Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm thi THPT 2022

TL;DR

Sinh viên vi mạch bán dẫn ở Việt Nam ra trường kiếm tiền tỷ

Đại diện các trường đại học khẳng định sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội làm việc ở công ty lớn sau khi được đào tạo về vi mạch bán dẫn, mức lương lên đến cả tỷ đồng/năm.

nganh ban dan anh 1

“Kỹ sư vi mạch 5 năm kinh nghiệm có thể được trả 35-40 triệu đồng/tháng. Kỹ sư 10 năm kinh nghiệm sẽ được trọng dụng và đãi ngộ tốt, thu nhập lên đến 700 triệu đồng đến một tỷ đồng mỗi năm”.

Đây là thông tin được PGS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội), chia sẻ với Tri thức - Znews khi bàn về cơ hội việc làm và những thách thức khi đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đầu ra chất lượng, được làm công ty lớn

ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học đi đầu trong việc đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Cụ thể, nhân lực thiết kế vi mạch được đào tạo từ năm 2010 trong ngành Điện tử viễn thông định hướng Kỹ thuật Điện tử - Máy tính. Còn trong lĩnh vực chế tạo vật liệu bán dẫn, sinh viên được đào tạo từ năm 1992 tại Viện nghiên cứu và đào tạo vật liệu quốc tế ITIMS dưới sự trợ giúp của Hà Lan.

PGS Minh thống kê từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, khoảng 20-30 sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ra trường làm việc trong lĩnh vực vi mạch trong và ngoài nước.

Cựu sinh viên của trường đã và đang làm việc, được đánh giá cao, giữ vị trí quan trọng trong các công ty vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước như ARM Holdings, ASML Holding, NXP Semiconductors, STMicroelectronics, Synopsys, Qorvo, Infineon Technologies…

“Được làm ở những công ty hàng đầu” cũng là điều mà TS Lê Đức Hùng, Trưởng bộ môn Điện tử tại khoa Điện tử - Viễn thông (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM), đề cập khi nói về cơ hội việc làm của nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch.

ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, chưa có ngành riêng đào tạo vi mạch nhưng được định hướng đào tạo ở bậc đại học trong bộ môn Điện tử của khoa Điện tử - Viễn thông từ năm 2008, chương trình cao học ngành Kỹ thuật điện tử - hướng Vi điện tử và Thiết kế vi mạch từ 2007.

Theo đó, các cử nhân, thạc sĩ đã tốt nghiệp phần lớn đang làm việc trong các công ty vi mạch hàng đầu ở trong và ngoài nước như Advanced Micro Devices của Singapore, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. của Đài Loan (Trung Quốc) hay Bosch của Đức.

nganh ban dan anh 2

Sinh viên học về vi mạch bán dẫn ở Việt Nam có cơ hội làm việc trong các công ty lớn ở nước ngoài. Ảnh minh họa: IEEE Spectrum.

Bàn thêm về đầu ra của sinh viên bán dẫn của Việt Nam hiện nay, thầy Lê Đức Hùng nêu rằng mặc dù không trực tiếp đào tạo nhân lực về ngành công nghệ bán dẫn, các khoa của trường như khoa Vật lý, khoa Hóa học vẫn có các công bố khoa học uy tín trong và ngoài nước. Sinh viên cũng được nghiên cứu thêm về chất bán dẫn và nghiên cứu bằng các kỹ thuật, công nghệ hiện đại như phún xạ, bốc bay, PECVD, quang khắc (photolithography)…

PGS Nguyễn Đức Minh cũng nêu những quan điểm tương tự. Theo thầy, chất lượng đầu ra của sinh viên vi mạch ở Việt Nam đều ở mức tốt và được thị trường lao động chấp nhận.

Sinh viên chuyên ngành Thiết kế vi mạch được đào tạo bài bản về toán học, vật lý, lập trình, mạch điện tử, xử lý tín hiệu và thiết kế vi mạch. Nhờ đó các bạn có kiến thức cơ bản, cơ sở ngành rất vững chắc, có khả năng tự học và giải quyết vấn đề tốt, có thể hòa nhịp với công việc tại các công ty tuyển dụng rất nhanh.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải thừa nhận các bạn còn đang yếu trong kỹ năng về sử dụng các công cụ thiết kế vi mạch hiện đại theo tiêu chuẩn công nghiệp cũng như kỹ năng ngoại ngữ, thuyết trình chưa thực sự nổi trội", phó hiệu trưởng trường Điện - Điện tử nêu quan điểm.

Để chứng minh triển vọng việc làm của sinh viên vi mạch bán dẫn, thầy Minh đưa ra số liệu thống kê là sinh viên vi mạch mới ra trường có mức lương 13-15 triệu đồng/tháng, thậm chí được trả lên đến 20-25 triệu đồng.

Những năm gần đây, cơ hội thăng tiến của cử nhân lĩnh vực này cũng rất cao. Người lao động có 5 năm kinh nghiệm sẽ được trả 35-40 triệu đồng/tháng.

Thầy giáo lưu ý thêm nhân sự vi mạch thường khó đào tạo nên các nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm sẽ được trọng dụng và có mức đãi ngộ rất tốt, phụ thuộc vào sự đóng góp của họ với công ty. Ví dụ, kỹ sư 10 năm kinh nghiệm sẽ có mức thu nhập khoảng 700 triệu đến một tỷ đồng/năm.

Mở thêm ngành nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Từ năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội đã mở thêm chuyên ngành Thiết kế vi mạch cho sinh viên ngành Điện tử Viễn thông từ năm 3 và chương trình đào tạo Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano tuyển sinh từ năm nhất. Mức điểm tuyển sinh của các chương trình này ở mức 26-27 điểm (xét điểm thi tốt nghiệp THPT) và 65-66 điểm (xét điểm thi đánh giá tư duy).

Mới đây, vào ngày 19/10, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng 4 cơ sở giáo dục đại học ký kết biên bản hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Các trường tham gia ký kết cùng Bách khoa bao gồm ĐH Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

nganh ban dan anh 3

Các trường đại học đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang gấp rút cải thiện cơ sở vật chất để phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu. Ảnh minh họa: Andrew Brookes.

Nói về chất lượng đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn, PGS Nguyễn Đức Minh tự tin giảng viên của ĐH Bách khoa Hà Nội nói chung và trường có ngành Điện - Điện tử nói riêng hầu hết đều có học vị tiến sĩ tại nước ngoài.

Các chương trình đào tạo tại trường cũng được xây dựng và cập nhật thường xuyên có thể nói tiệm cận đến các chuẩn quốc tế. Bằng chứng là các chương trình của ĐH Bách khoa Hà Nội đều đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Do đó, sinh viên học thiết kế vi mạch nói riêng và các ngành khác nói chung của trường thường được chào đón ở các doanh nghiệp đối tác. Các doanh nghiệp đòi hỏi nhân sự trẻ phải có tinh thần học hỏi, chủ động, có khả năng giải quyết vấn đề, nắm vững kiến thức cơ bản về toán học, vật lý, máy tính và mạch điện tử.

Các kỹ năng về sử dụng công cụ, máy móc tiên tiến hiện đại sẽ là điểm cộng cho các bạn. Ngoài ra kinh nghiệm tham gia các dự án nghiên cứu của sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu của trường Điện - Điện tử cũng được các doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao.

“Chúng tôi tự tin nói rằng chúng tôi có thể đào tạo được nhân lực đảm bảo chất lượng. Tất nhiên cũng thẳng thắn thừa nhận chúng tôi còn thiếu một số trang thiết bị phần mềm thiết kế đặc chủng theo chuẩn công nghiệp để đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên. Để khắc phục, hiện nay, chúng tôi đã và đang kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để tiếp tục nâng cấp phần đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên. Điều đó sẽ giúp chúng tôi nâng cao hơn nữa chất lượng đầu ra của các ngành này”, thầy Minh nói với Tri thức - Znews.

Thiếu trang thiết bị cũng là thách thức mà ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, gặp phải khi chuẩn bị mở ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn. Dự kiến trong năm 2024-2025, trường sẽ tuyển khoảng 50 chỉ tiêu cho ngành Thiết kế vi mạch tại khoa Điện tử - Viễn thông và ngành Công nghệ bán dẫn tại khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật.

Chia sẻ về khó khăn, TS Lê Đức Hùng cho biết công nghệ bán dẫn là lĩnh vực đòi hỏi phải có phòng sạch và trang thiết bị cao cấp. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của trường liên quan đến chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm và mua trang thiết bị đi kèm.

Tuy nhiên, một tín hiệu khá tích cực là nghiên cứu công nghệ bán dẫn có nhiều hướng để triển khai.

Thầy Hùng lấy ví dụ về mô hình hóa linh kiện bán dẫn. Đây là lĩnh vực nghiên cứu về các linh kiện vi mạch bán dẫn ứng dụng trong các trình mô phỏng vi mạch điện (SPICE) dựa trên cơ sở toán học, vật lý học và điện tử học - vốn là thế mạnh của trường và không cần trang thiết bị phức tạp.

Về phần thiết bị, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM có sẵn các phòng vật lý ứng dụng được trang bị các thiết bị phân tích quang điện và kỹ thuật chế tạo vật liệu 2D, 1D bằng PVD; phòng thí nghiệm vật lý chất rắn được trang bị các kỹ thuật PVD, PECVD, in thạch bản (lithography).

Đặc biệt, trường có phòng thí nghiệm điện - điện tử với hệ thống nhúng, thiết kế IC và các phòng thí nghiệm để nghiên cứu về vật liệu bán dẫn.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường cũng tham khảo các chương trình tiên tiến ở các nước mạnh về công nghệ bán dẫn như Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…

ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cũng có các ký kết hợp tác hỗ trợ đào tạo với các ông lớn về công nghệ bán dẫn như Ono lab, ĐH Tohoku (Nhật Bản), Viện Kỹ sư Điện - Điện tử (Hàn Quốc) và Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn ở TP.HCM.

Trước những nghi vấn cho rằng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng, TS Lê Đức Hùng nói rằng trong điều kiện hiện tại, việc khẳng định đủ năng lực để đào tạo ra nguồn nhân lực ngành bán dẫn đảm bảo chất lượng là một thách thức.

Nhưng với truyền thống và có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, cùng với đội ngũ giảng viên chất lượng và phòng thí nghiệm có sẵn và sắp được nâng cấp, thầy Hùng tin rằng đại học ở Việt Nam vẫn đủ cơ sở để đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Hàng loạt trường trong nước sắp đào tạo về vi mạch bán dẫn

Ngành bán dẫn đã được đào tạo ở Việt Nam nhưng chưa nhiều, một số trường mới xây dựng đề án để tuyển sinh ngành này vào năm 2024.

Điểm thi THPT 2022

Thái An

Bạn có thể quan tâm