Theo tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder - OCD) là trạng thái sức khỏe tâm thần phổ biến. Người mắc bệnh sẽ bị ám ảnh bởi nhiều cảm giác như sợ bẩn, thôi thúc họ tắm rửa nhiều lần. Những hành động này giúp kiểm soát và giảm bớt nỗi sợ từ sự ám ảnh.
Nếu không thể thực hiện, người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
Nguyên nhân
OCD thường xoay quanh nỗi sợ nào đó. Chẳng hạn, họ sợ bị nhiễm vi khuẩn, bụi bẩn. Những người này luôn có suy nghĩ buộc họ phải tìm cách để loại bỏ cái bẩn như rửa tay nhiều lần trong ngày đến mức đỏ rát. Người bị OCD không thể kiểm soát những ám ảnh và suy nghĩ thôi thúc trong đầu. Phần lớn thời gian trong ngày bệnh nhân bị chúng chi phối.
Trước khi Hiệp hội Tâm thần học Mỹ phát hành cuốn Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần (DSM-5), rối loạn ám ảnh cưỡng chế được phân loại là một dạng của bệnh tâm thần rối loạn lo âu không đặc hiệu.
Sau đó, tài liệu trên xác định OCD là bệnh tâm thần riêng biệt. Các hành vi ám ảnh và cưỡng chế tác động không nhỏ tới bệnh nhân. Đa phần, họ xấu hổ và ngại chia sẻ. Do đó, các bệnh nhân mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần được quan tâm và điều trị triệu chứng.
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ, hoàn hảo, cảm giác đối xứng. Ảnh: Freepik. |
Thống kê cho thấy hơn 2 triệu người Mỹ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Trung bình, tình trạng này xuất hiện ở độ tuổi 19 và tần suất ảnh hưởng nam, nữ tương đương.
Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn là bí ẩn với thế giới. Các nhà khoa học không ít lần tìm cách giải mã câu hỏi này. Theo Mayo Clinic, rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể xuất phát từ 3 tác nhân.
Đầu tiên là yếu tố di truyền. Những người có họ hàng gần mắc chứng OCD tiềm ẩn nguy cơ hình thành bệnh. Tuy nhiên, gene mang bệnh vẫn chưa được tìm ra.
Hồi tháng 6, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale (Mỹ) đã xác định kháng thể liên kết tế bào não là interneurons liên quan tình trạng OCD ở nhiều trẻ em. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Mỹ (American Journal of Psychiatry).
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng được cho là liên quan chức năng não, cách serotonin hoạt động. Một số nghiên cứu chỉ ra kiểm soát mức độ sản xuất serotonin có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh.
Môi trường cũng có thể là tác nhân hình thành rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Những người bị chấn thương, lạm dụng từ nhỏ có nguy cơ hình thành bệnh cao hơn nhóm còn lại.
Người bệnh thường cảm thấy có sự thôi thúc mạnh mẽ phải lặp lại những hành vi nào đó (xung động). Ảnh: Freepik. |
Triệu chứng và cách phòng ngừa
Người bị ám ảnh rối loạn cưỡng chế thường xuyên có suy nghĩ phải thực hiện hành vi nào đó, lặp lại nhiều lần. Hầu hết người mắc OCD có suy nghĩ bất an về các hiện tượng nào đó. Các suy nghĩ tồn tại dai dẳng, khó chịu, thậm chí chi phối, làm gián đoạn ý nghĩ khác. Lúc này, bệnh nhân rơi vào trạng thái sợ hãi, bất an.
Triệu chứng ám ảnh của người mắc OCD bao gồm: Sợ ô nhiễm hoặc bụi bẩn; ám ảnh về trật tự và đối xứng; hung dữ; luôn nghĩ về những hình ảnh khiêu dâm... Ngoài ra, nạn nhân sẽ sợ bị bẩn tay hoặc xúc động khi chạm vào bất kỳ ai khác, bứt tóc, cắn môi đến tứa máu, nghi ngờ chưa khóa cửa hoặc tắt bếp.
Một số người bị ám ảnh bởi suy nghĩ sẽ vô tình làm tổn thương ai đó, luôn đếm số trong đầu, khó chịu khi vạn vật đặt không ngăn nắp, thẳng hàng... Người sợ các thành viên trong gia đình bị hại, gặp nạn, họ sẽ lặp lại hành động hỏi han, nghi ngờ bị đe dọa nhằm giảm thiểu thương vong. Nhiều trường hợp sinh ra cảm giác ghét bỏ vẻ ngoài, dẫn tới đau khổ, bất lực vì không thể thay đổi.
Đa số người mắc chứng OCD đều nhận ra những suy nghĩ và hành động như vậy là phi lý. Tuy nhiên, họ không thể ngừng suy nghĩ và cảm thấy phải làm điều đó để “đề phòng”.
Cảm giác thôi thúc buộc phải lặp đi lặp lại một hành vi khiến người mắc OCD khó chịu, bồn chồn, ảnh hưởng cuộc sống. Ảnh: Freepik. |
Những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường ngại chia sẻ về tình trạng của mình. Tuy nhiên, đây là tình trạng sức khỏe như mọi bệnh lý hay hội chứng khác và cần được điều trị.
Hiện nay, những người mắc OCD thường được điều trị bằng 2 cách: liệu pháp tâm lý và thuốc. Liệu pháp tâm lý giúp điều chỉnh hành vi nhận thức (CBT), giúp bạn đối mặt nỗi sợ hãi, suy nghĩ ám ảnh mà không cần phải thực hiện hành vi.
Thuốc được sử dụng thường là dược phẩm chống trầm cảm, ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Nó giúp thay đổi và cân bằng lại các chất hóa học trong não của bạn. Tuy nhiên, phương pháp này cần được tư vấn, chỉ dẫn từ bác sĩ bởi nó có thể gây tác dụng phụ với trẻ nhỏ và tuổi vị thành niên.