Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh Tăng Thanh Hà mắc

Mới đây, diễn viên Tăng Thanh Hà đã chia sẻ về căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đặc biệt, nữ diễn viên cho biết bác sĩ cảnh báo cô có nguy cơ ung thư thực quản.

Nữ diễn viên trải lòng: “Tôi đã trải qua một cuộc hành trình điều trị bệnh dạ dày khá gian nan. Tôi bị trào ngược dạ dày thực quản. Suốt 3 năm trời tôi không thở tốt, tôi ho, viêm họng và lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi như bị cảm cúm. Căn bệnh này đã khiến tôi xuống cân một cách trầm trọng.

Giai đoạn đó tôi nhận rất nhiều sự quan tâm về cân nặng của tôi, ai cũng nói tôi ốm quá xuống sắc và già nua. Bản thân tôi nhiều lúc không dám nhìn mình trong gương. Tôi không muốn mình như thế".

Theo GS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, trào ngược dạ dày thực quản là bệnh thường gặp nhất của đường tiêu hóa. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nước Âu Mỹ từ 10 đến 20%, ở châu Á chỉ khoảng hơn 6%.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ bệnh ở nam, nữ tương đương nhau. Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản là do có sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công. Yếu tố bảo vệ bao gồm hàng rào chống trào ngược, khả năng làm sạch axit ở thực quản, sức đề kháng của niêm mạc thực quản.

GS Long cho biết trong 5 năm trở lại đây, bệnh lý trào ngược dạ dày có dấu hiệu gia tăng, nhiều bệnh nhân đi khám với các triệu chứng tim mạch, viêm mũi họng nhưng tác nhân lại là do trào ngược dạ dày thực quản.

Bình thường thức ăn ở dạ dày nhưng nó lại ngược lên thực quản, thậm chí có một số bệnh nhân thối tai tìm ra do men ở dạ dày đi lên là trào ngược thực quản.

benh cua tang thanh ha anh 1

Trào ngược dạ dày thực quản gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ bệnh ở nam, nữ tương đương nhau.

Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Thứ nhất, nóng rát ở chỗ xương ức, thậm chí có người cảm giác nóng rát như có lò lửa trong ngực. Triệu chứng ợ chua, ợ lên như thức ăn trào trong miệng.

Thứ hai, đau thắt ngực, trào ngược dạ dày thực quản không chừa ai. GS Long cho biết có những bệnh nhân thường xuyên đau thắt ngực đi chữa bệnh tim đủ kiểu nhưng cuối cùng là do trào ngược thực quản.

Thứ ba, khàn tiếng, đau họng, ho khan nhất là về đêm. Nhiều người ho không rõ nguyên nhân.

Thứ tư, ứ dịch về đêm. Đây là trường hợp báo động nặng nhất đó là đêm ngủ dịch ứ lên như có người bóp nghẹt ngực mình, khó nuốt, gày sút không ăn được.

Thứ năm, triệu chứng hôi miệng. Nếu bạn thấy đột nhiên hơi thở có mùi hôi thì cảnh giác với dấu hiệu của trào ngược thực quản.

GS Long cho biết đa phần bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng đau ngực, nóng rát ở thực quản. Nhưng cũng có trường hợp tìm đúng bệnh rất khó. Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân có thể dùng thuốc điều trị nội khoa.

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

GS Long cho biết trào ngược dạ dày thực quản có thể gây chít hẹp thực quản. Do axit trào ngược gây tổn thương, tăng mô sẹo ở thực quản, thu hẹp đường dẫn thức ăn khiến cho đường thực quản bị chít hẹp hơn.

Viêm loét thực quản, đây là biến chứng phổ biến nhất, dịch dạ dày trào lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm, vết loét gây chảy máu, đau, khó nuốt. Barrett thực quản có nguy cơ chuyển biến thành tế bào loạn sản, tế bào tiền ung thư thực quản.

Barrett xảy ra ở 8-15% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản kéo dài, nhưng lại là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm.

Biến chứng nguy hiểm nhất đó là ung thư biểu mô tuyến thực quản thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi và có khả năng gây tử vong cao.

Để việc điều trị hiệu quả, GS Long cho rằng người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ. Thay đổi lối sống hiện tại cũng góp phần giảm biểu hiện bệnh.

Khi phát hiện bị trào ngược thực quản, nguyên tắc ăn uống cho người bị trào ngược thực quản nên lựa chọn các thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit.

Các thực phẩm nên sử dụng như bánh mì, bột yến mạch vì giúp thu hồi lượng axit dư thừa trong dạ dày, giảm nguy cơ bào mòn của axit.

Người bệnh cần kiêng rượu bia, thuốc lá. Việc này sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh trào ngược thực quản, dạ dày.

Những người không nên uống cà phê

Những người bị rối loạn nhịp tim, trào ngược dạ dày, trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú cần tránh xa cà phê vì có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/can-benh-ngoc-nu-tang-thanh-ha-mac-co-nguy-hiem-khong-416239.html

K.Chi / Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm