Cảnh giác với học bổng “săn qua mạng”
Chiêu mà các trường đại học ít danh tiếng hay dùng là tăng tiền học phí lên gấp đôi rồi chiêu sinh với quảng cáo về các suất học bổng 50% hay 100%. Chẳng hạn với học bổng 100% thì học viên phải thanh toán các chi phí về ăn, ở...
Ảnh minh họa |
Hiện nay, việc tìm được những địa chỉ cung cấp học bổng du học qua mạng là không khó. Chỉ cần có chút kĩ năng cơ bản về tin học là cả một chợ sầm uất hiện ra trước mắt với vô vàn những mặt hàng.
Và đúng như ý nghĩa của một cái chợ, học bổng thật, giả có đủ. Nhiều học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học tìm được học bổng phù hợp và học tập thành công. Nhưng có người sau khi xuất cảnh lại gặp nhiều khốn khó.
Học bổng toàn phần, bán phần và mê hồn trận
Để đạt được học bổng học sinh phải đạt được điều kiện bắt buộc là ngoại ngữ giỏi và khả năng tài chính của gia đình đáp ứng đủ nhu cầu. Các chương trình du học có thể tạm chia làm 2 kênh.
Thứ nhất là các học bổng do chính phủ cấp, đi qua Bộ GD-ĐT theo đề án Chính phủ. Kênh thứ 2 là học bổng của các trường ở khắp mọi nơi trên thế giới đổ về.
Nhiều học sinh du học thành công nhờ học bổng cho biết: Cách tìm kiếm phổ biến nhất mà các em áp dụng là công cụ tìm kiếm Google và Yahoo. Chỉ cần gõ từ khoá scholarship (học bổng) là có thể tiếp cận với các suất học bổng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Khổ nỗi ở "mặt hàng" này thượng vàng hạ cám đủ cả, tuy ai cũng biết "đắt xắt ra miếng" nhưng học bổng bán phần của các trường nổi tiếng vẫn đòi hỏi người theo học phải có trình độ cao và nguồn tài chính dồi dào, nên phần lớn thợ săn học bổng luôn tìm đến những chương trình hợp với sức mình và túi tiền.
Thử một lần vào trang www.fastweb.com, chúng tôi bị choáng bởi lượng thông tin đồ sộ về học bổng mà nó cung cấp. Trang web này có thông tin về hơn 600.000 học bổng của 4.000 trường đại học trên thế giới.
Trang www.scholarship.com cũng là một web nổi tiếng cung cấp các học bổng miễn phí qua mạng. Còn nếu muốn tìm hiểu thủ thuật săn học bổng cũng như những chương trình học bổng mới của các trường đại học ở Mỹ, Anh và các nước khác thì có www.finaid.org.
Bí quyết để tránh xa... hàng giả
Anh Nguyễn Minh Hiếu từng đạt học bổng toàn phần AusADI của chính phủ Australia học ngành tài chính, hiện là Giám đốc Công ty Giấc mơ Việt và là 1 trong 20 doanh nhân U25 xuất sắc nhất châu Á đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ: Google và Yahoo không phải là ý hay để tìm kiếm vì nó cho ta hàng trăm nghìn địa chỉ với chỉ một từ khoá scholarship. Như thế chỉ làm bạn thêm rối hơn.
Theo anh Hiếu, nên dựa trên trình độ thực sự cũng như nguyện vọng và khả năng tài chính của gia đình để quyết định cụ thể một ngành học ở một đất nước cụ thể. Sau đó hãy tìm hiểu trong những trang web về các trường đại học ở nước đó.
Ngoài ra, còn có những địa chỉ cực kỳ đáng tin cậy không thể không vào, đó là các trang web cung cấp học bổng của các chính phủ dành riêng cho học sinh Việt Nam như www.ads.edu.vn của Chính phủ Australia hay www.vef.gov của Hoa Kỳ. Những thông tin trong trang web kiểu này rõ ràng có độ tin cậy cao hơn nhiều so với rừng thông tin được đăng tải trên những trang quảng cáo khác.
Bà Đào Liên Hương, sáng lập viên Liên hiệp Tư vấn du học Việt Nam, Giám đốc Công ty Tư vấn du học Quốc Anh IEC cung cấp thêm kinh nghiệm: không được bỏ qua trang web của Hội Sinh viên Việt Nam ở các nước mà bạn muốn du học.
Những trang web này là diễn đàn để bạn tìm hiểu những kinh nghiệm thực tế nhất của sinh viên đi trước, như Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh: www.svuk.org.uk chẳng hạn.
Khi được hỏi về chiêu của những trung tâm tư vấn lừa thường như thế nào. Bà Hương cho biết: "Tôi chưa thấy công ty nào trong lĩnh vực giáo dục lại dám giở chiêu lừa ra cả vì như thế chỉ được một vụ thôi. Học sinh sang đến nơi là thật, giả rõ ràng. Chuyện bị lừa đa phần đến từ cò sống kí sinh vào các trung tâm tư vấn để tìm cơ hội đánh bẫy những người nhẹ dạ.
Nên lưu ý học bổng chính là một cách quảng bá thị trường giáo dục nên các trường không tránh khỏi chuyện maketting. Chúng tôi từng thân chinh đến tận trường ở bản địa để tham quan, xem xét có đúng như họ quảng cáo hay không, tránh việc "đem con bỏ chợ".
Có một chiêu mà các trường đại học ít danh tiếng hay dùng để thu hút một thị trường mới là tăng tiền học phí lên gấp đôi so với mức bình thường rồi chiêu sinh các suất học bổng miễn phí 50% hay 100% nhưng thực tế thì họ vẫn thu đủ.
Chẳng hạn với học bổng 100% thì học viên lại phải bỏ tiền cho khoản ăn, ở. Người đạt được học bổng vui vẻ khăn gói sang học mà không biết mình thực ra vẫn đóng tiền ngang ngửa với người đi học tự túc".
Bà Hương cho biết thêm, thị trường khó xét đoán nhất, linh tinh nhất hiện nay chính là Mỹ. Vì quá nhiều trường đại học, quá nhiều chương trình học bổng được mời chào nên chất lượng không biết đâu mà lường.
Cũng theo bà Hương thì hiện giờ các nước có nền giáo dục phát triển như Singapore, Australia… đã biết cách để giảm bớt nỗi thấp thỏm cho du học sinh và nâng cao uy tín nền giáo dục của mình. Đó là các trường phải đăng kí chất lượng và chịu sự kiểm tra chất lượng của Nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ còn lập quỹ cho sinh viên quốc tế. Học sinh sẽ đóng học phí và các khoản khác cho ngân hàng. Nhà trường không được giữ tiền học. Khi sinh viên hoàn tất chương trình học thì tiền mới về tay nhà trường.
Tuy nhiên có điều an ủi, du học qua học bổng thì chí ít người học phải đủ trình độ ngoại ngữ mới có thể tự lập sống và học ở một nơi xa lạ. Tốt nhất là nên chọn một nền giáo dục phù hợp, thêm vào một chút kinh nghiệm khi tìm kiếm học bổng sẽ làm con đường du học an toàn hơn rất nhiều
Theo Công An Nhân Dân