Theo tiến sĩ Phạm Văn Hà - Hiệu trưởng Đại học Công đoàn - cho rằng: Việc không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy… vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet đã được Thủ tướng ban hành từ lâu dành cho công chức, viên chức nhà nước, nhưng giờ đây mới đưa ra cho sinh viên.
Nhà trường lúng túng
Ông Hà nhấn mạnh, bất kể ai khi có những lời lẽ xúc phạm, thiếu tôn trọng, mang tính phỉ báng một tổ chức hoặc một người đều cần bị xử lý, không chỉ riêng sinh viên.
Tiến sĩ Phạm Văn Hà - Hiệu trưởng Đại học Công đoàn muốn Bộ GD&ĐT có hướng dẫn xử lý cụ thể. |
"Trường tôi cũng từng giải quyết nhiều vụ việc liên quan sinh viên bình luận dung tục trên mạng. Tôi cho gọi sinh viên đến hỏi thẳng: Cái này từ đâu ra, tại sao lại viết thế này. Ở đâu phải tuân theo quy định ở đấy, trong phạm vi trường học không thể tùy tiện phát ngôn bậy bạ.
"Bộ GD&ĐT chỉ quy định khung. Các trường có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp quy chế của Bộ và thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Việc xử lý từng trường hợp cụ thể do hiệu trưởng xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của Hội đồng khen thưởng và kỷ luật sinh viên. Mục đích chính của việc ban hành quy định là quán triệt, tuyên truyền trong sinh viên nhằm phòng ngừa vi phạm".
Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT
Không thể coi việc xúc phạm người khác, nói tục chửi bậy là việc bình thường được, kể cả ở thế giới thật hay thế giới ảo", ông Hà nhấn mạnh.
Vị hiệu trưởng cũng góp ý, cần phải có những chế tài hợp lý, xử phạt phân minh. "Hiện nhà trường đang lúng túng việc áp dụng mức kỷ luật, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể".
Ý kiến của Hiệu trưởng Đại học Công đoàn cũng là băn khoăn của một số lãnh đạo trường đại học khác, khi đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng chỉ quy định khung. Các trường có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp quy chế của Bộ và thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Trong khi đó, PGS. TS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng lại chưa được biết đến văn bản mới của Bộ GD&ĐT.
PGS. TS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng đồng ý cần có sự nhắc nhở với những sinh viên bình luận dung tục trên mạng xã hội. |
"Đại học Xây dựng từ lâu đã có sự nhắc nhở với những sinh viên đưa lời bình luận dung tục, bậy bạ trên mạng. Nhà trường hoàn toàn không ủng bộ việc nói bậy, nói đệm, phát ngôn bừa bãi ở sinh viên", ông Anh nói.
Là người làm trong ngành giáo dục đã lâu, thầy Phạm Xuân Anh cho hay, sinh viên ở tuổi mới trưởng thành, cần có sự sát sao của của phía nhà trường, gia đình và xã hội.
Sinh viên tranh luận
"Đáng lẽ phải có quy định này sớm hơn", Thu Hoài (sinh viên Đại học Y Hà Nội) nói. Nữ sinh tâm sự, dù không muốn nhìn nhưng nhiều lúc những bức ảnh bậy bạ trên mạng cứ rơi vào tầm nhìn, chưa kể những bình luận bậy bạ, với vô vàn từ đệm lót a dua thiếu văn hóa.
"Sinh viên đã 18 tuổi trở lên, tự biết thế nào đúng, sai. Theo mình, chỉ cần xử lý một vài trường hợp là những bạn còn lại sẽ tự biết sợ mà phải suy nghĩ trước khi gõ bàn phím".
Phương Lan (sinh viên Đại học Sư phạm 1) kể: "Một clip về bắt nạt trong học đường, học sinh đánh nhau được hàng nghìn share (chia sẻ), chục nghìn like (thích), và trăm nghìn comment (bình luận) thì không thể chấp nhận nổi. Những em bé hơn lại thấy đó là bình thường, học theo, từ đó sẵn sàng đối xử với nhau kiểu côn đồ, bạo lực".
Theo Lan, quy định này đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng cần nói rõ thế nào là dung tục, cái nào cấm để nhà trường có hình thức xử lý.
Trong khi đó, một số sinh viên khác còn "chưa thông" với quy định mới này của Bộ GD&ĐT.
Lan Vân (sinh viên Đại học Bưu chính Viễn thông) cho biết: "Đã gọi là trang cá nhân, nghĩa là nơi mỗi người được quyền tự do viết những điều suy nghĩ của mình. Giống như nhà riêng là nơi mình được thoải mái làm gì tùy thích. Không thể áp dụng luật pháp hay quy định cho 'nhà riêng' của người khác được".
"Cần định nghĩa thế nào là dung tục" là suy nghĩ của Minh Trang (sinh viên Đại học Hoa Sen, TP HCM). Theo Trang dung tục hay không tùy theo cách nghĩ của mỗi người.
"Khi nhìn một bức ảnh, có người chỉ thấy hài hước, buồn cười, có người lại thấy đó là bậy bạ, không chấp nhận được. Ra quy định cần rõ ràng, chứ không thể nói chung chung".
Còn Vĩnh Nghĩa (sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) thắc mắc: "Liệu nhà trường và Bộ có quản lý được cả Facebook, Twitter, Viber, Instagram, forum của cả nghìn sinh viên không?".
Nghĩa giải thích, mạng bây giờ quá rộng, ai sẽ là người theo sát từng sinh viên để xem họ có bình luận, chia sẻ cái gì dung tục. Bên cạnh đó, cấm sinh viên dùng Facebook này, họ có thể tạo tài khoản mới. "Cấm chỗ này, sinh viên sẽ tìm ra chỗ khác. Vấn đề chính là giáo dục chứ không phải cứ cấm đoán là xong".
Thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành. |
"Không nên quy định máy móc"
Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội) khẳng định, ông đồng tình với việc Bộ GD&ĐT chấn chính và giáo dục nhận thức, cũng như những hành vi chưa đúng của sinh viên. Nhưng trước những quy định mới, ông đưa ý kiến, Bộ “chỉ nên tập trung giáo dục, chứ không nên đưa ra những quy định máy móc”.
Ông Vinh cho rằng, quy định vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra đã có sẵn từ trước trong pháp luật Việt Nam, từ những điều như không được đánh bạc, buôn bán vận chuyển trái phép chất gây cháy nổ, ma túy…
"Không nên đưa ra những quy định chồng chéo. Sinh viên vi phạm những điều này đã có cơ quan công an giải quyết, nhất là với quy định không được đăng tải, bình luận bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy trên mạng xã hội", ông Vinh nói.
Cũng theo vị luật sư này, nhà trường không thể quản lý được tất cả hành vi, lời nói, suy nghĩ của từng sinh viên, chưa kể điều đó là không cần thiết, máy móc.
Ông đề xuất nên đưa việc này vào các bài giảng, các hoạt động của Đoàn, lồng ghép khéo léo vào giáo dục. Cách này sẽ tạo ra hiệu quả lâu dài hơn. Còn cấm đoán chỉ được chốc lát, được kết quả trước mắt, nếu xử lý không khéo còn gây tác dụng ngược, gây phản cảm.
Quy chế công tác sinh viên đại học chính quy do Bộ Giáo dục mới ban hành thay thế cho quy định từ năm 2007 đưa ra 10 hành vi sinh viên không được làm.
Một trong số đó là sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.
Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sinh viên được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Những mức phạt này còn áp dụng cho sinh viên có hành động quấy rối, dâm ô, xâm phạm nhân phẩm, đời tư của người khác.