Mọi phụ huynh đều muốn con mình hạnh phúc và thành công. Theo nhà trị liệu tâm lý Amy Morin (tổng biên tập của Verywell Mind), cách tốt nhất để đảm bảo điều đó là dạy trẻ mạnh mẽ về mặt tinh thần càng sớm càng tốt. Những đứa trẻ bền bỉ về mặt tinh thần thường có lòng tự trọng cao hơn, dễ phát triển khả năng tự phục hồi về mặt tinh thần hơn. Điều đó cho phép chúng luôn lạc quan trước những thử thách và học hỏi từ những thất bại của mình. Theo bà Morin, dưới đây là 7 câu nói cha mẹ của những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ tránh sử dụng. |
1. "Bình tĩnh nào!": Không bao giờ là một ý kiến hay khi nói với trẻ rằng chúng nên cảm nhận như thế nào, ngay cả khi bạn chỉ đang cố gắng làm cho chúng bình tĩnh hoặc vui lên. Bà Morin cho rằng điều quan trọng là cần phải chú ý đến hành động mà trẻ làm đối với các cảm xúc đang xảy ra. Bà đề nghị cha mẹ nên giúp con hiểu rằng cảm xúc khó chịu, giận dữ là điều thường gặp và hướng dẫn chúng thực hiện một hành động lấy lại bình tĩnh. Ví dụ như hít thở sâu, chạy bộ thay vì la hét. |
2. "Đừng lo lắng về điều đó": Khi ai đó nói "Đừng lo lắng về điều đó", nỗi lo cũng không tự động biến mất. Thay vào đó, bà Morin cho rằng cha mẹ nên có chiến lược tốt hơn, đặt câu hỏi "Con có thể làm gì khi lo lắng?" với trẻ. Điều này có thể giúp trẻ tư duy cách giải quyết vấn đề và quản lý suy nghĩ của mình theo cách lành mạnh hơn. |
3. "Con sẽ làm tốt thôi": Bà Morin cho rằng đây là một cách nhìn tích cực có thể giúp con trẻ tự tin, nhưng không ai có thể nhìn thấu được mọi thứ. Cha mẹ thực sự không thể dự đoán được khi nào con thành công hay thất bại. "Nói cách khác, đưa ra sự đảm bảo với trẻ rằng chúng sẽ thành công nhưng nếu không đạt được mục tiêu, điều đó có thể làm tổn thương sự tự tin của trẻ", chuyên gia nhận định. Thay vì nói "Con sẽ thắng/làm tốt!", cha mẹ nên nói "Con hãy cố gắng hết sức. Nếu thất bại, cũng không sao cả". |
4. "Đừng để mẹ bắt gặp con làm điều đó một lần nữa": Cụm từ này thường được thốt ra vì bực tức và mong muốn giúp trẻ tránh thói quen xấu hoặc nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ cảnh báo trẻ về hậu quả của việc bị bắt quả tang, chúng cũng sẽ chỉ tìm cách làm sao để che giấu tốt hơn các hành vi xấu. Ngược lại, nếu bạn dạy con thành thật với cha mẹ về các lỗi lầm của mình, khi đó, bạn mới có thể giúp chúng học hỏi và phát triển. |
5. “Con là người giỏi nhất”: "Không có gì sai nếu bạn khen con khi chúng làm tốt. Nhưng nếu con nghĩ rằng chúng chỉ đáng được khen ngợi nếu vượt trội hơn tất cả, chúng sẽ gặp phải những kỳ vọng không thực tế và lo lắng về viễn cảnh đứng ngoài vị trí đầu tiên", bà Morin nói. Thay vào đó, bạn hãy khen ngợi con vì quá trình của chúng - học tập chăm chỉ hoặc nỗ lực - thay vì kết quả. |
6. “Điều đó là hoàn hảo!”: Tương tự, cha mẹ hãy cẩn thận để không nuôi dạy một đứa trẻ cầu toàn - luôn nghĩ mình phải "hoàn hảo" để xứng đáng được khen ngợi hoặc yêu thương từ cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy chủ nghĩa hoàn hảo ở trẻ có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế. |
7. “Con đang làm cho bố/mẹ nổi điên”: Câu nói này có thể khiến trẻ nghĩ rằng cảm xúc của chúng bị ảnh hưởng bởi hành vi của người khác. Trẻ có thể đổ lỗi người khác vì đã khiến chúng phát điên và không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trong trường hợp này, bà Morin khuyên cha mẹ nên cố gắng sử dụng các câu như “Bố không thích hành vi của con ngay tại thời điểm này” hoặc “Mẹ không thích cách con đang phản ứng. Thay vào đó, đây là những gì chúng ta nên làm...". |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.