Tại Việt Nam, hệ thống thu phí không dừng được 2 doanh nghiệp thực hiện bao gồm Công ty CP Giao thông số (VDTC) và Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC). Tính đến đầu tháng 8, hơn 3,6 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động ETC theo số liệu từ 2 nhà cung cấp dịch vụ.
Theo thống kê gần nhất của Cục Đăng Kiểm, cả nước hiện có khoảng hơn 4,5 triệu ôtô đang lưu thông. Đồng nghĩa với việc còn gần 1 triệu xe hiện chưa dán thẻ ETC kể cả khi Nghị định số 186 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8.
Dư địa dán thẻ lần đầu khoảng 48 tỷ đồng
Trao đổi với Zing, đại diện VDTC cho biết trong khoảng 1 triệu xe chưa dán thẻ sẽ có khoảng 600.000 xe không có nhu cầu do là các phương tiện đặc thù như xe buýt, xe trong các nhà máy xí nghiệp, xe không được lưu thông trên các tuyến cao tốc.
"Trong số 1 triệu xe chưa dán thẻ, lượng xe không có nhu cầu dán thẻ nhiều khả năng Cục Đăng kiểm sẽ là đơn vị nắm được rõ nhất. 400.000 ôtô còn lại sẽ được cả hai nhà cung cấp dịch vụ triển khai hoàn thiện cho đến cuối năm nay", vị này cho biết thêm.
Các doanh nghiệp đang cố gắng đạt chỉ tiêu dán thẻ trong tháng 12. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sau khoảng thời gian miễn phí, cả hai nhà cung cấp dịch vụ là VDTC và VETC đã chính thức thu mức phí 120.000 đồng/thẻ định danh.
Với 400.000 xe ước tính có nhu cầu nhưng chưa dán thẻ, số tiền mà các doanh nghiệp thu về là khoảng 48 tỷ đồng. Con số này các doanh nghiệp cho rằng hợp lý so với khung tham chiếu dựa trên hợp đồng BOO giữa các doanh nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải.
Mức giá 120.000 đồng/thẻ ETC gây nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng chủ phương tiện. Theo đại đa số chủ xe, mức giá này hiện khá cao.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của Zing, phí dán thẻ ETC của Việt Nam cũng nằm trong nhóm đắt nhất những nước sử dụng công nghệ RFID.
"Số tiền thu được từ việc dán thẻ ePass được dùng để chi trả cho nhiều khoản như chi phí mua, nhập khẩu thẻ, phí để chi cho các kênh bán lẻ, nhân sự dán thẻ, nhân sự chăm sóc khách hàng, chuyển giao công nghệ và truyền thông", ông Cao Đình Ngân -Trưởng phòng kinh doanh của VDTC - cho biết.
Chia nhau "miếng bánh" dán lại thẻ
Chia sẻ với Zing, ông Bùi Trình - Tổng giám đốc VDTC - cho biết doanh nghiệp đã có hơn 1,6 triệu thẻ ePass được dán trên các phương tiện. Cùng thời điểm, VETC cũng thống kê đã dán thẻ cho khoảng hơn 2 triệu phương tiện.
Hiện cả hai doanh nghiệp là VETC và VDTC đều không đưa ra chính sách bảo hành với thẻ dán ETC 120.000 đồng.
Với tỷ lệ 1,6 triệu thẻ ePass được dán từ VDTC và 2 triệu thẻ được dán từ phía công ty VETC, chỉ tính ở lần dán lại đầu tiên nếu xảy ra hư hỏng hoặc mất thẻ, doanh thu đem lại cho 2 doanh nghiệp sẽ ở mức khoảng 432 tỷ đồng.
Trong đó, VDTC dự tính có thể thu về gần 192 tỷ đồng từ dán lại thẻ ETC, 240 tỷ đồng còn lại thuộc về VETC.
Khoản thu lớn cho mỗi xe được dán lại khiến cả hai nhà cung cấp dịch vụ liên tục phải hoàn thiện mình để giữ chân người dùng.
Doanh thu từ việc dán lại thẻ ETC lần đầu tính theo thị phần hiện tại | |||
Nhãn | Công ty CP Giao thông số VDTC | Công ty TNHH Thu phí tự động VETC | |
Tỷ đồng | 192 | 240 |
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang tích cực giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa hai doanh nghiệp.
Trước đó vào đầu tháng 8, VDTC cho biết tình trạng xe đã dán ePass vẫn bị dán đè thêm thẻ của VETC xảy ra với 3.400 xe trong tháng 5. Trong hai tháng liên tiếp, tình trạng dán đè thẻ đã phát sinh thêm 12.637 xe. Đến nay đã có 39.954 xe gặp tình trạng này.
Theo thống kê của Viettel (công ty mẹ của VDTC), việc VETC dán chồng thẻ đã khiến doanh nghiệp này thiệt hại gần 6,8 tỷ đồng, bao gồm chi phí cho nhân công và chi phí 120.000 đồng mỗi thẻ ETC.
Phản hồi lại vấn đề từ phía VDTC, Phó giám đốc VETC Hồ Trọng Vinh chia sẻ doanh nghiệp không có chủ trương chèo kéo khách hàng bóc thẻ của ePass để thay bằng thẻ của bên mình.
Ông Vinh cho biết cũng có một lượng khách hàng hủy thẻ từ VETC để chuyển sang sử dụng dịch vụ phía VDTC và đây là điều doanh nghiệp phải chấp nhận.
Cũng theo ông Vinh, số lượng thẻ bị kích hoạt ảo, hỏng hóc không được thay thế từ nhà cung cấp dịch vụ khác khi đi qua các trạm cũng gây không ít những khó chịu, bức xúc cho các chủ phương tiện cũng như khó khăn cho VETC trong việc tư vấn, hỗ trợ khách hàng.