Mọi chuyện bắt đầu bằng vài lời trêu đùa vui vẻ vào một buổi sáng mùa hè năm 1967.
Shigeichi Negishi, khi đó 43 tuổi, đang hát một mình khi bước vào văn phòng của công ty điện tử do ông điều hành ở Tokyo, theo Wall Street Journal.
“Anh hát không hay lắm đâu, anh Negishi!”, một trong những kỹ sư trong văn phòng cất tiếng đùa.
"Cho tôi thư giãn xíu!", Negishi đáp lại.
Cuộc trao đổi ngắn ngủi dễ quên này đã làm lóe lên một ý nghĩ: Giá như họ có thể nghe thấy giọng của tôi qua phần đệm!
Và thế là ý tưởng về máy karaoke đã ra đời, ông Negishi cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 cho cuốn sách Pure Invention: How Japan Made the Modern World (tạm dịch: Phát minh thuần túy: Nhật Bản tạo nên thế giới hiện đại như thế nào) của tác giả Matt Alt.
Bà Atsumi Takano - con gái ông Negishi - cho biết ông đã qua đời ở tuổi 100 vì nguyên nhân tự nhiên vào ngày 26/1, sau một cú ngã.
Trên bình diện quốc tế, việc phát minh karaoke được công nhận rộng rãi là nhờ Daisuke Inoue, một nhạc sĩ người Nhật đã phát hành ca khúc 8 Juke vào năm 1971. Sau đó, được một chương trình truyền hình Singapore ca ngợi là người sáng tạo ra karaoke, Inoue tiếp tục được vinh danh là một trong những “Người châu Á có ảnh hưởng nhất của thế kỷ” do tạp chí Time bình chọn năm 1999.
Ông Shigeichi Negishi vào năm 2018 với chiếc máy karaoke của mình từ những năm 1960, có tên là Sparko Box. Ảnh: MATT ALT. |
Tuy nhiên, ở Nhật Bản, sự tồn tại của những chiếc máy singalong trước Inoue không có gì bí mật hay phải bàn cãi. “Sparko Box” của Negishi, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 1967, được công nhận là sản phẩm sớm nhất từ Hiệp hội các nhà công nghiệp Karaoke toàn Nhật Bản, tổ chức lớn nhất nước này gồm các nhà sản xuất và bán lẻ máy karaoke.
Trên thực tế, Negishi là người đầu tiên trong số 5 nhà phát minh Nhật Bản độc lập tạo ra máy karaoke từ năm 1967 đến năm 1971. Inoue đã đi tiên phong trong ý tưởng thu âm lại các bài hát pop theo nhịp và phím đàn để những người nghiệp dư dễ hát hơn. Có thể cắt nghĩa một cách chuẩn xác hơn thì ông được coi là người đổi mới phần mềm với sự quan sát sâu sắc, cho phép thiết bị của bản thân vượt qua những thiết bị khác, gây ra sự bùng nổ trên toàn quốc.
Nhưng chính phần cứng của ông Negishi đã thiết lập nền móng cho mọi phát triển theo sau đó.
Người bán hàng trọn đời
Shigeichi Negishi sinh ngày 29/11/1923, chỉ hai tháng sau trận động đất lớn Kanto san bằng Tokyo. Ông là con trai của một quan chức giám sát các cuộc bầu cử địa phương và người mẹ doanh nhân mở một cửa hàng thuốc lá tại nhà ở khu Itabashi của thành phố.
Là một thanh niên mê đọc sách và thích mày mò, Negishi từ nhỏ đã nổi tiếng với việc tạo dựng các tác phẩm bằng bìa cứng tinh xảo về cảnh quan thành phố, và ở tuổi 11 đã giành chiến thắng trong một cuộc thi toàn quốc về nghệ thuật thư pháp bằng bút lông.
Ông tiếp tục học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Hosei, và nhập ngũ.
Sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, Negishi phải trải qua hai năm làm tù binh ở nhiều trại khác nhau ở Singapore, bao gồm Tengah và Changi (nơi tác giả James Clavell của Shogun từng bị giam giữ).
Được trả tự do vào năm 1947, Negishi trở về quê hương, nơi ông sử dụng những kỹ năng tiếng Anh mà ông luyện tập thành thạo khi còn là tù binh để bán máy ảnh Olympus. Con gái ông kể lại rằng khi quan sát các hành lang của các khách sạn có người nước ngoài thường xuyên lui tới, cha cô khi đó đã trau dồi kỹ năng thuyết trình về các thiết bị mới nhất của công ty.
Sự nghiệp của Negishi thăng hoa khi Nhật Bản thời hậu chiến chuyển mình thành một cường quốc công nghiệp. Năm 1956, ông thành lập Nichiden Kogyo, một công ty lắp ráp các thiết bị điện tử tiêu dùng như đài bán dẫn, hệ thống hi-fi và dàn âm thanh ôtô cho các nhà sản xuất khác.
Cảm hứng về chiếc máy hát karaoke xuất hiện vào mùa hè năm 1967, vào thời điểm Nichiden Kogyo đang lắp ráp đầu băng 8 rãnh cho ôtô. Negishi cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 rằng ý tưởng này bắt đầu như một trò đùa trong văn phòng: Ông thích hát cùng với các chương trình truyền hình, đài phát thanh và muốn nghe giọng mình rõ hơn trên nền nhạc.
Ông đã nhờ một nhân viên nối micro, loa và đầu băng, sau đó bật bản ghi âm phần nhạc ca khúc Mujo no Yume (Giấc mơ vô tâm) của nghệ sĩ Yoshio Kodama, để kiểm tra. Ấn tượng với kết quả đạt được, ông mang chiếc máy kỳ lạ này về nhà và vô tình tổ chức bữa tiệc karaoke đầu tiên trong lịch sử với vợ con.
Sparko Box của ông Negishi lần đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 1967. Ảnh: MATT ALT. |
Con gái ông nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ tất cả đã sốc và hồi hộp như thế nào khi nghe giọng của mình phát ra từ loa”.
Phát triển thương mại
Ngay lập tức nhận ra tiềm năng thương mại của thiết bị, Negishi đã cùng một người bạn phân phối sản phẩm. Một trở ngại ban đầu là phải gọi thiết bị này là gì. Ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản từ lâu đã sử dụng thuật ngữ karaoke (viết tắt của các từ mang ý nghĩa “trống rỗng” và “dàn nhạc”) để chỉ một ca sĩ biểu diễn trên một bản nhạc đệm được ghi sẵn.
Đối tác của ông Negishi ngần ngại trước từ này vì sợ rằng nó nghe quá giống kan'oke, từ chỉ quan tài.
Dựa trên thực tế thiết bị có đèn nhấp nháy theo nhạc, hai người bạn quyết định gọi chiếc máy singalong của mình là “Sparko Box”.
Để thu âm, ông Negishi dựa vào một thị trường đang phát triển mạnh về các loại nhạc nền được dùng trong vũ trường, nơi một nghệ sĩ được thuê sẽ hát theo bài hát nổi tiếng để giải trí cho đám đông. Sau khi chất máy móc lên xe và thử băng 8 rãnh, Negishi đã lái xe khắp Nhật Bản để giới thiệu Sparko Box cho các chủ quán bar, khách sạn, nhà hàng - bất kỳ địa điểm nào có khách tụ tập để uống rượu, thư giãn và ca hát.
Vào thời điểm đó, những khách quen của quán bar muốn có chút lời ca tiếng nhạc thường gọi nagashi, nghĩa là “nghệ sĩ lang thang”- một tay guitar tự do nhận yêu cầu biểu diễn phục vụ khách. Sparko Box đã tự động hóa quá trình này, cung cấp các bài hát với giá 100 yen thay vì 1.000 yen cho nagashi.
Bất cứ khi nào ông Negishi giới thiệu Sparko Box, khách hàng đều nhanh chóng “chốt đơn” - nhưng gọi lại ngay ngày hôm sau để trả lại hàng.
“Đó chính là vì giới nagashi!”, ông Negishi nói trong cuộc phỏng vấn năm 2018. “Họ phàn nàn. Chúng tôi đặt Sparko Box ở đâu thì họ cũng đòi chủ quán phải bỏ nó đi”.
Ông Negishi cuối cùng đặt khoảng 8.000 Sparko Box tại các cơ sở trên khắp Nhật Bản. Nhưng ông ngày càng mệt mỏi vì xung đột với các nhạc sĩ nagashi cũng như công việc bán hàng và bảo trì tận nhà. Ông hoàn toàn rời bỏ công việc kinh doanh karaoke vào năm 1975. Ngày nay, chỉ còn lại một chiếc Sparko Box, được gia đình Negishi giữ làm kỷ vật.
Cả Negishi, Inoue hay bất kỳ nhà phát minh karaoke đầu tiên nào khác đều chưa từng được cấp bằng sáng chế cho những sáng tạo của họ; thời gian và chi phí nộp đơn tại Nhật Bản vào thời điểm đó đã làm nản lòng tất cả công ty, trừ những công ty có nguồn tài chính mạnh.
Bằng sáng chế chưa bao giờ khiến ông Negishi bận tâm. Ảnh: Hiroko Yoda. |
Khi ông Negishi rời bỏ công việc kinh doanh, karaoke vẫn chủ yếu là món tiêu khiển ban đêm của giới văn phòng sau giờ làm việc. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi các nhà sản xuất lớn vào cuộc, sử dụng sức mạnh tiếp thị để thu hút lượng người tiêu dùng rộng hơn. Karaoke lan rộng từ quán bar đến phòng khách gia đình trong suốt những năm 1970 và 1980.
Vào thời kỳ đỉnh điểm của hiện tượng này vào năm 1995, theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Karaoke toàn Nhật Bản, gần 60 triệu người dân nước này thường xuyên hát karaoke - tức gần một nửa dân số nước này. Nhiều người phương Tây lần đầu thử karaoke tại các nhà hàng Nhật Bản vào những năm 1980. Khi karaoke phát triển mạnh ở các quán bar, trung tâm thương mại và các bộ phim như When Harry Met Sally và Lost in Translation, nó trở thành mốt giải trí mới cho các nghệ sĩ (và những người “ca không hay”) trên toàn cầu.
Karaoke trong văn hóa
Hoạt động kinh doanh karaoke đã suy giảm liên tục kể từ đầu thế kỷ XXI, và đặc biệt là thời kỳ hậu Covid-19. Mặc dù chúng ta có thể ít hát hơn trên các máy chuyên dụng nhưng thực tế hình thức singalong phổ biến khắp thế giới ngày nay cũng đồng nghĩa với “karaoke” chính là minh chứng cho công lao của những người tiên phong như Negishi.
Sparko Box đã bị lu mờ bởi các đối thủ đến sau và thành công hơn, nhưng bằng cách đặt những người nghiệp dư vào tâm điểm chú ý, dù chỉ trong thời lượng của một bài hát, ông Negishi đã mở đường cho xu hướng mới, đình hình phong cách mới của cuộc sống hiện đại.
Ông thành lập một loạt công ty mới sau dự án kinh doanh karaoke, trong đó có một công ty bán sách Phật giáo có gắn chip âm thanh đọc Tâm Kinh. Ông nghỉ hưu ở tuổi 70. Những ngày cuối đời, ông đắm chìm trong các sở thích như điêu khắc, làm giỏ truyền thống và hát karaoke.
“Thực sự, bằng sáng chế chưa bao giờ khiến ông bận tâm”, con gái ông nói. “Cha tôi rất tự hào khi thấy ý tưởng của mình phát triển thành một nền văn hóa vui chơi thông qua bài hát trên khắp thế giới. Đối với ông ấy, sống 100 năm trong vòng tay gia đình là đủ rồi”.
Theo Takano, ông Negishi có ba người con, 5 cháu và 8 chắt.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.