Một bà mẹ tại Nhật Bản đã trả Công ty Elixir Arts tại Tokyo 5,7 triệu yên (tương đương 53.300 USD) để họ kéo con gái 30 tuổi của bà ra khỏi nhà, hòa nhập xã hội.
Nhân viên công ty phá cửa trước, kéo cô gái 30 tuổi ra khỏi nhà, lấy tiền và điện thoại, rồi thả vào khu ký túc xá thuộc quyền sở hữu của họ.
Bà mẹ trên chỉ là một trong nhiều phụ huynh Nhật Bản chọn cách trả số tiền lớn để đưa con cái họ ra ngoài giao thiệp với người xung quanh. Những bạn trẻ này được gọi là "thế hệ Hikikomori" - những người không bước chân ra khỏi nhà.
Fuminori Akoa, 29 tuổi, một Hikikomori trong tác phẩm về người trẻ "ẩn sĩ" của nhiếp ảnh gia Maika Elan. Anh đã nhốt mình trong phòng một năm. Dần dần, Fuminori cảm thấy cô độc. Ảnh: Maika Elan. |
Trả tiền để con vào... viện tâm thần
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản định nghĩa Hikikomori là thuật ngữ chỉ những người từ chối tiếp xúc xã hội, không đi học, đi làm và hầu như không giao tiếp với người ngoài gia đình.
Thuê các công ty, dùng biện pháp mạnh là lựa chọn cuối cùng của nhiều phụ huynh.
Theo SCMP, ngày 15/6, một bạn trẻ gửi đơn khiếu nại lên cảnh sát Tokyo về trường hợp bị ép buộc ra khỏi nhà. Cha mẹ của người này trả 7 triệu yên (khoảng 65.400 USD) cho một công ty. Sau đó, người này bị đưa vào viện tâm thần trong 50 ngày, rồi thêm 40 ngày trong khu ký túc xá.
Nguyên nhân khiến các phụ huynh Nhật Bản phải bỏ số tiền lớn để làm những điều trên xuất phát từ sự tuyệt vọng. Thời gian qua, những Hikikomori có xu hướng tiêu cực hơn khi xuất hiện nhiều vụ án bạo lực.
Ngày 4/6, một thanh niên 23 tuổi ở Kobe bị bắt giữ sau khi thừa nhận bắn 4 thành viên trong gia đình bằng nỏ. 3 người tử vong, 1 người bị thương nặng. Thanh niên này đã bỏ đại học và sống như “ẩn sĩ” trong nhà khá lâu trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra.
Vụ án trên cho thấy những khó khăn của gia đình trong việc giúp con cái hòa nhập xã hội.
Nhiều người, sau khi bị tống vào ký túc xá, bị ép lao động nặng nhọc, cấm liên lạc với người thân và bị lạm dụng về thể chất.
Công ty, sau khi nhận số tiền lớn từ phụ huynh, sẽ ép buộc các Hikikomori ra khỏi nhà, tống họ vào viện tâm thần hoặc ký túc xá trong vài tháng. Ảnh: SCMP. |
Điều trị ép buộc không mang lại hiệu quả
Ông Takahiro Kato, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Kyushu, Fukuoka, khẳng định rằng việc áp dụng phương pháp điều trị bắt buộc không mang lại hiệu quả tích cực cho những Hikikomori.
Hiện tượng này được giáo sư tâm lý Tamaki Saito xác định từ cuối những năm 1990. Chính phủ Nhật Bản ước tính quốc gia này có khoảng 1,1 triệu Hikikomori từ 15 đến 64 tuổi.
Hikikomori cũng đang dần trở nên phổ biến ở Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc) - những nơi có gia đình nhiều thế hệ và tư duy Nho giáo, kèm áp lực xã hội cao.
Theo ông Morisata Fukaya, thành viên tổ chức Kazoku Hikikomori Nhật Bản, người dân quốc gia này không muốn thể hiện vấn đề cá nhân ra bên ngoài hay chia sẻ với người xung quanh vì xấu hổ.
Có những trường hợp con cái trở thành Hikikomori nhưng cha mẹ để họ ở nhà và che giấu. Điều này vô tình làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Những tác động của dịch Covid-19, cách ly xã hội, người dân ở nhà nhiều hơn, khiến số lượng Hikikomori tăng cao.
Tuy vậy, lối sống này tại Nhật Bản đang dần có những thay đổi tích cực mùa dịch. Trong một bài viết hồi tháng 4, SCMP nhận định thế hệ này không còn ăn bám gia đình.
Nhiều Hikikomori tập trung công việc và sở thích của bản thân, kết nối trực tuyến với mọi người nhằm thay đổi góc nhìn của xã hội.