Bộ trưởng Mary Ng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM. |
Năm 2021, tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050.
Kể từ đó, Chính phủ Việt Nam vừa nỗ lực phát triển kinh tế, vừa đảm bảo trách nhiệm với biến đổi khí hậu và hướng tới trạng thái phát thải bằng 0, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc tại Hội thảo Hướng tới Mục tiêu Net-Zero: Trao đổi kinh nghiệm Việt Nam - Canada được tổ chức tại TP.HCM.
Trong hội thảo, đại diện Canada cũng khẳng định đồng hành và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và quản lý carbon với Việt Nam.
3 bài học từ Canada
Nói về mục tiêu giảm phát thải của quốc gia đến năm 2030, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: "Việt Nam đã nộp Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC vào năm 2022 với mục tiêu giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 lên đến 15,8% và có điều kiện lên đến 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường BAU".
"Xứ sở lá phong" - là một trong những nước quan tâm sớm về vấn đề xây dựng nền kinh tế xanh - cũng đã đặt mục tiêu giảm phát thải 40-45% vào năm 2030.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đông Tùng. |
Trước đó, quốc gia này đã đạt được những thành tựu như giảm 670 triệu tấn khí nhà kính vào năm 2021; cường độ phát thải của nền kinh tế giảm 42% kể từ năm 1990 và 29% kể từ năm 2005...
Nhìn lại quá trình chống biến đổi khí hậu của Canada, bà Isabelle Turcotte - Giám đốc dự án Cấp cao, Tổ chức Đổi mới, Phát triển Khoa học và Kinh tế Canada (ISED) đúc kết ba bài học quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo.
Về vấn đề giảm phát thải, bà Isabelle gợi ý: "Đầu tiên là triển khai giảm phát thải trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế bằng cách đưa ra các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, nhà nước có thể thu hút nhà đầu tư từ khu vực tư nhân lẫn khu vực công để cùng nhau giảm thải carbon".
Bà Isabelle Turcotte chia sẻ về hành trình tiến tới giảm phát thải ròng bằng 0 của Canada. Ảnh: Đông Tùng. |
Tiếp theo, mọi hoạt động về giảm phát thải, định giá carbon của Canada đều dựa trên nền kinh tế thị trường. Do đó, việc kết nối các chủ thể khác nhau của nền kinh tế là cần thiết.
"Cuối cùng, khi hoạch định các chính sách về kinh tế xanh, Canada luôn tham vấn kỹ mọi đối tượng trong nền kinh tế, ví dụ như khu vực dân sự, kinh tế tư nhân, các viện nghiên cứu...", bà phân tích.
Sau khi lắng nghe kinh nghiệm từ các chuyên gia môi trường của Canada, ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ - nhận định đây là những bài học thiết thực.
"Cam kết về Net-Zero là thách thức lớn đối với toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam và Canada. Tuy nhiên, Việt Nam và Canada bình đẳng với nhau trong các tiêu chuẩn quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính hay trung hòa carbon. Nói cách khác, các biện pháp mà Canada đã áp dụng thì chúng ta có thể học hỏi và áp dụng linh hoạt theo điều kiện riêng", ông chia sẻ.
Cú bắt tay của hai nước nông nghiệp
Giống như Việt Nam, nền nông nghiệp của Canada được xem là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của quốc gia. Hơn nữa, cả hai nước vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Trên cơ sở đó, Canada - Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và cộng hưởng để hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế xanh.
Tại Hội thảo Hướng tới mục tiêu Net-Zero: Trao đổi kinh nghiệm Việt nam - Canada, các chuyên gia môi trường của Canada cũng đã đưa ví dụ về một số hoạt động hợp tác giữa Việt Nam - Canada.
Các chuyên gia môi trường của Việt Nam và Canada thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM. |
"Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Saskatchewan đã hợp tác với Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai và Trường Đại học Nông Lâm để sử dụng heo giống và một loại đậu của Canada để làm thức ăn cho heo. Việc này giúp giảm 20% phát thải trong lĩnh vực chăn nuôi heo", ông Hà Nguyễn - Giám đốc Văn phòng Thương mại và Đầu tư tỉnh Saskatchewan tại Việt Nam - chia sẻ.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan, người Canada gốc Việt - cũng đang áp dụng mô hình nuôi tôm - trồng đước giảm phát thải tại Trà Vinh.
"Trung bình 1 tấn tôm thì sẽ thải ra 3,08 tấn khí nhà kính. Do đó, việc áp dụng mô hình nuôi tôm mới để giảm phát thải là điều cần thiết. Tại trang trại tôm của tôi ở Trà Vinh, tôi chia diện tích đất thành 3 phần: Trồng đước, xử lý nước, nuôi tôm. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính và tiết kiệm được nước và điện", TS. Mỹ cho biết.
Với lĩnh vực năng lượng sạch, các chuyên gia Canada còn chia sẻ các công nghệ xử lý carbon, năng lượng thay thế từ rác thải, khí tự nhiên, sử dụng dầu cọ axeton... để Việt Nam tham khảo và tiến tới trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050.
Bộ trưởng Mary Ng và các đại biểu Canada thăm Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện lực TP.HCM. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM. |
Nhìn nhận những hoạt động hợp tác trên, Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada Mary Ng chia sẻ với Tri thức - Znews: "Canada chúng tôi quan niệm 'môi trường và kinh tế phải song hành' nên việc chúng ta chia sẻ thực tiễn và bài học kinh nghiệm là một cơ chế hay để đối phó với biến đổi khí hậu.
Trong lần đến Việt Nam này, tôi đã chứng kiến một cuộc hợp tác giữa 4 công ty dầu khí của Canada với đối tác Việt Nam để tiến xa hơn trong lĩnh vực thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon. Tôi tin chúng ta sẽ không dừng lại ở những thành tựu hiện tại mà có thể triển khai thêm nhiều kế hoạch trong tương lai".
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.