Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân ở Phú Thọ. Ảnh: BVCC. |
Khoảng một năm gần đây, bà N.T.H. (55 tuổi, trú tại xã Phú Khê, Cẩm Khê, Phú Thọ) luôn cảm thấy đau nhức, tê bì bàn tay trái. Dù đã điều trị bằng nhiều biện pháp, tình trạng vẫn không cải thiện.
Tại Trung tâm Y tế Cẩm Khê (Phú Thọ), bà H. được các bác sĩ cho biết nguyên nhân của tình trạng này là hội chứng ống cổ tay.
Chiều 15/10, bà H. được phẫu thuật cắt dây chằng ngang, giải phóng thần kinh giữa bên trái. Sau khoảng 30 phút, ca phẫu thuật hoàn thành, người phụ nữ được về khoa điều trị hậu phẫu, có thể tập vận động sớm ngay sau mổ.
Bác sĩ chuyên khoa II Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết nguyên nhân của hội chứng này là từ thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay, dẫn đến tình trạng viêm, đau, tê, mất cảm giác vùng da bàn tay. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và khả năng vận động của người bệnh.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới do ống cổ tay nhỏ hơn. Cử động lặp đi lặp lại cổ tay và bàn tay trong thời gian dài có thể làm tổn thương các gân ở vùng này, gây sưng viêm và áp lực lên dây thần kinh.
Hội chứng ống cổ tay khá phổ biến trong các phòng khám thần kinh, chấn thương chỉnh hình. Ảnh: Tricurioso. |
Theo bác sĩ Đức, những người làm thợ cắt tóc, tài xế, nhân viên văn phòng, nhạc công, công nhân dây chuyền lắp ráp, thợ thủ công, thợ làm bánh... là những trường hợp dễ mắc hội chứng ống cổ tay.
Khi mắc bệnh, người dân thường có triệu chứng sau:
- Tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn.
- Cảm giác các ngón tay sưng phồng.
- Khó cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách...
"Không phải tất cả trường hợp bị hội chứng ống cổ tay đều phải phẫu thuật. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc như dùng thuốc chống viêm non-steroid hoặc corticoid đường uống. Bệnh nhân cũng có thể được dùng nẹp cổ tay, thực hiện vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày", bác sĩ Đức nói.
Phẫu thuật sẽ được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Để dự phòng, người dân nên cầm nắm những đồ vật phù hợp với kích thước lòng bàn tay. Bàn tay và cổ tay cần được nghỉ giải lao bằng cách nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp định kỳ trong 10 đến 30 giây sau mỗi 15-30 phút làm việc nhiều bằng tay.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có một hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.