cô nói.
Hết nhiệm vụ ở những buổi ghi hình ngoài trời, Diệp đến thẳng công ty ở quận 3, sau đó ở đây đến tối muộn, khi những người cuối cùng ra về. Theo lời Diệp, thời tiết buổi tối có phần dễ chịu hơn, cô không cần sử dụng máy lạnh khi về nhà sau khi đã ngồi ở văn phòng suốt buổi chiều.
“Có những ngày, tôi không ngồi ở công ty mà sang ở ké nhà KOL, ở đâu có máy lạnh free là chúng tôi kéo đến", Diệp nói.
Từ ngày nắng nóng, Hằng cũng lên công ty làm việc 3-4 ngày/tuần. Đây là điều hiếm khi xảy ra khi thời tiết mát mẻ, dễ chịu.
“Tôi thà chịu khó đi 8 km đến công ty để hưởng máy lạnh 8 tiếng rồi về, cho tiết kiệm", Hằng thẳng thắn.
Trên công ty có pantry, luôn cung cấp đầy đủ các loại nước ép, sinh tố và trái cây vào đầu giờ chiều, nhờ vậy Hằng cũng tiết kiệm thêm một khoản chi phí đáng kể.
Quỳnh Trâm sinh hoạt thêm 2 tiếng buổi tối tại văn phòng để tránh kẹt xe, tiết kiệm tiền điện. |
Tương tự, Quỳnh Trâm (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng tìm cách tận dụng tối đa hệ thống máy lạnh tại văn phòng trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Là nhân viên kinh doanh full-time, Trâm vốn chỉ phải có mặt tại công ty 8 tiếng/ngày. Song, khi thời tiết trở nên nóng bức, cô kéo dài khoảng thời gian này đến 10 tiếng.
Tan sở lúc 18h, nhưng nhân viên kinh doanh này ở lại công ty đến 20h để hoàn thành công việc, xem phim, nhằm tránh cảnh kẹt xe, chen chúc trong thời tiết oi nóng lúc tan tầm. Ngoài ra, việc sinh hoạt thêm ở văn phòng 2 tiếng buổi tối cũng giúp cô tiết kiệm một khoản tiền điện.
Nhiều ngày, Trâm mang theo cả suất ăn trưa và phần ăn tối để hoàn tất việc ăn uống tại công ty. Cô chỉ về nhà để tắm rửa và lên giường đi ngủ.
Từ khi thời tiết trở nên nóng bức, Quỳnh Trâm cũng từ bỏ thói quen ra khỏi văn phòng dùng bữa trưa. Cô và đồng nghiệp thường ghép đơn, gọi đồ ăn về công ty trong những ngày lười nấu nướng.
“Việc ra ngoài vào lúc 12h trong những ngày này là một ‘cực hình’. Khi đồ ăn được giao đến, tôi và đồng nghiệp còn đùn đẩy nhau đi nhận đơn”, nhân viên kinh doanh 27 tuổi nói với Tri thức - ZNews.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.