Ngày 1/8, Bệnh viện Bạch Mai chính thức khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính. Giờ khám hiện tại được kéo dài đến 21h. Việc mở rộng giờ khám là nỗ lực của bệnh viện trong việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân và giảm tình trạng quá tải. |
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, nhiều người dân đã đăng ký online trước đó và có mặt tại bệnh viện để thăm khám. Tính đến 18h ngày 1/8, có hơn 100 bệnh nhân đã đăng ký khám bệnh và có hơn một nửa người lựa chọn cách đăng ký online hoặc qua website của bệnh viện. |
Để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, bệnh viện Bạch Mai bố trí đầy đủ phòng khám và chuyên khoa trong giờ hành chính như Nội tiết, Tiêu hóa, Cơ - Xương - Khớp, Hô hấp, Thần kinh, Thận - Tiết niệu, Tim mạch, Truyền nhiễm, Huyết học, Hồi sức tích cực, Sản, Nhi, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt, Mắt… Các phòng khám được bố trí cùng một tòa nhà, thuận tiện cho việc di chuyển của người dân đến khám vào buổi tối. |
Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trung bình khoảng 8.000 bệnh nhân, có thời điểm cao kỷ lục đến 10.000 người tới khám. Do đó, đi khám ở Bạch Mai vào giờ chiều, cầm trên tay tờ phiếu khám với số thứ tự 24 vào giờ tối có thể được xem là điều "phấn khởi", bởi bệnh nhân không phải mất quá nhiều thời gian để chờ đợi. |
"Thời gian qua, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện rất đông, có một số khung giờ cục bộ bị quá tải. Bệnh viện đã khảo sát nguyện vọng của cán bộ, nhân viên, hơn 2.000 nhân viên y tế đã đăng ký tự nguyện khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính. Đây là điều kiện để phục vụ nhu cầu của người dân và nhân viên y tế có thêm thu nhập chính đáng". PGS.TS Vũ Văn Giáp (Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết. |
17h, bà Ngô Thị Mai (61 tuổi, ở Bắc Giang) đã có mặt ở bệnh viện. Trước đó, con gái bà đã đặt lịch khám cho 5 người trong gia đình. "Những lần khám trước, tôi thường phải đi từ sáng sớm, bệnh nhân đến khám rất đông nên chờ đợi khá lâu, thậm chí đến ngày hôm sau mới có kết quả. Lần này, tôi bất ngờ vì thời gian khám nhanh, vẫn kịp về quê luôn tối nay", bà Mai chia sẻ. |
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thời gian khám chính thức của bệnh viện từ 17h đến 21h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Người dân sẽ có đủ thời gian thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu, khám bệnh... Giá dịch vụ y tế cũng không thay đổi. |
Kết thúc ngày làm việc sớm hơn thường lệ, từ 15h, vợ chồng anh Xuân Phước (45 tuổi) cùng nhau di chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội khám bệnh. Tới hơn 18h, hai vợ chồng đã có mặt tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai. Người đàn ông này có tiền sử xơ phổi, đã cắt u nang, bỏ thuốc lá được 2 năm. Gần đây, bệnh nhân thường xuyên bị khàn tiếng nên đến viện kiểm tra. Nhờ đăng ký khám trước và đặt lịch vào buổi đêm, chuyến tái khám lần này của hai vợ chồng thong thả, nhẹ nhàng hơn. |
Đưa mẹ đi khám bệnh từ 5h sáng nhưng đến 17h vẫn chưa có kết quả, anh Tuệ (29 tuổi, quê Hải Phòng) đang lo lắng sẽ phải xin nghỉ làm thêm một ngày để nghe bác sĩ chẩn đoán. Anh Tuệ bất ngờ khi được bác sĩ thông báo sẽ làm việc đến tối và có thể chờ lấy kết quả luôn trong tối nay. |
Theo chia sẻ của nhiều bệnh nhân, việc mở thêm giờ thăm khám rất thuận tiện cho người bệnh, đặc biệt đối với những người ở tỉnh xa. Bệnh nhân đến khám có thể về luôn trong ngày, đỡ các chi phí khác như xe đi lại hay nhà trọ. Những người làm việc giờ hành chính có thể yên tâm đi khám sau giờ làm. |
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn tay nghề cao đăng ký tham gia khám chữa bệnh. Thậm chí, nhiều bác sĩ sẵn sàng đóng cửa phòng mạch riêng để làm ngay tại bệnh viện. |
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.