“Tuổi còn trẻ, sao bỏ phố về quê sớm thế?”.
Hơn 3 năm qua, anh Trần Bảo Tân và chị Võ Thùy Mỵ (31 tuổi) quá quen với câu hỏi này từ khi rời TP.HCM về quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An sinh sống.
Để thực hiện ước mơ điền viên, hai vợ chồng tự tay làm ngôi nhà bằng đất, trồng rau trong vườn với mục tiêu tự cung tự cấp trên mảnh đất 2.000 m2 của gia đình.
“Ban đầu, chúng mình dự liệu có rất nhiều khó khăn và sợ không thực hiện được. Thế nhưng, thà chọn việc khó để làm còn hơn cứ mơ ước rồi để thời gian trôi qua, khi về già lại hối hận vì đã không sống hết mình. Bắt tay vào mới thấy không có gì khó, chỉ tiếc là không bắt đầu sớm hơn”, anh Tân nói với Zing.
Vợ chồng anh Tân và chị Mỵ tự làm nhà bằng đất với chi phí 50 triệu đồng. |
An cư
Tốt nghiệp ngành Xây dựng của Đại học Kiến trúc TP.HCM, anh Tân làm giám sát công trình nên thường xuyên di chuyển khắp nơi. Dù thu nhập khá, anh không thấy vui vì ở thành phố nhưng luôn mơ về cuộc sống bình yên chốn quê nhà.
Sau một lần tình cờ xem video bỏ phố về vườn của một chàng trai Thái Lan, anh Tân được truyền cảm hứng. Anh bắt đầu tự học tiếng Anh và kiến thức về thương mại điện tử.
Chỉ trong 2 năm, anh Tân có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Anh nghỉ việc vào năm 2015 để chuyển sang kinh doanh và dạy tiếng Anh.
Sau đám cưới vào năm 2016, anh Tân có thêm sự ủng hộ của chị Mỵ về ý định rời phố về quê. Tuy nhiên, tới tháng 8/2019, hai vợ chồng mới có thể thực hiện.
Hiểu rằng an cư rồi mới lạc nghiệp, anh Tân và chị Mỵ bắt tay vào xây dựng ngôi nhà bằng đất.
“Nhà đất thích hợp cho nơi có chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao. Ban ngày, nhiệt độ trong nhà thấp hơn ngoài bóng râm 5-8 độ C. Về đêm, nhiệt độ bên trong cao hơn 2-5 độ C. Mình chọn nhà đất vì thân thiện môi trường, nguyên liệu sẵn có”, anh giải thích.
Vợ chồng anh Tân tự mày mò, tìm hiểu để hoàn thiện căn nhà sau 4 tháng thi công. |
Anh Tân cho hay đất đen và đất sét được chọn làm vật liệu chính vì khả năng chịu lực tốt. Mỗi ngày, anh chỉ đắp lớp đất khoảng 3 cm, đợi khô mới tiếp tục. Sau khi nhà thành hình, anh dùng cát và vôi trát nhiều lớp mỏng lên tường, lớp cuối cùng là vôi tôi để khử nấm mốc.
Sau 4 tháng thi công, ngôi nhà của anh Tân và chị Mỵ hoàn thành trước Tết 2020. Năm sau, hai người làm thêm gác để tách biệt không gian ngủ và làm việc.
Trong không gian sinh hoạt chính rộng 49 m2, anh Tân đắp sô pha bằng đất cạnh cửa sổ và đặt xích đu gỗ ở giữa nhà. Đây cũng là nơi làm việc của vợ chồng anh. Phần trên là gác ngủ rộng 9 m2.
Cạnh nhà chính, anh Tân dựng bếp bằng đất và tự tay đóng tủ, bàn theo ý thích của vợ.
“Tổng chi phí làm nhà là 50 triệu đồng, chủ yếu chi vào mua công cụ lao động. Vợ chồng tôi rất vui vì mọi người đến chơi đều khen không gian trong lành, mát mẻ”, anh cho biết.
Để chống thấm cho căn nhà, anh Tân ban đầu lấy hạt cao su ép rồi quét lên tường. Sau đó, anh chuyển sang dùng dầu thực vật hoặc xà phòng để bớt vất vả. |
Hiện tại, anh Tân và chị Mỵ xây thêm quán nhỏ ở ngoài ruộng. Không chỉ để thư giãn, đây là nơi người chồng dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong xóm, còn vợ anh bán chè.
“Với mong muốn gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường, mình sẽ không dùng bịch nylon và chỉ sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Mình cứ phải làm thì các bạn nhỏ mới thấy mà học theo”, anh nói.
Lạc nghiệp
Từ khi bỏ phố về quê, thay đổi lớn nhất anh Tân cảm nhận được là vợ chồng anh đều quên đi ngày tháng, thứ hai cũng như chủ nhật, không phải mong ngóng đến cuối tuần để được nghỉ như lúc còn đi làm.
“Trước kia, hai đứa luôn mong tới nghỉ lễ để đi du lịch. Nhưng giờ có đi đâu hay không cũng không quan trọng vì nơi mình sống là tuyệt vời nhất. Ở đó có chiếc xích đu tự tay mình làm, có căn nhà tự tay mình xây, có vườn rau tự tay mình chăm sóc”, anh nói.
Thừa nhận về quê “không có gì nhiều ngoài thời gian”, anh Tân luôn nghĩ ra cái mới để làm.
Người chồng giải trí bằng cách tự làm những vật dụng trong nhà tặng vợ, trồng thêm cây cối, bẻ trái ăn tại vườn… Tất cả khiến việc xem phim rạp hay ăn nhà hàng ở phố thị không thể so sánh.
“Sau một thời gian hoàn thiện nhà ở, mình đang cập nhật một số kiến thức về rừng lương thực - một loại vườn thuận theo tự nhiên. Vợ chồng mình có mục tiêu tự cung tự cấp”, anh nói.
Khi rảnh rỗi, anh Tân giải trí bằng cách đóng đồ đạc để tặng vợ và trang trí thêm cho căn nhà. |
Hiện tại, thu nhập chính của anh Tân đến từ việc dạy tiếng Anh.
Về chi tiêu, vợ chồng anh không thay đổi nhiều. Bởi lẽ trước khi về vườn, họ đã tập lối sống đơn giản, không dùng tiền mua những thứ giải trí hay làm đẹp mà chỉ mua quần áo, giày dép khi thật sự cần. Khoản chi chủ yếu là thức ăn và dụng cụ xây nhà, làm vườn.
Nhiều người nhắn tin nhờ hướng dẫn phương pháp xây nhà, chọn nguyên liệu, cách trộn đất rồi chống thấm cho tường đất, anh Tân luôn sẵn sàng chia sẻ. Anh cũng tham gia nhiều lớp học làm nhà đất online của nước ngoài để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Với anh Tân, bỏ phố giống như rời nơi an toàn để đi vào chiến trường.
“Cùng lắm là 2, 3 năm không kiếm được đồng nào, nhiều người đi làm cả đời còn mắc nợ có sao đâu. Nhưng nếu thắng sẽ dành lại cuộc sống, thời gian cho mình, không phải tốn hơn 1/2 thời gian cuộc đời chỉ để kiếm đủ tiền trang trải”.
Anh Tân cho rằng ở đâu cũng có cơ hội phát triển nếu bản thân kiên trì và không ngừng học hỏi. |
Theo anh Tân, khi bỏ phố về quê, điều cần thiết là có kỹ năng chuyên môn giỏi.
“Trong thời đại Internet, mình có thể làm việc bất kỳ đâu, chỉ cần giỏi kỹ năng nào đó như photoshop, thiết kế web, thậm chí làm mộc, chăn nuôi… thì ở đâu cũng có cơ hội. Tiếp đó là tinh thần học hỏi không ngừng. Thường về quê sẽ có nhiều thời gian, có thể học thêm ngoại ngữ để mở rộng thị trường, biến cả thế giới trở thành chỗ làm của mình”.
Anh nói thêm: “Hãy bắt đầu thực tập lối sống đơn giản, làm quen với những thú vui như tự tay làm vật dụng trong nhà, trồng rau sân thượng. Có thể tham gia các hội nhóm để làm quen với các anh, chị có vườn hoặc xin làm việc ở những nông trại hữu cơ vào ngày nghỉ để tập làm quen cuộc sống thôn dã trước khi quyết định. Điều quan trọng là kiên nhẫn, luôn học hỏi, năm nay phải nhiều kỹ năng hơn năm ngoái. Không có gì có công thức sẵn hết, phải tự mày mò, sai thì làm lại”.