Câu chuyện của các sinh viên vô địch Robocon 2012
Xuất sắc vượt qua nhiều đội mạnh trên cả nước, LH-CACTUS 2 của Đại học Lạc Hồng trở thành nhà vô địch Robocon 2012 và là đại diện duy nhất cho Việt Nam tham gia Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á- Thái Bình Dương.
>> ĐH Lạc Hồng lần thứ 3 vô địch Robocon
>> Những chú robot tham gia sân chơi SV 2012
Con đường dẫn đến thành công
Mặc dù trời mưa rất to và kéo dài nhiều giờ đồng hồ nhưng các thành viên trong đội vô địch vẫn vui vẻ nhận lời tiếp đón chúng tôi tại Khoa cơ điện-ĐH Lạc Hồng và tâm sự cởi mở về thời gian làm việc vô cùng vất vả của họ. Thành viên chính trực tiếp tham gia điều khiển robot gồm: Nguyễn Hữu Trọng (điều khiển robot bằng tay), Đào Văn Chương (điều khiển robot hái bánh bao) và Trần Văn Hùng (điều khiển robot lấy giỏ và vận chuyển).
Trên gương mặt và đôi kính cận vẫn còn vươn lại những giọt nước mưa, Trần Văn Hùng chia sẻ: "Nhóm bắt tay vào chế tạo robot này từ tháng 9 đến khi thi vòng loại miền Nam. Khi lọt vào chung kết toàn quốc thì nhóm tiếp tục cải tiến để robot có thể hoạt động tốt nhất".
Các bạn trong đội tuyển robocon phần lớn đều là sinh viên năm cuối, lượng bài vở trên lớp cũng nhiều hơn thế nên việc tham gia đội tuyển robocon là một thách thức rất lớn đối với các bạn. Trong khi đó, thời gian tổ chức các đợt thi tại trường cũng gần như trùng với thời gian thi đấu, khiến áp lực càng nặng nề hơn với các bạn.
Ngoài việc học trên lớp các bạn còn phải dành nhiều thời gian và công sức cho những chú robot của mình vì thế nếu không có niềm đam mê thực sự chắc chắn sẽ không thể hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ trên. Việc tính toán phân bổ thời gian giữa việc học và chế tạo robot sao cho phù hợp và đạt kết quả tối ưu cho cả hai luôn là một bài toán khó đối với các thành viên trong đội.
Cũng chính vì khó khăn về mặt thời gian như vậy nên phần lớn các bạn khi từ xưởng chế tạo về đều rất mệt mỏi, nhiều lúc không thể tới lớp được. Phải rất khó khăn các thành viên trong đội tuyển mới có thể cân đối được thời gian giữa việc học và chế tạo robot vì thế việc học chính phần nào cũng bị ảnh hưởng.
Các thành viên của nhà vô địch trong đêm chiến thắng. |
Chia sẻ phần nào khó khăn của các bạn, đồng thời động viên các thí sinh tham gia đội tuyển robocon, ThS.Nguyễn Bá Thuận, Phó Trưởng khoa Cơ điện, Trưởng đoàn tham dự Robocon của trường ĐH Lạc Hồng cho biết: "Nhà trường sẽ tổ chức cho giảng viên phụ đạo lại những kiến thức do thời gian bận thi đấu mà các bạn chưa tiếp thu được. Ngoài ra, nếu sinh viên không thể tham gia thi học kỳ đợt 1 sẽ được sắp xếp thi vào đợt 2 và tính điểm như đợt 1".
Con đường tới Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á - Thái Bình Dương đang rộng mở với các thành viên LH-CACTUS 2, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều gian nan và thử thách rất cần đến sự nổ lực của các thành viên. "Sau cuộc thi tại TP.HCM, đội sẽ nghỉ ngơi vài ngày lấy lại sức và tinh thần, sau đó sẽ bắt tay vào cải tiến robot chuẩn bị cho kỳ thi đấu quốc tế sắp tới", Đào Văn Chương hứng khởi nói. Hy vọng các chàng trai của Đồng Nai sẽ mang lại nhiều bất ngờ trên đấu trường quốc tế sắp tới.
Nhà trường đã tạo nền tảng công nghệ tốt
Không thể phủ nhận thành công hôm nay của LH-CACTUS 2 là nhờ một phần lớn vào nền tảng công nghệ nhiều năm của ĐH Lạc Hồng. Vài năm trước đây nhắc đến Robocon người ta đều ái ngại khi phải đối đầu với các đội đến từ các trường như ĐH Bách khoa TP.HCM hay ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên từ sau mùa Robocon 2010, ĐH Lạc Hồng bất ngờ trở thành nhà vô địch, mở ra một thời kỳ mới trong làng Robocon Việt Nam: ĐH Lạc Hồng trở thành một đối thủ đáng gờm với nhiều trường trên cả nước.
ĐH Lạc Hồng mừng LH-CACTUS 2 chiến thắng trở về. |
Theo Thạc sĩ. Nguyễn Bá Thuận thì để có những chú robot khỏe mạnh và kỹ thuật cao như vậy thì nhà trường và các sinh viên đã phải làm việc ròng rã gần 1 năm trời. Cụ thể là ngay sau cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á- Thái Bình Dương 2011, khi đề tài và thể lệ cuộc thi cho năm 2012 đã được công bố thầy trò đã bắt tay vào làm việc ngay.
Để chế tạo ra một chú robot có khả năng thực hiện được nhiệm vụ theo yêu cầu của ban tổ chức phải qua một quá trình rất dài. Công việc đầu tiên là phải tìm ý tưởng, sau đó lựa chọn những ý tưởng tối ưu nhất để tiến hành phát thảo trên máy tính rồi mới đưa ra thực hiện bên ngoài.
Theo yêu cầu của các đội, nhà trường sẽ xem xét và tài trợ kinh phí mua thiết bị cần thiết. Tuy nhiên các thiết bị trước khi sử dụng phải được ban tổ chức cho phép trên tiêu chí công bằng giữa các đội trên cả nước.
Thạc sĩ Thuận cũng cho biết nhà trường cũng chỉ hỗ trợ một phần nhỏ như: Sân bãi, xưởng chế tạo, chi phí ăn cho các bạn... còn lại sinh viên đều phải tự lực. Sau đó các đội robocon sẽ phải trải qua 5 cuộc thi được tổ chức tại trường nhằm chọn ra 15 đội tốt nhất đi tham dự vòng loại khu vực phía Nam.
Theo thông tin từ phía ĐH Lạc Hồng thì phần lớn các thí sinh từng tham gia cuộc thi sáng tạo Robocon sau khi ra trường đều có công việc tốt và thành đạt. "Nhiều công ty của Đồng Nai khẳng định chỉ nhận sinh viên từng tham gia thi Robocon vì đã có kinh nghiệm chế tạo vì khả năng thích nghi với công việc sẽ tốt hơn các sinh viên khác", ThS. Thuận chia sẽ thêm.
Theo Vietnamnet