1. Chả rươi còn được biết đến với tên gọi nào?
Chả rươi (rươi đúc trứng) là hương vị khá phổ biến ở miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội. Nguyên liệu gồm trứng, thịt nạc vai, vỏ quýt, hành, thì là, rươi và các loại gia vị. Hỗn hợp này được trộn đều, chiên trên chảo nóng tạo thành món ăn lạ vị và giàu dinh dưỡng. Ảnh: Trangpinkyy. |
2. Răng mực là đặc sản của địa phương nào?
Răng mực là phần thịt tròn, nhỏ trên đầu mực. Người Phan Thiết chế biến răng mực thành nhiều món như hấp gừng sả, xào lăn, tẩm bột chiên giòn... Đặc biệt, răng mực nướng ăn kèm đồ chua và rau răm là thức quà vặt hút khách nhất trong tất cả các hương vị. Ảnh: Jgfood_cook_travel. |
3. Bánh cooc mò là đặc sản của dân tộc nào?
Trong tiếng Tày, “cooc mò” nghĩa là sừng bò vì bánh có hình chóp nhọn như chiếc sừng. Bánh được làm từ gạo nếp, lá đỏ và đậu xanh. Cách nấu và hương vị món ăn này gần giống bánh chưng nhưng thơm hơn nhờ lá đỏ. Ảnh: Hoàng Đông. |
4. Đặc sản khâu nhục ở Lạng Sơn có nguồn gốc từ quốc gia nào?
Khâu nhục vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi du nhập vào Việt Nam, món ăn được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nơi đây. Nguyên liệu gồm thịt ba chỉ thớ dày ướp cùng các loại gia vị, tần ô. Khi hấp cho thêm khoai lang, lá tàu soi. Đĩa khâu nhục có hình dạng khum tròn đẹp mắt, thường được ăn kèm cơm, xôi nếp hoặc bánh mì. Ảnh: Hoàng Đông. |
5. Địa phương nào có món pizza hủ tiếu nổi tiếng?
Phiên bản pizza hủ tiếu lạ vị là một trong những món ăn hút khách của Cần Thơ. Làng nghề làm hủ tiếu tại đây cách trung tâm thành phố chừng 4 km. Những chiếc pizza làm từ sợi hủ tiếu được chiên nóng giòn, có màu vàng đẹp mắt. Pizza có hương thơm của hành ngò quyện vị đậu phộng rang bùi giúp thực khách cảm nhận trọn vị miền Tây. Ảnh: Ly Nguyễn. |
6. Đặc sản nậm pịa của dân tộc nào?
Nậm pịa là đặc sản của người Thái, thường xuất hiện trong những bữa tiệc đãi khách. Nguyên liệu chính là nội tạng các loài động vật ăn cỏ như bò, dê... được nấu hầm thật nhừ. Đây là món ăn khá "khó nuốt" vì có vị đắng của lòng và "pịa" (phân non). Ảnh: Vietsense travel. |
7. Món ngồng tỏi thường được xào với nguyên liệu gì?
Ngồng tỏi là một phần thân và củ tỏi non, còn xanh mướt. Cách chế biến đơn giản nhất với nguyên liệu này là xào cùng tỏi và thịt bò. Hương vị cay nhẹ từ ngồng tỏi và ngọt thơm từ thịt bò tạo sự lạ miệng khi ăn. Đây là đặc sản du khách không thể bỏ lỡ khi đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Henry Le. |