Đặng Trần Tùng, sinh năm 1993, người Việt duy nhất đạt điểm tuyệt đối 9.0 IELTS 4 lần. Từ kinh nghiệm giảng dạy và thi IELTS gần 20 lần, anh chia sẻ một số lưu ý khi tự học tại nhà.
Hai kỹ năng quan trọng nhất
Đặng Trần Tùng coi Listening và Reading đóng vai trò tiếp thu, lĩnh hội, quan trọng nhất. Speaking và Writing là hai kỹ năng phái sinh, sử dụng những kiến thức từ hai kỹ năng trên.
Nếu như Listening và Reading chưa ổn tức là ngữ pháp chưa chắc, từ vựng không rộng, chưa tạo ra vốn kiến thức để người học IELTS thực hiện những kỹ năng còn lại.
Anh Đặng Trần Tùng đã có kinh nghiệm thi IELTS gần 20 lần, 4 lần đạt 9.0. Ảnh: NVCC. |
Việc đọc báo hoặc bản tin hàng ngày vừa cung cấp ý tưởng có thể sử dụng cho phần thi viết và nói, vừa giúp người học quen thuộc với các từ vựng học thuật phổ biến nhất.
Với kỹ năng nghe, Anh Tùng chia làm hai phương pháp. Một là nghe chủ động - nghe trong quá trình làm đề để tăng điểm số.
Hai là nghe thụ động - nghe nhằm nắm bắt thông tin và giải trí. Người nghe có thể chọn các nguồn nghe chính thống các kênh tin tức lớn như BBC, nghe podcast về đa dạng về các chủ đề, xem phim và các chương trình truyền hình, cũng như các chương trình theo sở thích cá nhân.
Với kỹ năng đọc, anh Tùng chia sẻ sau khi đọc một mẩu tin, bài báo... hay làm đề. người học cần hiểu nghĩa và có thể dịch lại. Nên chọn những mẩu tin, bài báo mà người học có thể hiểu được từ 70-80%, còn lại 20-30% là kiến thức mới. Người học không nên chọn những bài viết có độ mới 100% vì rất dễ nản, khi tra cứu sẽ không biết chọn nghĩa nào của từ vựng nên dễ dẫn đến việc hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ bài viết đó.
Bắt đầu học IELTS như thế nào?
Đối với người mới bắt đầu học IELTS hoặc kiến thức nền tảng còn yếu, anh Tùng đưa ra lời khuyên: "Không nên tập trung vào việc luyện đề và điểm số, nên trau dồi thêm ngữ pháp, từ vựng và phát âm. Có thể dựa trên hệ quy chiếu châu Âu (CEFR) để xác định trình độ hiện tại của bản thân, từ đó ước lượng được số giờ học và lên kế hoạch phù hợp với mục tiêu ngắn và dài hạn".
Mất tập trung, phát âm chưa đúng, từ vựng còn yếu... là nguyên nhân khiến điểm Listening không cao. Ảnh: NVCC. |
Người học nên bắt đầu làm đề khi ngữ pháp ở trình độ C1, C2. Theo anh Tùng, ngữ pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý thông tin, nền tảng ngữ pháp còn yếu sẽ khiến thông tin nhận được không chính xác. Bên cạnh đó, người học nên có vốn từ vựng từ trình độ B2 trở lên, phát âm cần đúng và rõ ràng.
Giọng Anh-Anh hay Anh-Mỹ là một lợi thế tuy nhiên không nhiều người bắt chước được. Vì vậy, người học có thể sử dụng giọng Anh-Việt mà vẫn ghi được điểm cao trong bài thi nói, miễn là có thể nói tròn âm và có sự mạch lạc.
Anh Tùng còn chỉ ra một số nguyên nhân khiến điểm Listening không cao như mất tập trung, phát âm chưa đúng hay từ vựng còn yếu. Để khắc phục vấn đề trên khi làm bài nghe người học nên thực hiện ba bước:
Bước 1: Đọc transcript đằng sau mỗi cuốn của bộ IELTS Cambridge, đánh dấu từ mới và dịch nghĩa.
Bước 2: Sau khi hiểu toàn bộ nghĩa của đoạn đối thoại, người học nghe chay file nghe mà không làm bài để kiểm tra về phát âm.
Bước 3: Nghe và bắt đầu làm đề.
Việc thực hiện ba bước trên giúp người học mở rộng vốn từ vựng, cải thiện kỹ năng nghe và tăng điểm ở bài thi Listening.
Người học có thể vừa đọc vừa làm bài, hoặc tra nghĩa hết tất cả các từ mới ở trong bài rồi mới tiến hành làm, lý giải nguyên nhân sai sau khi kiểm tra đáp án.
Để học từ vựng và ngữ pháp, người học có thể tham khảo bộ sách Destination Grammar & Vocabulary trình độ B1 và B2 của Malcolm Mann Steve Taylore-Knowles.
Ngoài ra, anh Tùng còn chia sẻ cách học và sử dụng từ vựng hiệu quả, không nên học theo danh sách mà nên thông qua bối cảnh của đoạn văn, đoạn phim. Việc học từ vựng cần được trải nghiệm đa giác quan, thứ nhất là mặt chữ, tiếp theo là nghe cách phát âm và quan trọng nhất là cách sử dụng.