“Trong năm tài chính này, công ty chúng tôi cần tuyển 25 nhân sự vi mạch bán dẫn nhưng thực tế chỉ tuyển được 12 người. Tất cả đều mới ra trường”, ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Qorvo Việt Nam, chia sẻ với Tri thức - Znews.
Ông cho biết hiện trạng chung, lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng chủ yếu tập trung vào nhân sự có kinh nghiệm. Vì thế, các công ty gặp khó khăn trong tuyển người dù thực tế số lượng sinh viên học ngành liên quan không ít.
Lý giải con số cần thêm 20.000-50.000 nhân sự
Thực tế, ngành vi mạch bán dẫn vẫn được đánh giá là đang trong giai đoạn “khát” nhân lực. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT, từng dẫn dự báo của một số chuyên gia kinh tế từ Đại học Fulbright. Theo đó, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người, 10 năm tới cần khoảng 50.000 có trình độ từ đại học trở lên ở lĩnh vực này.
Ông Trịnh Khắc Huề cho rằng cần nhìn câu chuyện nước ta cần 20.000-50.000 nhân sự ngành vi mạch bán dẫn ở nhiều góc độ. Ảnh: NVCC. |
Khi con số này được đưa ra, một số người đặt nghi vấn liệu nước ta có cần đến nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn lớn đến thế hay đây chỉ là câu chuyện “lùa gà”. Họ nghi ngại nhiều học sinh sẽ chọn học vi mạch theo trend và nhận hậu quả thất nghiệp khi ra trường.
Chia sẻ về lo ngại này, ông Trịnh Khắc Huề cho rằng với con số 20.000-50.000 nhân sự, chúng ta cần nhìn sâu xa và từ nhiều góc độ khác nhau.
Ông thừa nhận nếu đứng ở góc độ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp ở nước ta, theo quy luật phát triển thông thường, con số có thể không đến mức đó.
“Hiện tại, nhân sự ngành này đang khoảng 5.000 kỹ sư. Mười năm tới, chúng ta có thể không cần đến 50.000 người. Hơn nữa, các công ty còn chú trọng chất lượng chứ không phải chỉ phát triển số lượng”, ông phân tích.
Nhưng ở góc độ khác, ông Huề đặt ra bài toán đào tạo lực lượng để tham gia thị trường thiết kế vi mạch ở nước khác và đón đầu cơ hội khi một vài năm tới, nhiều công ty bán dẫn sẽ đến Việt Nam.
“Đây là câu chuyện con gà - quả trứng. Chúng ta cần đặt mục tiêu lớn hơn nhu cầu thực tế để có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực khi có thêm công ty vào, tạo thêm nhiều công việc. Nếu chỉ nghĩ đến nhu cầu hiện tại, đào tạo số lượng vừa phải, chúng ta chỉ có thể phát triển bình thường, không có nguồn lực để đón đầu cơ hội”, ông Huề nói.
Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng chúng ta cần hướng tới thị trường lao động quốc tế. Ông dẫn thực trạng thiếu hụt nhân lực toàn cầu trong 10 năm tới. Cụ thể, Mỹ thiếu 277.000, Nhật Bản thiếu 35.000, Hàn Quốc thiếu 30.000, Đài Loan (Trung Quốc) thiếu 34.000 kỹ sư vi mạch.
Nguồn nhân lực đến từ nhiều ngành
Cũng liên quan đến lo ngại con số 50.000 nhân sự ngành vi mạch bán dẫn là quá lớn so với thực tế, ông Trịnh Khắc Huề lý giải thiết kế vi mạch rất rộng, có cả phần thiết kế vi mạch số, thiết vi mạch tương tự, thiết kế vi mạch hỗn hợp. Số lượng công việc rất nhiều, các đầu việc khác nhau như thiết kế, layout, kiểm thử, ứng dụng, đóng gói, testing…
Con số dự báo số đó không có nghĩa các trường cần đào tạo thêm 20.000-50.000 sinh viên chuyên về vi mạch bán dẫn.
Nhiều nước, khu vực trên thế giới cũng đang thiếu nhân lực cho công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Inbusiness. |
TS Lê Đức Hùng, Trưởng bộ môn Điện tử, Khoa Điện tử - Viễn thông, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng lý giải 20.000-50.000 nhân lực có thể hiểu bao gồm nhân lực trình độ sau đại học, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật cao thuộc ngành Vi mạch bán dẫn cũng như các ngành kỹ thuật gần như Điện, Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin…
Thực tế này được thể hiện rõ tại công ty Qorvo. Ông Huề cho hay dù Việt Nam chưa có nhiều trường đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thiết kế vi mạch, nguồn tuyển chính của họ vẫn đến từ các trường trong nước như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, ĐH Giao thông Vận tải… Nhân sự phần lớn tốt nghiệp các ngành Kỹ thuật máy tính, Điện, Điện tử…
“Một khi các bạn đã được đào tạo chuyên môn ở ngành rộng, có tư duy thiết kế, chỉ cần học thêm các môn chuyển đổi, các bạn hoàn toàn có thể làm ở ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Huề giải thích.
Ngoài ra, sinh viên ngành công nghệ thông tin cũng có thể tham gia vào lĩnh vực nhưng cần thêm thời gian để học các môn chuyển đổi liên quan đến phần cứng như lý thuyết mạch, hệ thống, cấu kiện điện tử…
Đương nhiên, ông đánh giá việc các trường mở ngành đào tạo chuyên về vi mạch là điều tốt khi người học được tiếp xúc với kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này từ sớm. Ngoài ra, quá trình đào tạo có sự phối hợp chặt chẽ nhà trường - doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên bắt nhịp công việc thực tế nhanh hơn.
Giỏi vi mạch bán dẫn không lo thất nghiệp
Trong khi đó, ở chiều lo ngại thông tin ngành vi mạch bán dẫn “khát” nhân lực là câu chuyện lùa gà, một số người cho rằng sinh viên theo theo trend dễ thất nghiệp vì đây là ngành hẹp, người học khó có cơ hội làm việc ở nghề khác, dẫn đến ít lựa chọn nghề nghiệp hơn.
Ông Trịnh Khắc Huề khẳng định điều này không đúng. Theo ông, bản chất ngành vi mạch bán dẫn là ngành hẹp hơn của kỹ sư phần cứng. Kỹ sư thiết kế vi mạch dễ dàng tham gia vào bất cứ công đoạn nào trong công nghiệp điện tử nói chung chứ không chỉ riêng công nghiệp bán dẫn.
“Những bạn có khả năng cao về thiết kế vi mạch không lo thất nghiệp. Nhu cầu nội địa có thể không đến 20.000, 50.000 người nhưng sẽ ở mức 10.000. Như vậy, 20% trong số này chắc chắn có công việc tốt. Những người còn lại có thể tham gia vào công việc khác như lập trình, thiết kế phần cứng ở các công ty sản xuất thiết bị điện tử”, ông cho hay.
Bản chất của ngành vi mạch bán dẫn là thiết kế phần cứng. Do đó, sinh viên các ngành liên quan có thể học chuyển đổi để tham gia lĩnh vực này. Sinh viên học thiết kê vi mạch cũng có thể làm nhiều công việc khác. Ảnh: Washington Post. |
Đây cũng là nhận định của PGS Nguyễn Đức Minh. Từ góc độ nhà đào tạo, ông Minh cho biết sinh viên trường Điện - Điện tử chỉ học chuyên sâu về thiết kế vi mạch ở học kỳ cuối, sau khi đã có đủ các kiến thức cơ bản, cơ sở về kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính.
Vì thế, các bạn hoàn toàn có thể tham gia công ty hoạt động trong các lĩnh vực về kỹ thuật máy tính, kỹ thuật điện tử, nhúng và IoT (Internet vạn vật).
Ngoài ra, ông Trịnh Khắc Huề nhận định ngành công nghiệp điện tử chắc chắn còn tiếp tục phát triển bởi quy mô dân số nước ta đang rất đẹp lại là dân số trẻ, tiêu dùng, tạo ra thị trường tiêu thụ điện, điện tử rất lớn.
“Ngành công nghiệp điện tử toàn cầu có quy mô khoảng 3.000 tỷ USD và vi mạch bán dẫn ước đạt 600 tỷ USD, tức khoảng 20%. Con số ở Việt Nam nhỏ hơn nhưng nhu cầu kỹ sư vi mạch bán dẫn nói riêng và kỹ sư phần cứng nói chung rất lớn”, ông Huề nói, đồng thời nhắc lại bài toán xuất khẩu lao động vi mạch bán dẫn ra thế giới.
Ông cho rằng học sinh, sinh viên không cần lo lắng việc đào tạo ngành này chỉ theo phong trào, dễ dẫn đến thừa lao động. Chúng ta nên coi đây là xu hướng tất yếu, ít nhất trong khoảng thời gian 10 năm tới, mạnh dạn theo học, quan trọng nhất là học đến nơi đến chốn.
“Một đất nước có nhiều kỹ sư phần cứng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm điện tử, thu hút đầu tư, lúc đó, không lo không có việc làm. Các bạn cần học tốt khoa học cơ bản, kiến thức chuyên ngành, tiếng Anh để trở thành hạt nhân tốt trong thiết kế vi mạch ở Việt Nam nói riêng và thị trường lao động vi mạch bán dẫn toàn cầu nói chung”, ông Huề nhắn nhủ.
Liên quan đến chất lượng nhân sự ngành vi mạch bán dẫn, ông Trịnh Khắc Huề đánh giá các trường ở Việt Nam đào tạo về khoa học công nghệ thực ra rất tốt nhưng thiếu một chút yếu tố thực nghiệm, thực hành. Sau tuyển dụng, các công ty thường đào tạo thêm. Đây là chuyện bình thường vì mỗi công ty có yêu cầu khác nhau.
Ngoài ra, công việc thiết kế vi mạch bán dẫn chia làm nhiều cấp độ. Sau khi đào tạo thêm 3-6 tháng, sinh viên có thể tham gia ở cấp độ đơn giản. Nhân sự thường cần đến 3 năm kinh nghiệm để làm project nhỏ, 5 năm để tham gia vào project lớn. Lĩnh vực thiết kế IC tương tự (analog), tín hiệu hỗn hợp, làm sản phẩm thiết kế đầy đủ sẽ yêu cầu cao hơn đối với nhân sự.
Tuy nhiên, ông nói thêm hiện nay, các công ty và nhà trường kết hợp với nhau chặt chẽ hơn để trường tiếp cận nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhờ đó, quá trình đào tạo thêm sau tuyển dụng đang được rút ngắn lại.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.