Chàng sinh viên báo chí với gia tài là 35 bìa sách
Người Sài Gòn, không phải lo chuyện cơm áo trong thời gian đi học nhưng Tạ Quốc Kỳ Nam đã tự trang trải mọi chi phí bằng chính sức lao động và đam mê của mình.
>> Cô sinh viên báo chí từng 4 lần vô địch SEA Games
>> Chàng thủ khoa câm điếc và lớp học không âm thanh
>> Lớp học và thư viện làng của 'thiên thần không đôi chân'
“Thành công” là một khái niệm khó đong đếm, thế nhưng nếu xét trong phạm vi lứa tuổi và bạn bè cùng ngành học, Tạ Quốc Kỳ Nam vẫn có quyền tự hào về những gì đã làm được. Hiện tại, cậu sinh viên năm thứ tư của khoa Báo chí và Truyền thông trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đang là chủ nhân của 35 sản phẩm bìa sách thuộc Công ty Nhã Nam.
Kỳ Nam là tác giả của 35 bìa sách đòi hỏi nhiều lao động và sáng tạo. Ảnh: N.Đ |
Thành tích ấy không phải quá đặc biệt, nhưng là minh chứng cho một điều: Hãy tự tin đi đến cùng với đam mê thực sự của mình, thành công và tiền bạc sẽ tự đến.
Không qua trường lớp đồ họa
Theo lời bạn bè, Kỳ Nam được biết đến như một trong những thành viên năng động và cá tính nhất, với việc thường xuyên nảy ra những ý tưởng độc đáo và không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu.
Cũng như nhiều sinh viên khác theo học ngành báo chí, Kỳ Nam cũng sớm làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp khi cộng tác tại một số cơ quan truyền thông ngay từ năm thứ nhất đại học, đồng thời sở hữu khá nhiều bài viết trên các tờ báo dành cho tuổi teen. Với nhiều người, làm công việc thuần chuyên môn ngành học được xem là đi đúng hướng, nhưng có lẽ khả năng tư duy độc lập đã giúp ích rất nhiều cho Nam trong việc chọn lối đi riêng.
Là người có suy nghĩ độc lập, Kỳ Nam đã lựa chọn con đường riêng của mình, khác với nhiều sinh viên cùng lứa. Ảnh: N.Đ |
Ít người biết được rằng trước khi nhận công việc thiết kế bìa sách cho một công ty tiếng tăm, Kỳ Nam không hề học qua một trường lớp đồ họa nào. Thay vào đó từ cuối năm học cấp 3, Nam bắt đầu tự mày mò các phần mềm thiết kế. Đến năm thứ 2 đại học, Nam tình cờ đọc được thông tin thi tuyển vào vai trò cộng tác viên thiết kế bìa sách và cậu quyết định nộp đơn ứng tuyển. Chỉ sau 2 sản phẩm làm thử, Nam đã thuyết phục được công ty Nhã Nam mời tham gia làm bìa thật.
Kỳ Nam là tác giả của một số bìa ấn phẩm được bạn đọc yêu thích. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Theo thời gian làm công việc sáng tạo, Nam dần nhận ra chính thiết kế - đồ họa mới là lĩnh vực mình thực sự yêu thích và có thể phát huy hết khả năng của bản thân. Giờ đây với Nam, mỗi một bìa sách cho cậu cảm giác đó là một đứa con tinh thần, tương tự như những suy nghĩ của sinh viên ngành báo chí về bài viết của mình.
Không vội thỏa mãn
“Công việc thiết kế không chỉ đem lại niềm vui cho em mà còn là nguồn thu nhập “lai rai” nữa. Vừa làm thiết kế freelance vừa làm cho công ty truyền thông, nên em có thể tự trang trải sinh hoạt phí, năm ngoái đã tự mua được laptop, máy ảnh… rồi chuyện tiêu xài cũng cũng thoải mái hơn với tiền mình kiếm được, ngoài ra cũng để dành được một khoản. Thỉnh thoảng còn phụ được tiền chợ với mẹ”, Kỳ Nam chia sẻ.
Những bìa sách không chỉ mang lại cho tác giả niềm vui làm việc (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Sớm kiếm ra tiền và tạo ra những sản phẩm giá trị được bạn đọc công nhận, nhưng cậu sinh viên trẻ không hề mang tư tưởng thỏa mãn. Khi được hỏi về cảm nhận hiện tại cũng như dự tính sắp tới, Nam thừa nhận chưa bao giờ hoàn toàn hài lòng về những sản phẩm bìa sách của mình, vì “Cái sau thấy tốt hơn cái trước nhưng chỉ một thời gian ngắn lại thấy không thỏa mãn”.
Do luôn muốn đi tới cùng với những gì mình theo đuổi, Nam sẽ không dừng lại ở những bìa sách, mà đang rất muốn kết hợp tối đa mối quan hệ giữa sự sáng tạo được bồi đắp trong quá trình thiết kế với những kiến thức báo chí gặt hái trong hơn 3 năm học qua, nhằm bổ trợ cho những lĩnh vực thuộc về truyền thông, PR, thời trang…
Sự tìm tòi và mạo hiểm có thể khiến người ta đôi khi vấp ngã nhưng nó cũng giúp ích rất nhiều trong việc tìm thấy những gì mình thuộc về. Kỳ thực tập của sinh viên báo chí hè 2011 kết thúc cũng là lúc Nam xác định mình sẽ chỉ đi theo lĩnh vực truyền thông và những công việc liên quan đến sáng tạo. Theo Nam, điều khó khăn nhất là chưa biết niềm đam mê ở đâu và khả năng của bản thân là gì vì khi ấy, mọi thứ mình làm đều thiếu lửa và mang tính thử nghiệm, mò mẫm.
Kỳ Nam cho rằng mình thấm thía một điều: “Hãy làm việc mà bạn yêu thích, rồi thành công và tiền bạc sẽ đến”.
Cùng chiêm ngưỡng một số thiết kế bìa sách của tác giả Tạ Quốc Kỳ Nam:
Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nhật Đăng - Lăng Nhu
Theo Infonet