Nhiều người quên cách tận hưởng cuộc sống chỉ vì quá vội vã hoàn thành toàn bộ công việc mỗi ngày. Ảnh: Ron Lach/Pexels. |
Một vài người luôn có những buổi sáng diễn ra hối hả. Họ bật dậy khỏi giường, ăn vội bữa sáng, check qua email, lao đến tủ quần áo, mặc bất cứ thứ gì túm được và chạy vội đến chỗ làm.
Rồi bản thân lại nhận ra mình quên khóa cửa nhà, chưa đặt lịch với bác sĩ, chưa kịp đi siêu thị để chuẩn bị món cho hôm sau, cũng chưa mua được quà cuối năm cho bạn bè…
Theo Stylist, nếu bạn cũng đang có những dấu hiệu tương tự thì bạn và những người đó đang trải qua một "căn bệnh" có tên: Bệnh vội vàng.
Khi bạn luôn thấy bất an, luống cuống vì không thể hoàn thành công việc, đó là dấu hiệu của "bệnh" vội vàng. Ảnh: Anna Shvets/Pexels. |
Hội chứng vội vã là gì?
Chứng bệnh hấp tấp được mô tả là cảm giác cấp bách về thời gian quá mức được Meyer Friedman và Rosenman, các bác sĩ tim mạch, đề cập trong cuốn sách Type A Behavior And Your Heart xuất bản năm 1985.
Về mặt y khoa, đây không phải một bệnh lý, nhưng lại là biểu hiện của tâm lý bất an.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy vội vã, lo lắng và luôn có cảm giác hồi hộp khi không thể hoàn thành các công việc, có lẽ bạn đang mắc hội chứng vội vã. Điều này có thể gây bất lợi cho sức khỏe và cản trở việc bạn tận hưởng cuộc sống.
Tiến sĩ Erica Simon, nhà tâm lý học lâm sàng, người sáng lập SeriesBe, dịch vụ tư vấn phương pháp phòng ngừa kiệt sức tại nơi làm việc, cho biết tâm lý gấp gáp, cấp bách sẽ làm thay đổi sinh lý trong cơ thể như tăng hô hấp, nhịp tim, huyết áp…
Điều này dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe bao gồm: tăng tình trạng viêm nhiễm, suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch, rối loạn điều hòa cảm xúc, gián đoạn giấc ngủ…
Ngoài ra, khi quá vội vã chạy đua với cuộc sống, có khả năng bạn sẽ bỏ bê bản thân, coi việc chăm sóc chính mình là một trở ngại và lãng phí thời gian.
Tâm lý sợ bị người khác đánh giá và muốn thể hiện bản thân khiến bạn luôn vội vã hoàn thành công việc. Ảnh: Pavel Danilyuk/Pexels. |
Điều gì gây ra bệnh vội vã
"Trong văn hóa hiện đại, năng suất được coi là thước đo giá trị của mỗi người. Nhiều người cho rằng việc nghỉ ngơi quá nhiều, lười biếng, luôn vui chơi tận hưởng là điều đáng xấu hổ", tiến sĩ Simon nói.
Do bị ảnh hưởng bởi tâm lý đó, nhiều người trở nên hấp tấp vì sợ không thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Họ muốn chứng minh bản thân là những người có nguyên tắc, nghiêm túc với công việc.
"Dễ hình dung nhất là việc bạn thấy ai đi ra khỏi nhà cũng không dám quên điện thoại vì chiếc smartphone này chứa tất cả những gì họ cần. Họ luôn nhận thức rằng bản thân phải sẵn sàng khi có biến cố nào đó đến", Simon phân tích thêm.
Có nhiều cách để bạn tập sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Làm thế nào để sống chậm lại
Theo các chuyên gia, có một số cách có thể giúp bạn xoa dịu sự lo lắng và giữ tâm lý bình tĩnh thay vì cuống cuồng với mọi thứ.
Chọn các kế hoạch ưu tiên
Phần lớn căng thẳng có thể phát sinh từ việc bản thân cảm thấy thất vọng khi không thể hoàn thành các công việc. Do đó, bạn cần xác định đâu là những việc được ưu tiên hàng đầu.
Bạn nên phân biệt rõ đâu là những nhiệm vụ không khẩn cấp nhưng có tầm quan trọng lâu dài và đâu là những việc khẩn cấp nhưng ít quan trọng hơn.
Theo các chuyên gia, tâm lý chúng ta thường cuống quýt hơn khi gặp các việc phải gắn liền với thời gian, mặc dù các việc đó không quá quan trọng.
Nhóm các nhiệm vụ lại với nhau
Khi không thể sắp xếp thời gian để giải quyết các đầu việc cần làm, bạn sẽ cảm thấy bị quá tải. Thay vào đó, bạn nên thử kết hợp các nhóm việc tương đồng với nhau để cùng giải quyết.
Ví dụ, bạn quyết định dành ngày thứ bảy cho gia đình, khoảng thời gian đó có thể tận dụng để gặp nhiều người thân bao gồm cha mẹ, anh chị. Các hoạt động thư giãn như xem phim, đi dạo phố cùng họ cũng có thể áp dụng trong thời gian này. Hoặc bạn dành trọn vẹn một ngày khác chỉ để dọn dẹp toàn bộ nhà cửa bao gồm các việc rửa xe, lau dọn nhà vệ sinh, giặt đồ, xếp lại tủ quần áo...
Ưu tiên niềm vui
Bạn không chỉ cần quản lý cuộc sống tốt mà còn nên biết tận hưởng. Các chuyên gia khuyên chúng ta nên ấn định một thời gian cụ thể mà không cần làm gì cả.
Thay vì vội vã từ việc này sang việc khác, ta có thể để bản thân nghỉ ngơi tự do. Điều này không bắt buộc bạn phải thiền, tập thể dục hay bất cứ điều gì khác. Đôi khi bạn chỉ cần nằm yên, hoặc ăn một bữa sáng, xem một tập phim, chơi đùa với thú cưng… đây đều là những hoạt động khiến cơ thể thoải mái.
Buổi sáng là thời điểm thích hợp để chúng ta làm những việc này. Chỉ cần 20 phút mỗi ngày, ưu tiên niềm vui của bản thân sẽ khiến cuộc sống của bạn đỡ hối hả hơn.
Chấp nhận việc bản thân không hoàn thành hết mọi việc
Chúng ta luôn có kỳ vọng mình sẽ hoàn thành tất cả mọi thứ, tuy nhiên kỳ vọng này sẽ là áp lực khiến bạn mệt mỏi.
Tiến sĩ Simon cho rằng mọi người đang quá ám ảnh với việc khẳng định bản thân bằng cách làm được nhiều việc nhất. Chúng ta ước một ngày có nhiều hơn 24 tiếng để có thể trở thành những người thành công, hoàn hảo.
Theo chuyên gia, bạn nên từ bỏ tư tưởng này, thay vào đó, chỉ nên tập trung vào một vài việc quan trọng nhất. Khi ngừng thúc ép bản thân, bạn sẽ trở nên bình tĩnh hơn, giải quyết các đầu việc một cách khoa học hơn.
Tiệm cà phê mang sách tới để uống miễn phí ở TP.HCM
Quán cà phê “ Sài Gòn năm xưa” nằm trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, TPHCM được trang trí theo phong cách Sài Gòn xưa, tạo nên một không gian ấm cúng và lãng mạn. Điều khác biệt ở đây là chiếc kệ dùng để "sách đổi sách", tức là khách hàng tới uống cà phê mang đến cuốn sách của mình và được đổi cuốn sách khác của quán mang về đọc.