1. Đâu là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Đồng Tháp?
TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh đều là những đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, có điểm khá đặc biệt là trùng tên nhau. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có TP Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự cùng các huyện: Hồng Ngự (trùng tên thị xã), Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình và Tháp Mười. Ảnh: Bảo tàng Đồng Tháp. |
2. Địa danh Cao Lãnh có nguồn gốc thế nào?
Theo tư liệu của Bảo tàng Đồng Tháp, địa danh Cao Lãnh do nói trại từ Câu Lãnh mà thành. Lãnh là tục danh của ông Đỗ Công Tường, giữ chức câu đương, nên gọi là Câu Lãnh. Ông, bà Đỗ Công Tường xưa quê ở miền Trung, đến đây lập nghiệp, góp phần làm cho vùng đất này thêm phát triển, như việc có công lập chợ, nên được người dân rất kính trọng. Ảnh: Báo Đồng Tháp. |
3. Mộ và đền ông, bà Đỗ Công Tường ở TP Cao Lãnh được xếp hạng di tích quốc gia vào năm nào?
Năm 2019, mộ và đền ông, bà Đỗ Công Tường ở TP Cao Lãnh được xếp hạng di tích quốc gia. Địa điểm này có giá trị to lớn trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Cao Lãnh nói riêng và Đồng Tháp nói chung, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân địa phương đối với tiền nhân. Ảnh: Mekong Delta Explorer. |
4. Năm 2020 là lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ bao nhiêu?
Năm 2020 là lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 200. Truyền tích kể rằng vào năm 1820, bệnh dịch xảy ra trong vùng khiến nhiều người chết, ông, bà đã khấn nguyện xin chết thay cho dân chúng, cầu mong dịch bệnh mau chấm dứt. Để nhớ ơn, người dân lấy ngày 9-10/6 âm lịch làm ngày giỗ của ông, bà. Hàng năm, sự kiện này luôn được ban quản lý đền thờ, nhân dân cùng chính quyền địa phương tổ chức trọng thể. Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Tháp. |
5. Tại TP Cao Lãnh có di tích mộ nhân vật nào sau đây?
Tại TP Cao Lãnh có di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, công trình vòm mộ cụ mang dáng dấp một đài sen với 9 đầu rồng, tượng trưng cho tấm lòng nhân dân đồng bằng sông Cửu Long đối với một nhà Nho yêu nước. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
6. Cầu Cao Lãnh bắc qua sông nào?
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối liền địa phận TP Cao Lãnh với huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu được khánh thành vào giữa năm 2018, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Quân. |
7. Địa danh Cao Lãnh gắn với đặc sản nổi tiếng nào?
Xoài Cao Lãnh là đặc sản trứ danh của Đồng Tháp, thường được nhắc đến qua câu: "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh...". Theo tư liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, hai loại xoài Cao Lãnh nổi tiếng là xoài cát chu - ngắn, tròn mình, hơi chu phần đuôi quả, và xoài cát - thuôn dài, eo rốn rõ, đỉnh nhọn... Ảnh: CleverFood. |