Các bác sĩ khoa Cấp cứu cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Mới đây, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, tiếp nhận một bệnh nhân nam, 18 tuổi, sốc mất máu do vết thương thấu bụng.
Người đi cùng cho biết thanh niên này bị vật sắc nhọn đâm vào bụng. Sau chấn thương, một phần ruột đã lòi ra ngoài thành bụng qua vết thương, chưa được xử trí tại chỗ. Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng sốc chấn thương nặng: Tiếp xúc chậm, vật vã, da niêm mạc nhợt, mạch nhanh và khó bắt, huyết áp không đo được, bụng chướng, có máu đông ở quanh quai ruột lộ ra trên thành bụng.
Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định đây là tình trạng rất nguy kịch, khả năng có chảy máu do tổn thương mạch máu trong ổ bụng.
Bệnh nhân được cấp cứu hồi sức, chống sốc, đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, truyền máu cấp cứu. Sau 15 phút hồi sức, bệnh nhân được đưa lên phòng mổ cấp cứu, thăm dò và xử trí tổn thương ổ bụng. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện tổn thương như rách động mạch thận, tụy.
Bệnh nhân được phẫu thuật khâu nối mạch máu, cắt thân và đuôi tụy kết hợp với truyền hơn 5000 ml khối hồng cầu. Bệnh nhân sau đó đã tạm qua nguy kịch.
Bác sĩ Lê Đức Duẩn, khoa Cấp cứu, cho biết sốc mất máu do chấn thương là cấp cứu ngoại khoa tối khẩn cấp vì diễn biến xấu rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Theo các nghiên cứu thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong đến 31% trong vòng 2 giờ đầu mặc dù điều trị tại cấp cứu; tử vong 12% trong 2-24 giờ tiếp theo, 11% sau 24 giờ. Kể cả số trường hợp sống sót, 39% phát triển nhiễm trùng và 24% sẽ có suy đa tạng.
Theo BS Duẩn, các trường hợp sốc mất máu do chấn thương phải được cấp cứu tối khẩn cấp và có tham gia kết hợp đa chuyên khoa. Các chuyên gia cần vừa tiến hành hồi sức cấp cứu chống sốc, vừa phẫu thuật cầm máu giải quyết nguyên nhân thì mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Trong trường hợp này, bệnh nhân được khâu nối động mạch thận và tụy cầm máu, cắt thân và đuôi tụ.
"Quá trình cấp cứu tại chỗ đối với trường hợp vết thương thấu bụng nói riêng và các vết thương mất máu nói chung cũng rất quan trọng. Bệnh nhân cần được xử trí cầm máu tại chỗ. Trường hợp vết thương lộ tạng cần phải được che phủ bằng các vật liệu sạch tốt nhất là vô trùng, để hạn chế chảy máu, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất", bác sĩ Duẩn nói.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.